Chủ tịch nước:Xử lý hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ
VOV.VN - Đây là yêu cầu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với lực lượng Cảnh sát biển cùng các cơ quan, đơn vị.
Sáng 15/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt Đoàn đại biểu cán bộ, chiến sỹ tiêu biểu của lực lượng Cảnh sát biển; đại biểu cấp ủy, chính quyền, bà con ngư dân của 11 xã, huyện đảo và đại biểu các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội tham dự Lễ tôn vinh “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” nhân kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi gặp mặt.
Trong thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát biển đã chủ động trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân; thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng; đồng thời, thường xuyên quan tâm và triển khai hiệu quả công tác dân vận, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.
Đặc biệt, từ đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát biển đã triển khai có hiệu quả mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” ở các xã, huyện đảo xa đất liền, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Qua đó, lực lượng Cảnh sát biển đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cấp ủy chính quyền địa phương, nhân dân xã đảo và ngư dân tại các khu neo đậu tàu, thuyền, âu tàu của xã đảo thông qua các hình thức in ấn, cấp phát tờ rơi; cử cán bộ, sĩ quan trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, vận động ngư dân; thông báo rõ, cụ thể cho ngư dân trên các địa bàn về tần số liên lạc với Đài canh tìm kiếm, cứu hộ trên biển của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; qua đó, động viên nhân dân tích cực vươn khơi, bám biển; tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đây là mô hình mới góp phần xây dựng hệ thống chính trị xã, huyện, đảo vững mạnh, làm cơ sở xây dựng thế trận lòng dân trên biển, giúp bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, vừa làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước, vừa góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo của Tổ quốc.
Sự tham gia của bà con ngư dân trên các vùng biển là “sự hiện diện dân sự”, “những cột mốc sống trên biển”, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Toàn cảnh buổi gặp mặt. |
Chủ tịch nước nêu rõ, biển, đảo Việt Nam có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc ta; Khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là bảo vệ, giữ gìn và phát triển biển, đảo.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, để tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát biển cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để nắm chắc, chủ động tổng hợp, phân tích, dự báo chính xác tình hình; kịp thời đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước xử lý có hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật; chủ động tham gia tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ môi trường và ứng phó với các sự cố trên biển; thực hiện tốt công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, cho ngư dân làm ăn sinh sống trên biển.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói chuyện cùng các đại biểu. |
Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển, trong đó có các xã, huyện đảo, cần xây dựng, phát triển kinh tế biển bền vững, theo hướng khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển, quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hậu cần, chế biến, cầu cảng; kết hợp chặt chẽ kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh; chăm lo đời sống văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các xã, huyện đảo phát triển về kinh tế, xã hội, mạnh về quốc phòng an ninh, vừa là cửa ngõ để vươn ra biển lớn, vừa là pháo đài tiền tiêu để tạo thành thế phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp vững chắc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân, nhất là để ngư dân của ta không vi phạm vùng biển các nước; luôn coi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân gặp tai nạn rủi ro trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là thực hiện “mệnh lệnh từ trái tim”. Tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, chủ động tham gia xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của các xã, huyện đảo; làm tốt công tác an sinh xã hội, qua đó động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự biển, đảo của Tổ quốc.
Chủ tịch nước mong muốn bà con ngư dân cần phát huy những phẩm chất tốt đẹp cần cù, chịu thương, chịu khó, yêu nghề và yêu biển; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; khắc phục khó khăn, hiểm nguy để bám biển, bám ngư trường truyền thống; tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật trong đánh bắt và khai thác hải sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển; đồng thời tích cực hỗ trợ các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. |
Chủ tịch nước tin tưởng, phát huy truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, thử thách, giành được nhiều chiến công, thành tích to lớn hơn nữa, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.
Chủ tịch Quốc hội: Vị trí Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang
Phải làm rõ vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam
Cần đầu tư để Cảnh sát biển Việt Nam đủ mạnh