Chủ tịch Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh
VOV.VN -Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh thay đổi phong cách lãnh đạo nhằm thu hút hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, DN.
Chiều 23/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tây Ninh về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2019. Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tiên phong, đoàn kết, gương mẫu, thay đổi phong cách lãnh đạo nhằm thu hút hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội làm việc với tỉnh Tây Ninh. |
Theo Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ông Phạm Văn Tân, Tây Ninh với đường biên giới dài hơn 240 km, phía Tây và Bắc giáp Vương quốc Campuchia có 2 cửa khẩu quốc tế, 4 cửa khẩu chính, 12 cửa khẩu phụ. Tây Ninh có hơn 69% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo gồm 5 tôn giáo chính: Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo Islam.
Kinh tế 6 tháng đầu năm của Tây Ninh tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng 8,5% so với cùng kỳ, đạt 47,6 % nghị quyết đề ra. Ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 5.204,5 tỷ đồng, đạt 65,1%. Xây dựng nông thôn mới bảo đảm triển khai thực hiện theo kế hoạch, đến nay có 14 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 33 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 2 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 36 xã đạt và giữ vững 19 tiêu chí chuẩn nông thôn mới.
Tây Ninh tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 324 doanh nghiệp, với sổ vốn đăng ký 6.535 tỷ đồng, tăng 14,9% về số lượng và tăng 1,4 lần về vốn so với cùng kỳ. Đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; thu hút đăng ký đầu tư mới cho 25 dự án, với vốn đăng ký trên 535 triệu USD và 41 tỷ đồng; tăng vốn 11 lượt dự án nước ngoài với số vốn tăng trên 106 triệu USD .
Về công tác của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện 5 cuộc giám sát và tổ chức 27 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV trên địa bàn tỉnh; qua các đợt tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp thu và ghi nhận 304 vấn đề cần kiến nghị để khắc phục những hạn chế trong quản lý, điều hành, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Các thành viên của Đoàn công tác đánh giá, Tây Ninh là tỉnh có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế, xã hội. Tốc độ tăng trưởng RGDP cao hơn mức trung bình của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, nông nghiệp thực hiện theo chuỗi liên kết có thị trường để các sản phẩm đạt năng suất cao. Lĩnh vực du lịch phát triển, thu hút được đông đảo khách tham quan, đặc biệt là du lịch tâm linh. Môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp. Tây Ninh đã giải quyết thủ tục hành chính tốt, đặc biệt là dịch vụ hành chính công. Công tác tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới, giải quyết kịp thời các vấn đề nóng của người dân, không để xảy ra khiếu kiện.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng thành tựu mà Đảng, Chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh đạt được trong thời gian qua với mức tăng trưởng 8,5%, đây là con số đang ghi nhận. Bên cạnh đó công nghiệp dịch vụ, thu ngân sách nhà nước tăng, cơ cấu thu hợp lí; các lĩnh vực văn hóa xã hội có những chuyển biến tích cực; tỉ lệ hộ nghèo hơn 2% là mức thấp. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, trong số 2% hộ nghèo ấy, không có gia đình người có công với cách mạng, gia đình chính sách.
Tây Ninh nằm trong cửa ngõ trọng điểm của phía Nam, có tuyến đường huyết mạch Xuyên Á kết nối kinh tế các địa phương, địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, du lịch. Tỉnh có đường biên giới kéo dài. Đặc biệt, Tây Ninh có 23 dân tộc anh em sinh sống, điều đó cũng tạo nên bản sắc văn hóa vô cùng phong phú.
“Những lợi thế của tỉnh là những tiềm lực lớn, cần phải được phát huy tối đa để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhưng đó cũng là những thách thức đặt ra với tỉnh Tây Ninh. Những tỉnh có ít đường biên giới sẽ nhẹ hơn nhiều, những tỉnh có ít đồng bào dân tộc sinh sống thì cũng đỡ hơn. Nhưng chúng ta có những đặc thù riêng như vậy thì đó vừa là thuận lợi và thách thức đối với tỉnh nhà”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tiên phong, đoàn kết, gương mẫu, thay đổi phong cách lãnh đạo nhằm thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tây Ninh cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu dịch vụ hợp lý, tuy tỷ trọng nông nghiệp giảm, nhưng phải gia tăng giá trị sản phẩm trong lĩnh vực này. Những sản phẩm đang có, được thị trường chấp nhận, cần phải duy trì.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn lãnh đạo tỉnh Tây Ninh quan tâm hơn nữa đến đời sống của người dân.
“Chúng ta cần quan tâm đến việc phát triển chăm lo đời sống văn hóa cho người dân để nâng cao hơn nữa vật chất, tinh thần cho người dân. Tây Ninh có 23 dân tộc thiểu số nên phải lo cho đời sống của đồng bào và chăm lo đời sống vùng biên cho người dân. Tây Ninh có chương trình đưa người dân lên vùng biên để định cư, phát triển kinh tế vùng biên. Tôi cho rằng, đây là chương trình đi đúng hướng vì không có một cột mốc nào vững chắc bằng lòng dân ở biên giới. Tỉnh cần làm tốt công tác tôn giáo, tập trung tạo điều kiện cho nhân dân sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật, đồng thời không để xảy ra mâu thuất, bất đồng giữa các tôn giáo”- Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.
Với vị trí là nơi đầu nguồn nước, theo Chủ tịch Quốc hội, Tây Ninh cần phải làm tốt công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, phục vụ nước sinh hoạt cho TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương; bảo vệ khu di tích quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị phát triển.
Ghi nhận những hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh thời gian qua hiệu quả và chất lượng, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến những hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Hội đồng nhân dân nâng cao chất lượng hoạt động; đổi mới công tác điều hành; đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh quan tâm chú ý và tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động các đại biểu dân cử.
Với những kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về bổ sung quy hoạch đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận đề xuất này và sẽ cùng với Chính phủ xem xét việc quy hoạch.
Về Dự án Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 - Tây Ninh, nơi yên nghỉ của 13.976 liệt sĩ mọi miền Tổ quốc đã hy sinh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam; trong đó có 4.131 hài cốt liệt sĩ được quy tập ở Campuchia về đây an táng từ sau chiến tranh đến nay.
Do công trình đã được xây dựng từ năm 1989, các hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng, Tây Ninh đã có văn bản xin chủ trương Chính phủ về việc cải tạo nâng cấp thành Nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia và đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Đề án, báo cáo Ban Bí thư. Chủ tịch Quốc hội đồng tình với đề nghị của tỉnh Tây Ninh và sẽ có văn bản thông báo cuộc làm việc hôm nay đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm thực hiện Dự án này./.
Chủ tịch Quốc hội hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia
Chủ tịch Quốc hội dự Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ
Chủ tịch Quốc hội làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Long