Chủ tịch Quốc hội: TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Đề án này hết sức cần thiết và cấp bách để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với TP.HCM. Giúp cho Thành phố củng cố các động lực tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, theo tinh thần. TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM".
Trên cơ sở Bộ Chính trị thống nhất cho TP.HCM tiếp tục thí điểm chính sách đặc thù và tại Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua, chiều nay (19/12), tại Nhà Quốc hội, với tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về việc xây dựng “Đề án xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP. HCM” thay thế Nghị quyết số 54 của Quốc hội.
Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các phó Chủ tịch Quốc hội và các Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, đã có 14 ý kiến phát biểu đóng góp; thay mặt cho Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn các bộ, ngành Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến xác thực. Tuy là những ý kiến bước đầu, nhưng cũng giúp cho quá trình thực hiện nhanh hơn, thuận lợi hơn; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của Thành ủy TP.HCM đã tập trung công sức thực hiện dự thảo công phu, với hơn 50 chính sách.
TP.HCM: Dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung
Từ tháng 1/2018, TP.HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Thành phố được trao một số quyền ở 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý, gồm: Đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức. Thời gian thí điểm 5 năm.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Quốc hội ngày 4/10, Chính phủ kiến nghị cho phép TP.HCM tiếp tục thí điểm một số cơ chế đặc thù đến hết năm 2023, thay vì cuối năm 2022. Nguyên nhân là TP có 5 năm thí điểm thì năm đầu tiên dành cho xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị triển khai. Sau đó, thành phố lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong hai năm 2020-2021 nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết này.
Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn sau 5 năm triển khai Nghị quyết 54 cần phải được thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách mới. Thêm vào đó, Nghị quyết số 24 ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó phần nhiệm vụ, giải pháp có nêu: “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng TP. HCM thành trung tâm tài chính quốc tế.”
Thành phố đang xây dựng Đề án phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. HCM. Qua quá trình nghiên cứu cho thấy với khung thể chế như hiện tại thì việc xây dựng Thành phố trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới là chưa thực sự khả thi. Cần thiết phải có sự điều chỉnh, cởi mở hơn về chính sách tài chính, công nghệ, ngân hàng, ngoại hối và các chính sách có liên quan để tạo nền tảng pháp lý cho đề xuất này.
Chính vì lẽ đó, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, thực tiễn này đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54, tạo điều kiện cho TP. HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển trở lại. Đồng thời, kế thừa và tích hợp tất cả các cơ chế chính sách mà Thành phố cần Trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước.
Với tinh thần “Dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung”, TP.HCM xác mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 như: tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư nhằm giúp Thành phố có thể hoàn thành nhiệm vụ “đầu tàu” kinh tế, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thành phố đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương, tạo cơ chế để Thành phố thực hiện linh hoạt việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền trong nội bộ Thành phố tương xứng với yêu cầu và khối lượng công việc được giao.
4 nhóm chính sách cần phải thực hiện trong Đề án
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tiếp tục phát huy cách làm chủ động, từ sớm, từ xa, Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để nghe báo cáo bước đầu cùng trao đổi sớm, lắng nghe các ý kiến, “gạn đục, khơi trong” để xem xét, cân nhắc, đề xuất lựa chọn chính sách phù hợp.
Tại buổi làm việc, đã có 14 ý kiến phát biểu đóng góp; thay mặt cho Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn các bộ, ngành Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến xác thực. Tuy là những ý kiến bước đầu, nhưng cũng giúp cho quá trình thực hiện nhanh hơn, thuận lợi hơn theo tinh thần từ sớm, từ xa; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của Thành ủy TP.HCM đã tập trung công sức thực hiện dự thảo công phu, với hơn 50 chính sách.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Đề án này hết sức cần thiết và cấp bách để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với TP.HCM. Giúp cho Thành phố củng cố các động lực tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, theo tinh thần, TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM. Thành phố là đầu tàu động lực. Chủ trương chung là như vậy, cho nên ngoài những chủ trương chung trong Nghị quyết 13 của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM; Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết thay thế Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị sắp tới sẽ ký ban hành; các nghị quyết đã giao nhiệm vụ của Quốc hội, trong đó có Kết luận 14 về phát huy tính năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của TP.HCM".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Thành phố cần tập trung những nhóm chính sách lớn, có trọng tâm, trọng điểm và thực tế đang gặp những vướng mắc, điểm nghẽn. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đã tổng hợp 4 nhóm chính sách cần phải thực hiện, đó là, những chính sách đã có và đã triển khai theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, qua tổng kết, thấy có tác dụng tốt, đề xuất tiếp tục được triển khai, thực hiện có cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nhóm vấn đề thứ hai là một số chính sách không có trong Nghị quyết 54, nhưng gần đây, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định cho thí điểm thực hiện ở một số địa phương mà các tỉnh, thành phố khác đang áp dụng, có sự cập nhật cho đến nay.
"Nhóm thứ ba, cho phép TP.HCM được áp dụng sớm hơn theo so với cả nước, đối với những vấn đề mà sửa đổi, bổ sung một số dự án như Luật Luật Đất đai sửa đổi; Luật khám chữa bệnh sửa đổi. Điều này vừa có tính tổng quát, vừa có tính cụ thể, để sau này khi có Nghị quyết ban hành, TP.HCM có cơ hội để áp dụng được ngay. Nhóm thứ tư là nhóm những chính sách mới, riêng biệt cho TP. HCM cần phải tháo gỡ vướng mắc. Tinh thần chung là cố gắng ủng hộ tối đa vì sự phát triển của thành phố" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đối với những vấn đề thuộc nhóm 4, cần có sự đồng thuận, thống nhất cao trong Đảng bộ, hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành nhằm tạo ra khí thế trong quá trình tổ chức triển khai.
Nhấn mạnh, Dự thảo này bao gồm những vấn đề lớn, mang lại lợi ích cả trước mắt và lâu dài, có sự đột phá trong kiến tạo, phát triển, đổi mới sáng tạo của thành phố, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, trong dự thảo đề án, TP.HCM cần xác định rõ nội hàm và thẩm quyền thực hiện; đồng thời có đề án để triển khai thực hiện cụ thể, nhằm ban hành xong, có thể vận hành được ngay.
Về tiến độ thời gian thực hiện, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự rút gọn, xem xét thông qua tại một kỳ họp của Quốc hội và có thể, Chính phủ trình theo thể thức, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng pháp luật và hồ sơ của nghị quyết tại một phiên họp, dự kiến vào tháng 5/2023./.