Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Hải Phòng về sơ kết Nghị quyết 35
VOV.VN - Trong chuyến công tác tại TP Hải Phòng, chiều 18/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng để nghe báo cáo việc thực hiện sơ kết Nghị quyết số 35 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Cùng tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu. Tin của phóng viên Lê Tuyết.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác, lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành 12 Nghị quyết, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành 04 quyết định, kế hoạch, văn bản hướng dẫn, phân công cụ thể cho các Sở, ban ngành trực thuộc để triển khai thực hiện.
Theo nghị quyết, Hải Phòng được áp dụng thí điểm 06 cơ chế, chính sách đặc thù. Trong 2 năm 2021 và 2022, thành phố đã được Trung ương phân bổ thưởng vượt thu theo cơ chế đặc thù trên 2.700 tỷ đồng. Về chuyển đổi đất lúa đối với dự án có diện tích trên 10 ha đến 500 ha, thành phố đã chủ động thực hiện được 15 Dự án với tổng diện tích là trên 740 ha, không phải trình Chính phủ.
Về phân cấp quản lý quy hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố đã hoàn thành phê duyệt đồ án Điều chỉnh cục bộ một số khu vực trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải.Trên cơ sở đó đã đưa khoảng 1.400 ha đất công nghiệp thuộc 3 khu công nghiệp trong phạm vi điều chỉnh cục bộ vào khai thác.
Việc chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức đã được Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết với mức trung bình mỗi cán bộ, công chức được tăng thêm 26 triệu/người/năm, với tổng mức chi trên 1.000 tỷ đồng/năm, cho trên 38.000 cán bộ, công chức.
Những kết quả này đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức thành phố: Giúp Hải Phòng có nguồn ngân sách bổ sung cho chi đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng mức thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha đến dưới 500ha từ 6 đến 9 tháng xuống còn 1 đến 2 tháng và đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của thành phố năm 2024 tiếp tục có sự tăng trưởng so với năm 2023 và vượt Kế hoạch được giao.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 35, Thành phố cũng gặp một số những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên trong Đoàn công tác, phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những kết quả mà Hải Phòng đã đạt được trong thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hải Phòng có nhiều lợi thế như Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đặt nền móng cho sự phát triển của Thành phố trong giai đoạn tới, gồm: Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng; Nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; Bộ Chính trị đã sơ kết 5 năm thực hiện và ban hành Kết luận số 96 ngày 30/9/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 24/01/2019.
Với những cơ chế như vậy, cùng sự quyết tâm của Đảng bộ chính quyền, quân và dân của TP Hải Phòng đã đạt được kết quả ấn tượng mà có ít địa phương nào đạt được trong 10 năm đó là tăng trưởng 2 con số, thu ngân sách nội địa hơn 48.000 tỷ; ổn định tăng trưởng, đảm bảo đầu tư kết cấu hạ tầng vững mạnh kết nối với nhiều nước, là một trung tâm về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ lớn, đáp ứng yêu cầu để Hải Phòng tiếp tục đi lên trong thời gian tới.
Đánh giá cao những kết quả mà TP Hải Phòng đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 35, nổi bật là bổ sung chỉ tiêu từ ngân sách, phân cấp quản lý quy hoạch tăng thu cho cán bộ, công chức, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điều này minh chứng cho các quyết sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ là đúng đắn.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gợi mở TP Hải Phòng cần rà soát kỹ các cơ chế, chính sách đã có trong Nghị quyết số 35 để sửa đổi, bổ sung: "Muốn mạnh mẽ hơn, bứt phá hơn, không phải đều đều thì không làm dàn trải, mà phải làm có trọng tâm, trọng điểm, những gì mấu chốt, cốt lõi để bứt phá đi lên. Tôi nghĩ rằng, Quốc hội sẽ ủng hộ Hải Phòng phát triển, nhưng phải có đủ điều kiện, đủ cơ sở, đủ quy trình, thủ tục đánh giá các tác động để phát triển. Phân cấp, phân quyền mạnh cho Hải Phòng tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát".
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hải Phòng cần xem xét tổng kết các nghị quyết của TP.HCM, Đà Nẵng về thực hiện cơ chế đặc thù để rút kinh nghiệm sửa đổi, bổ sung việc sơ kết Nghị quyết số 35 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực phối hợp với Thành phố Hải Phòng trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35 của Quốc hội, bảo đảm các chính sách phù hợp với định hướng phát triển, tiềm năng, lợi thế cũng như khả năng thực hiện của thành phố Hải Phòng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ tạo cơ chế ủy quyền cho Chính phủ, các bộ ngành để thực hiện việc phát triển kinh tế - xã hội để rút ngắn thời gian, trên cơ sở không có lợi ích nhóm, chống tham nhũng, tiêu cực vì cái chung.
Đánh giá cao Hải Phòng đã có nhiều mô hình điển hình, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Hải Phòng cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp. Bởi dù có bao nhiêu nghị quyết mang tính đột phá, nhưng cuối cùng là vẫn con người tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, bộ máy cán bộ, công chức cũng phải tiếp tục nâng lên về trình độ học vấn, trình độ chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngoại ngữ, tin học và chuyển đổi số, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngoài phát triển kinh tế, TP Hải Phòng cần quan tâm hơn về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giải quyết việc làm, chăm lo cho người nghèo bền vững; cương quyết đẩy lùi các tệ nạn xã hội; công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân cần phải được đẩy mạnh qua việc dồn sức, đầu tư trang thiết bị y tế, thu hút bác sĩ giỏi về tuyền huyện, xã.
Cũng trong chiều 18/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ Khởi công xây dựng Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận. Đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố năm trong 2024. Cầu Nguyễn Trãi là cây cầu thứ 6 của thành phố bắc qua sông Cấm, sau cầu Kiền, cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Máy Chai và cầu Bạch Đằng.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng sau khi thành phố Hải Phòng được Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng. Dự án được khởi công vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và chuẩn bị đón năm mới 2025.