Chủ tịch Quốc hội: “Tránh tình trạng đơn thư gửi đi mà rơi vào quên lãng"
VOV.VN - "Phải lọc ra việc gì nổi cộm, điển hình, có tính chất phức tạp để yêu cầu cơ quan chức năng phải giải quyết, trả lời sớm và phải báo cáo cho UBTVQH biết trách nhiệm giải quyết của các cơ quan đó”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều này khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 8/2021), trong phiên họp chiều 21/9.
Kiến nghị sớm tiêm vaccine cho trẻ em, xử lý hành vi trục lợi
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 8/2021, ngay sau kết thúc Kỳ họp thứ nhất, ngoài việc triển khai, thực hiện tiếp xúc cử tri theo đúng kế hoạch và hướng dẫn của UBTVQH, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng chống dịch và giám sát việc thực hiện các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 ở địa phương.
Cử tri và nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội và sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, sự chung sức, đồng lòng của tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, cử tri đề nghị sớm có giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính trong thanh toán bảo hiểm y tế do giãn cách xã hội; sớm ban hành hướng dẫn quy định về vận tải hàng hóa trong thời gian giãn cách để thống nhất thực hiện tại các địa phương; có hướng dẫn cụ thể hơn đối với các địa phương về công tác dạy và học năm học 2021–2022 và các năm học tiếp theo để thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay; sớm có kế hoạch thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em vì hiện nay số lượng trẻ em dưới 18 tuổi bị nhiễm COVID-19 ngày càng tăng.
Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị xử lý nghiêm minh các trường hợp lợi dụng dịch COVID-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân thông qua việc bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và các vật tư, y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất và chia sẻ video trên mạng xã hội có nội dung không đúng sự thật về công tác phòng, chống dịch, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng; kích động, lôi kéo người dân không ủng hộ và phản đối thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền...
Cũng theo ông Dương Thanh Bình, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và tổng hợp được 334 kiến nghị của cử tri của 23 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ nhất gửi đến. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, đối với các vụ việc hành chính đông người, phức tạp thuộc trách nhiệm kiểm tra, rà soát của các cơ quan Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an đã lập danh sách 35 vụ việc có tính chất rất bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự để kiểm tra, rà soát và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng Chính phủ.
“Đến nay đã tổ chức được rà soát và các địa phương báo cáo thực hiện xong ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về 16 vụ việc; hiện còn 19 vụ việc đang được tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...”, ông Dương Thanh Bình nói.
Cần chỉ rõ “địa chỉ” chưa thực hiện tốt
Liên quan kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư của các Đoàn ĐBQH, Báo cáo cho biết trong số 359 đơn đủ điều kiện xử lý, các Đoàn đã chuyển 263 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có 47 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân; đã nhận được 49 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về việc giải quyết.
Băn khoăn về số liệu này, Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) cho rằng “chưa biết nội dung trả lời về việc giải quyết đúng hay sai thế nào nhưng tỷ lệ 49/263 rất ít”.
Do đó, ông Lê Tấn Tới đề nghị báo cáo nêu rõ lý do vì sao tỷ lệ giải quyết đơn thư của các cơ quan có thẩm quyền lại thấp như thế và nếu được thì nên nêu ra những cơ quan cụ thể để rút kinh nghiệm.
Theo báo cáo của 61/63 Đoàn đại biểu Quốc hội, trong tháng 8, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận tổng số 651 đơn thư, trong đó có 115 khiếu nại, 37 tố cáo, còn lại là 499 kiến nghị, phản ánh; số đơn thư trùng lặp, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, không ký tên, đơn không rõ nội dung được xếp lưu theo dõi là 313 đơn.
“Còn 2 đoàn không báo cáo là đoàn nào? Báo cáo hôm nay sau khi được UBTVQH cho ý kiến cũng gửi các Đoàn ĐBQH để rút kinh nghệm, nâng cao trách nhiệm” – ông Lê Tấn Tới nêu quan điểm, đồng thời đặt vấn đề 313/651, tức tới gần 50% đơn thư bị xếp lưu theo dõi thực chất là như thế nào.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng báo cáo của Ban Dân nguyện chuẩn bị tháng sau tốt hơn tháng trước. Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ đề nghị tháng sau nên rà soát kỹ hơn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân thông qua kênh Quốc hội, nhất là hiện nay các đơn thư gửi tới Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi gửi sang thì các cơ quan chức năng xem xét, xử lý rất chậm.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban Dân nguyện họp bàn với Ủy ban Pháp luật đề xuất sửa Nghị quyết 120 của UBTVQH, giao một cơ quan đầu mối; yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các cơ quan sát sao, đeo bám hơn trong gửi, giải quyết việc này, cũng như giám sát các cơ quan chức năng thực hiện.
"Phải lọc ra trong số đó có vụ việc gì nổi cộm, điển hình, có tính chất phức tạp kéo dài để yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các cơ quan hàng tháng tham mưu cho UBTVQH có những văn bản yêu cầu cơ quan chức năng phải giải quyết, trả lời sớm. Sau đó phải báo cáo cho UBTVQH biết trách nhiệm giải quyết của các cơ quan đó. Thế mới có hiệu lực được, tránh tình trạng chuyển đơn đi mà rơi vào quên lãng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.