Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu
VOV.VN - Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Bạc Liêu, chiều 25/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương gặp mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Tham dự cuộc gặp mặt có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2023, cả nước cũng như Bạc Liêu gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Song được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nên tình hình mọi mặt của Bạc Liêu tiếp tục chuyển biến tích cực. Bạc Liêu thực hiện hoàn thành 18/21 chỉ tiêu kinh tế, xã hội.
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa với quyết tâm chính trị cao nhất để đạt các chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống nhân dân, nhất là những hộ chính sách, hộ nghèo, không chỉ trong dịp Tết đến, Xuân về mà đây là cả quá trình. Tỉnh luôn quán triệt tinh thần cùng các cấp chính quyền cơ sở chăm lo, tìm hiểu để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của bà còn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với đó, giữ vững quốc phòng, an ninh, giữ vững thế trận lòng dân để phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện tốt công tác đối ngoại.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng những kết quả mà Bạc Liêu đã đạt được năm 2023 cao hơn năm 2022 với những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Các chỉ tiêu thuộc nhóm cao của khu vực và cả nước.
Bạc Liêu đã rất tích cực khi nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhưng đã đạt tăng trưởng khá, với mức tăng 7,24%, đứng thứ 5 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 24 trong cả nước. Thu ngân sách đạt 4.133 tỷ đồng, vượt 13,2% dự toán. Xuất khẩu tăng, hộ nghèo giảm.
Nông nghiệp tiếp tục phát triển, sản lượng thủy sản tăng 16,3% (trong đó, tôm nuôi tăng 13,7%). Kim ngạch xuất khẩu cán mốc 1 tỷ USD, tăng 17,2% so cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển. Du lịch tiếp tục tăng trưởng tốt, với gần 4,3 triệu lượt du khách, đem lại doanh thu khoảng 3.800 tỷ đồng.
Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 1,7%. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đây là những kết quả quan trọng, lớn nhất mà Bạc Liêu đạt được thời gian qua.
Nhất trí với đường hướng của tỉnh đề ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thuận lợi lớn nhất của Bạc Liêu là đã có các quy hoạch: “Lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch tổng thể cũng đã có. Chúng ta cũng có quy hoạch sử dụng đất. Đến tháng 5 này Quốc hội cũng đang tính toán để có thể điều chỉnh tăng thêm đất cho công nghiệp, nếu còn. Quy hoạch không gian biển quốc gia, dự kiến là tháng 5 tới sẽ trình Quốc hội. Bạc Liêu cũng đã ban hành quy hoạch tỉnh rồi. Như vậy, trong văn kiện không phải xác định tư duy, tầm nhìn nừa mà chủ yếu là cụ thể hóa để thực hiện”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, bảo đảm phù hợp các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên cơ sở đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy liên kết vùng theo Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như các chính sách quan trọng về đất đai, nhà ở… và các quy định khác trong các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.
Bạc Liêu tập trung huy động và sử dụng có hiệu các nguồn lực cho đầu tư phát triển, hướng vào 3 trụ cột chính (công nghiệp năng lượng tái tạo; nuôi trồng, chế biến thủy sản; du lịch); cải thiện môi trường đầu tư; phát triển hài hòa, toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, bảo đảm đồng bộ với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số nhiệm vụ trong xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới; quan tâm phối hợp chuẩn bị đầu tư hạ tầng đường cao tốc, Quốc lộ đi qua tỉnh. Theo Chủ tịch Quốc hội, khu vực Bán đảo Cà Mau nói chung, trong đó có Bạc Liêu có tiềm năng điện gió, điện ngoài khơi… Tinh thần chung là năng lượng là phải đi trước, là căn cơ, quan trọng. Trên cơ sở Quy hoạch điện VIII, tỉnh chú ý để phát triển để sớm hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đến năm 2050, là tỉnh có kinh tế phát triển; hệ thống đô thị thông minh, sạch, xanh; nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; người dân có cuộc sống khá giả, hạnh phúc.