Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản
VOV.VN - Chiều 30/8/2023, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Izumi Kenta, Chủ tịch Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi tiếp Chủ tịch Đảng dân chủ lập hiến Nhật Bản (CDP) Izumi Kenta tại Nhà Quốc hội vào chiều 30/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong 50 năm qua, quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản đã phát triển rất tốt đẹp. Trong 50 năm tới, hai bên cùng lạc quan tin tưởng rằng, bằng nỗ lực chung của hai nước sẽ viết tiếp chương mới tốt đẹp hơn, mang lại hạnh phúc cho nhân dân và sự phồn vinh cho mỗi nước, cũng như thực hiện mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn đề cao mối quan hệ với Nhật Bản; mong muốn hai bên tăng cường trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, địa phương với địa phương.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các chính đảng của Nhật Bản luôn đồng thuận để tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình thịnh vượng ở châu Á với Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để hai bên tiếp tục kiến tạo mối quan hệ trong 50 năm tiếp theo.
Chủ tịch Đảng dân chủ lập hiến Nhật Bản Izumi Kenta cảm ơn sự đón tiếp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đánh gia cao sự phát triển của Việt Nam thời gian qua.
Cho biết, Đảng dân chủ lập hiến có khoảng 130 nghị sỹ, với chức năng nhiệm vụ của mình, Đảng Dân chủ lập hiến góp phần cải thiện môi trường an toàn cho cộng đồng người nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Chính phủ, Đảng CDP đã và đang tiếp tục quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập, làm ăn hội nhập tốt tại nước sở tại.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra 2 mục chiến lược: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đặc biệt, cam kết đến năm 2050 phát ròng bằng 0, đây là cam kết quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam trong mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt các mục tiêu của mình, ngoài nỗ lực của Việt Nam thì sự hợp tác, tình đoàn kết của các nước rất quan trọng, đặc biệt là Nhật Bản.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội mong Đảng CDP tiếp tục ủng hộ, thắt chặt, củng cố và tăng cường quan hệ mọi mặt giữa hai nước. Ngài Izumi Kenta cam kết sẽ hợp tác với Việt Nam chặt chẽ hơn nữa với vị trí là đối tác hàng đầu trong các mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Đảng Dân chủ lập hiến Nhật Bản cùng chia sẻ quan điểm hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội. Hai bên tiếp tục coi trọng và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Ngài Izumi Kenta cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ủng hộ sự hợp tác ký MOU giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Dân chủ lập hiến Nhật Bản.
Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng thế chế, hợp tác công nghệ, tài chính trong công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng để đạt được các mục tiêu của mỗi nước và cũng như thực hiện các mục tiêu chung trên thế giới.
Hai nhà lãnh lãnh đạo cùng cho rằng, hai bên cần tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, các cấp, nhóm nghị sỹ hữu nghị để cùng chia sẻ kinh nghiệm, trong đó có các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ tịch Quốc hội mong muốn, có nhiều nghị sỹ Nhật Bản sang thăm Việt Nam hơn. Trước mắt tham dự Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu được Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 9 này.
Hai bên cùng khẳng định, Việt Nam và Nhật Bản đều nỗ lực và ủng hộ quan điểm, lập trường trong việc duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.