Chuyến công tác của Thủ tướng đến EU mở ra nhiều cơ hội phát triển mới
VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-EU tại Brussels, Bỉ và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ.
0h15 sáng 9/12, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brussels, Bỉ và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ theo lời mời của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.
Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Lãnh đạo các nước ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN cũng như đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và thế giới đang đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, thách thức khó lường như hiện nay.
Đây là lần đầu tiên ASEAN và EU tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm tại EU, với sự tham gia của Lãnh đạo các nước thành viên kể từ khi thiết lập Quan hệ Đối thoại vào năm 1977, nhất là sau khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2020. Chuyến đi góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU, quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU và quan hệ của Việt Nam với các nước thành viên EU, góp phần giải quyết những tồn đọng, vướng mắc.
Chuyến công tác cũng góp phần tăng cường, củng cố quan hệ giữa Việt Nam với Luxembourg, Hà Lan và Bỉ; khẳng định vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong quan tâm, ưu tiên của 3 nước đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; giúp Việt Nam mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh của mỗi nước, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam như công nghệ dược phẩm, logistics (Luxembourg), kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo (Hà Lan), kinh tế biển, nông nghiệp sinh thái (Bỉ); khuyến khích 3 nước nói riêng và các nước EU nói chung đầu tư vào hạ tầng chiến lược của Việt Nam như chuyển đổi số, logistics, cảng biển và hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, thiên tại dịch bệnh; vận động các nước tiếp tục có quan điểm mạnh mẽ ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông.
Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ và đoàn phát đi thông điệp về một Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, sẵn sàng phối hợp cùng các nước xây dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định và đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương, đồng thời tranh thủ hiệu quả nguồn lực quan trọng từ EU và các nước thành viên trong công cuộc phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội Việt Nam sau đại dịch COVID- 19.
Sau 45 năm, quan hệ hai bên tiến triển tích cực, bao trùm các lĩnh vực. Về chính trị-an ninh, trong "Chiến lược hợp tác của EU với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" ngày 19/4/2021, EU khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và mong muốn hợp tác sâu rộng với ASEAN.
Về kinh tế-thương mại-đầu tư, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là nhà đầu tư trực tiếp (FDI) lớn thứ hai của ASEAN với tổng FDI năm 2021 đạt 26,5 tỷ USD; trong khi đó, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU ngoài châu Âu. Tổng thương mại năm 2021 của hai bên đạt 268,92 tỷ USD.
Về văn hóa xã hội, hợp tác phát triển, EU là một trong những đối tác đầu tiên thúc đẩy hỗ trợ ASEAN trong ứng phó COVID-19 và phục hồi sau đại dịch với gói hỗ trợ trị giá 800 triệu Euro, chương trình hỗ trợ các nước Đông Nam Á ứng phó với đại dịch trị giá 20 triệu Euro và đã tổ chức 2 lần Đối thoại giữa các chuyên gia y tế của hai bên về vaccine COVID-19.
Hai bên chia sẻ sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương, tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên có tất cả các khuôn khổ hợp tác về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh với EU; có nhiều cơ chế về hợp tác chuyên ngành, duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ sáu của Việt Nam. Về viện trợ phát triển, EU là một trong những nhà viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Sau hơn 2 năm thực hiện EVFTA, kim ngạch 10 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 52 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành Đối tác thương mại lớn thứ 14 của EU. Hai bên đang kỷ niệm 10 năm nâng cấp Quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (2012-2022).
Về quan hệ song phương giữa Việt Nam với Luxembourg, Hà Lan, Bỉ: Năm 2023, Việt Nam sẽ cùng 3 nước Luxembourg, Hà Lan và Bỉ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Trong 50 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và 3 nước phát triển tốt đẹp, ngày càng đi vào chiều sâu thông qua duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế . Luxembourg, Hà Lan và Bỉ đều thuộc nhóm đối tác kinh tế - đầu tư hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu.
Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về ứng phó với biển đổi khí hậu và quản lý nước (2010). Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vùng và an ninh lương thực (2014) và Đối tác toàn diện (2010). Việt Nam và Bỉ đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về nông nghiệp (2014).
Quan hệ Việt Nam - Luxembourg phát triển tốt đẹp, nhất là về đầu tư và hỗ trợ phát triển. Luxembourg là nhà đầu tư lớn thứ ba của EU tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 2.6 tỷ USD và là một trong những nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Thương mại song phương giữa hai nước tăng nhanh kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Luxembourg coi Việt Nam là một trong những nước ưu tiên trong hỗ trợ phát triển với tổng viện trợ đến nay đạt 129 triệu Euro. Hai bên hiện đang trao đổi, thúc đẩy khả năng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quan hệ Việt Nam - Hà Lan phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là về đầu tư, thương mại, nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương năm 2021 đạt 8,37 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2020; 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,2 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Về đầu tư, Hà Lan có 380 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đạt 13,5 tỷ USD. Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững, hai bên đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác mang định hướng trung và dài hạn. Hai năm qua, Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine và các trang thiết bị y tế trị giá 43 tỷ đồng để phòng chống COVID-19.
Quan hệ Việt Nam - Bỉ phát triển tích cực, nhất là về thương mại, đầu tư và nông nghiệp. Bỉ là thị trưởng xuất khẩu lớn thứ sáu của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đạt 4,3 tỷ USD năm 2021, tăng 54% so với năm 2020. Hai bên đang triển khai nhiều chương trình hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp và đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, trong đó có các hoạt động phòng chống tội phạm mua bán người và xâm hại trẻ em, đào tạo quân y, rà phá bom mìn và gìn giữ hòa bình. Về đầu tư, Bỉ có 80 dự án tại Việt Nam với vốn đăng ký 1,1 tỷ USD. Về hợp tác phát triển, Bỉ đã dành 300 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam 100.000 liều vaccine phòng chống COVID-19 vào năm 2021./.