Chuyến công tác Hoa Kỳ của Thủ tướng: Những thỏa thuận hợp tác thực chất

VOV.VN - Chuyến thăm làm việc tại Hoa Kỳ vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp, mang lại những kết quả cụ thể, rõ ràng chứ không chỉ mang tính biểu tượng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) với hơn 60 hoạt động bao gồm song phương kết hợp đa phương ở các tầng nấc khác nhau. Riêng lãnh đạo các bộ, ngành tháp tùng Thủ tướng có hơn 40 cuộc gặp, làm việc, toạ đàm với các đối tác Hoa Kỳ và quốc tế về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, an ninh, quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Các thỏa thuận, hợp tác lần này không chỉ góp phần củng cố, nâng cao khả năng phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác mới với các đối tác Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Hoa Kỳ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và khu vực tư nhân nói riêng

 Ngày 13/5 (giờ địa phương), nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ tại thủ đô Washington, D.C., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power.  Sau cuộc gặp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và bà Samantha Power chứng kiến việc trao 02 văn bản hợp tác giữa USAID và Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam về Nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế và phát triển năng lực địa phương của Việt Nam với thời gian thực hiện đến 2028 với  tổng giá trị ODA 100 triệu USD; và Công bố thực hiện dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) với thời gian đến năm 2025 và tổng giá trị ODA 36,3 triệu USD.

Cùng với quá trình đổi mới, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, trong những năm qua, mặc dù năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam liên tục có sự cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững cũng như hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số cạnh tranh của Việt Nam có bước đột phá, trước mắt là tập trung vào các nhóm giải pháp cải cách pháp lý, hành chính; tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô; nâng cao hiệu quả huy động tiếp cận nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước và năng lực hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp.

Đối với Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) giai đoạn 2022 – 2025, tối thiểu là 5.000 doanh nghiệp sẽ được cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp để tăng cường năng lực, trong đó có 60 doanh nghiệp tiên phong nhằm vươn ra thị trường khu vực và quốc tế; tạo tác động lan toả tới cộng đồng doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện Tập đoàn Citigroup trao thỏa thuận hợp tác về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Ngân hàng Nhà nước và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ký kết Thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý về tiêu chuẩn môi trường và xã hội trong hoạt động đầu tư, cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

 Các thỏa thuận này được coi là những bước đi đầu tiên của tiến trình nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế của Việt Nam. Các bước tiếp theo sẽ được chuyên gia hai bên tiếp tục trao đổi và cụ thể hóa dưới các dạng thỏa thuận hợp tác trong từng lĩnh vực cụ thể.  

Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và chuyển đổi số

Chuyển đổi số là một chủ đề khá nổi bật và được nhiều lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đề cập trong chuyến thăm làm việc vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cơ quan phát triển thương mại Hoa Kỳ (USTDA), Công ty Black & Veatch Management và đại diện Công ty TNHH kết nối năng lượng sạch Mekong đã ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ số. Bên cạnh đó, Thỏa thuận về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực mạng 5G cũng hứa hẹn sẽ góp phần củng cố tiềm lực, phát huy được thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển ứng dụng rộng rãi công nghệ số trong doanh nghiệp và đời sống xã hội thời gian tới.  

 Trong buổi tiếp và chiêu đãi lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tuyên bố gói sáng kiến trị giá 150 triệu USD dành cho phát triển khu vực tư nhân, trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số là những trọng tâm được nhắc lại nhiều lần. Theo Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, chuyển đổi số là một phần quan trọng trong sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) của Hoa Kỳ nhằm giúp các nước, các khu vực, trong đó có ASEAN và Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với các nền kinh tế khu vực, quốc tế trong xu thế hội nhập hiện nay.

10 chứng nhận đầu tư, thỏa thuận hợp tác được ký sau cuộc gặp của Thủ tướng với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ

Tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 11/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo. Tại đây, bà Gina Raimondo khẳng định: Hoa Kỳ sẽ thông qua các thể chế tài chính toàn cầu và khu vực, phối hợp với các nước phát triển để hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhằm phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững, trong đó có việc nâng cao hơn nữa khả năng quản lý và hiệu suất khai thác mạng lưới điện quốc gia thông qua Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát điện và truyền tải, trao đổi thông tin công nghệ mới áp dụng cho hệ thống điện của Hoa Kỳ, đào tạo và cung cấp dịch vụ cho các dự án điện khí giai đoạn 2022 – 2027.

Sau buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo chứng kiến lễ trao 10 chứng nhận đầu tư, thỏa thuận hợp tác giữa bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước gồm:

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ cho Tập đoàn AES và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas); thỏa thuận hợp tác về môi trường, xã hội và quản trị, hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin nhằm thực hiện mục tiêu phát thải bằng 0 của Việt Nam thông qua thị trường carbon, tài chính kết hợp, phân loại và đa dạng sinh học, và khuôn khổ pháp lý; thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ số cho Cơ quan phát triển thương mại Hoa Kỳ (USTDA), Công ty Black & Veatch Management và đại diện Công ty TNHH kết nối năng lượng sạch Mekong; thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát và truyền tải điện, trao đổi thông tin công nghệ mới áp dụng cho hệ thống điện của Hoa Kỳ, đào tạo và cung cấp dịch vụ cho các dự án điện khí giai đoạn 2022 - 2027; thỏa thuận về hợp tác đầu tư nâng cao hiệu suất vận hành Nhà máy điện Nhơn Trạch 1; thỏa thuận về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực mạng 5G; thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý dành cho tiêu chuẩn Môi trường và Xã hội trong hoạt động đầu tư, cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng Việt Nam; thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu và môi trường; Hợp đồng cung cấp hạn mức tài trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong các lĩnh vực nông nghiệp, vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ, phân phối xăng dầu hạ nguồn và chống biến đổi khí hậu theo COP26 giữa HD Bank và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).

Đó là những kết quả trước mắt, sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ lần này, hai bên sẽ tiếp tục triển hai các hoạt động trao đổi đoàn và thúc đẩy ký kết, hợp tác triển khai các dự án năng lượng xanh tại Việt Nam. Đây là thời cơ để các doanh nghiệp Việt tích cực, chủ động tiếp cận, học hỏi và nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập quốc tế và khu vực ngày nay.

Hợp tác phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhiều lãnh đạo các tập đoàn Hoa kỳ đều khẳng định, Việt Nam là thị trường chiến lược ưu tiên, đóng góp vào tăng trưởng, thịnh vượng và giúp Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển hệ thống y tế… Tuy nhiên, để có thể đạt được những mục tiêu đó cũng cần có một lực lượng lao động chất lượng cao tại Việt Nam, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của quốc tế.

Nhằm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, Cơ quan tài chính phát triển Hoa Kỳ đã trao chứng nhận khoản tài trợ 70 triệu USD cho Đại học Fulbright tại Việt Nam dành cho các chương trình học bổng trên các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, tài chính hỗ trợ phát triển bao trùm… Đồng thời, Trường Y Harvard cũng tài trợ 700.000 USD đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế cho 5.800 sinh viên Việt Nam; đề xuất và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thành lập một trung tâm nghiên cứu y sinh, giúp chuyển giao công nghệ, xây dựng y sinh chiến lược. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ trong tìm kiếm học bổng, khẳng định bản thân và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao ngay tại Việt Nam.

Có thể nói, bên cạnh việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ, chuyến thăm làm việc tại Hoa Kỳ vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp, mang lại những kết quả cụ thể, rõ ràng chứ không chỉ mang tính biểu tượng. Một loạt các dự án hợp tác đầu tư trên từng lĩnh vực cụ thể là bằng chứng về việc triển khai hiệu quả chính sách ngoại giao kinh tế của Chính phủ nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế đất nước giai đoạn hậu Covid-19./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhìn lại chuyến công tác của Thủ tướng đến Hoa Kỳ: Hơn 40 cuộc tiếp xúc song phương
Nhìn lại chuyến công tác của Thủ tướng đến Hoa Kỳ: Hơn 40 cuộc tiếp xúc song phương

VOV.VN - Trong chuyến công du Hoa Kỳ, Thủ tướng có hơn 40 hoạt động tiếp xúc song phương diễn ra liên tục, xuyên suốt từ Washington, Boston, New York, San Francisco.

Nhìn lại chuyến công tác của Thủ tướng đến Hoa Kỳ: Hơn 40 cuộc tiếp xúc song phương

Nhìn lại chuyến công tác của Thủ tướng đến Hoa Kỳ: Hơn 40 cuộc tiếp xúc song phương

VOV.VN - Trong chuyến công du Hoa Kỳ, Thủ tướng có hơn 40 hoạt động tiếp xúc song phương diễn ra liên tục, xuyên suốt từ Washington, Boston, New York, San Francisco.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và LHQ
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và LHQ

VOV.VN - Vào khoảng 23h30 đêm 17/5 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam rời Hoa Kỳ, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ). 

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và LHQ

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và LHQ

VOV.VN - Vào khoảng 23h30 đêm 17/5 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam rời Hoa Kỳ, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ). 

Thủ tướng gặp kiều bào tại Hoa Kỳ: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"
Thủ tướng gặp kiều bào tại Hoa Kỳ: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"

VOV.VN - Tối 17/5 (theo giờ địa phương), tại thành phố San Francisco, bang California, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ. 

Thủ tướng gặp kiều bào tại Hoa Kỳ: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"

Thủ tướng gặp kiều bào tại Hoa Kỳ: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"

VOV.VN - Tối 17/5 (theo giờ địa phương), tại thành phố San Francisco, bang California, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.