Chuyên gia Việt Nam nói về mối quan hệ Việt - Nga
VOV.VN - TS Nguyễn Thị Bích Ngọc: Tổng thống Putin là người có nhiều tình cảm và rất coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam ngày 12/11/2013. Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai của Tổng thống Putin được đánh giá là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga lên tầm cao mới.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc |
Nhân dịp này, phóng viên VOV online phỏng vấn chuyên gia nghiên cứu về Việt – Nga, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc (Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam) về ý nghĩa chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Việt Nam lần này.
PV: Nhiều năm nghiên cứu về mối quan hệ hai nước Việt Nam – Liên bang Nga, theo bà, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin có ý nghĩa như thế nào?
TS Nguyễn Thị Bích Ngọc: Chuyến thăm này của Tổng thống Nga V.Putin diễn ra trong bối cảnh hết sức thuận lợi đối với cả hai nước Việt Nam – LB Nga. Bởi vì, hiện khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của thế giới, không chỉ về chính trị mà còn là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Và Việt Nam là điểm sáng trong khu vực này.
LB Nga đang tích cực đẩy mạnh chính sách đối ngoại hướng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương để khẳng định vị thế của mình ở khu vực này và cũng là tạo ra một cửa ngõ phát triển cho khu vực Đông Siberia và vùng Viễn Đông của Nga trong giai đoạn hiện nay.
Chính vì vậy, đối với Nga, chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác quan hệ với các nước châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Nga muốn khẳng định mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, những ưu tiên trong chính sách hướng ngoại của Nga dành cho Việt Nam hiện nay.
Chuyến thăm Việt Nam lần này là chuyến thăm thứ 2 tới Đông Nam Á của Tổng thống Putin và Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên mà ông Putin tới kể từ khi ông tái đắc cử Tổng thống đến nay.
Chuyến thăm của ông Putin sẽ là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi về các định hướng hợp tác, triển khai cụ thể hơn nữa những nội dung theo tinh thần của quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện mà hai nước nhất trí thông qua.
Đối với Việt Nam, đây là dịp để hai nước cùng tìm hiểu và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và cụ thể hóa những nội dung thống nhất trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Nga trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 7/2012.
PV: Bà đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa Việt Nam – LB Nga trong thời gian qua, đặc biệt là về kinh tế thương mại?
TS Nguyễn Thị Bích Ngọc: Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua đã có bước phát triển tốt đẹp, được thúc đẩy bởi 2 yếu tố: Thứ nhất, quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước, tình cảm chân thành gắn bó giữa nhân dân hai hai nước đã được gìn giữ từ lâu đời. Thứ hai, sự nhất trí và quyết tâm cao của lãnh đạo hai nước tạo điều kiện để cho quan hệ song phương có bước phát triển mới vững chắc và lâu dài hơn.
Được sự hỗ trợ của hai yếu tố trên, quan hệ Việt Nam – LB Nga thời gian qua đã có bước phát triển khả quan.
Về chính trị, hai bên đã có những chuyến thăm viếng lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Những chuyến thăm này đều cho thấy mức độ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau cao giữa các nhà lãnh đạo hai nước.
Về văn hóa và giao lưu nhân dân, thời gian qua, số lượng khách du lịch giữa Việt Nam và LB Nga ngày càng tăng. Năm 2012, đã có 176.000 lượt khách du lịch Nga tới Việt Nam. Đó là con số rất đáng kể.
Về kinh tế - thương mại, đây là lĩnh vực đang được sự quan tâm lớn của lãnh đạo hai nước. Cụ thể, hiện Việt Nam và Nga đang thực hiện các biện pháp đa dạng hóa, tự do hóa thương mại. Nhờ đó, thương mại song phương tăng nhanh từ mức 300 – 400 triệu USD vào những năm 1990 lên 1,98 tỷ USD vào năm 2011. Năm 2012, thương mại song phương đã đạt 2,45 tỷ USD, tăng 23% và năm 2013, đạt gần 4 tỷ USD.
Về hợp tác đầu tư, hai bên đạt được nhiều khởi sắc. Hiện, LB Nga đang đứng thứ 18/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Nga có 93 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 2,07 tỷ USD.
Việt Nam cũng có 16 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn 1,7 tỷ USD. Hầu hết các dự án đầu tư đều mang tính chiến lược và có tầm quan trọng lâu dài đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng.
Một điểm nữa đáng lưu ý là liên minh thuế quan Nga - Belarus và Kazakhstan đã được đàm phán, thành lập khối mậu dịch tự do từ quý I/2013. Bước tiến này là điểm nhấn quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, nhất là khi Nga vừa chính thức trở thành thành viên của WTO.
PV: Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Putin sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, thưa bà?
TS Nguyễn Thị Bích Ngọc: Với thực tế phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam và LB Nga hiện nay, chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước và mối quan hệ này càng phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, quan hệ hai nước sẽ phát triển tốt đẹp hơn nữa.
Theo tôi được biết, hiện nay phía Nga chuẩn bị rất chu đáo cho chuyến thăm này. Phía Nga cho biết, họ đã chuẩn bị một số lượng lớn các hiệp định để ký kết nhân dịp này.
Điều quan trọng, hai nước phải tìm ra lĩnh vực hợp tác mới để khai thác và tận dụng được tiềm năng sẵn có mỗi bên. Nền kinh tế của Nga thiên về năng lượng, công nghệ cao, còn Việt Nam là sản xuất hàng tiêu dùng. Hai nước chúng ta có thể bổ sung cho nhau. Ngoài ra, Việt Nam và LB Nga cần phải tận dụng hết được lợi thế từ xu hướng chuyển dịch trọng tâm sang châu Á – Thái Bình Dương để có những hợp tác thực chất và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước.
Là người từng sống tại Nga 11 năm, tôi thấy rằng, để hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nga, chúng ta nên tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu của người Nga. Trên thực tế, điều kiện sống ở Nga rất khác Việt Nam. Chẳng hạn, thời tiết ở Việt Nam nóng ẩm trong khi Nga lại khô lạnh quanh năm. Lương thực của họ ít, họ có nhu cầu cao về gạo nhưng chúng ta xuất khẩu gạo sang Nga còn quá yếu. Hiện nay, họ chủ yếu nhập từ Ấn Độ, Nhật, Thái Lan. Ngoài gạo, mặt hàng giày dẹp và may mặc của Việt Nam đang có thế mạnh nhưng chúng ta vẫn chưa thể xuất khẩu sang Nga. Người Nga vẫn ưa chuộng hàng có chất lượng tốt, hợp với nhu cầu của họ. Hàng Việt cần nắm được điểm mấu chốt này để đáp ứng đúng nhu cầu, hợp điều kiện sống của họ.
Từ góc độ là một người làm công tác nghiên cứu, tôi nghĩ rằng, cá nhân Tổng thống Putin cũng là người có nhiều tình cảm và rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Chính vì vậy, chuyến đi của ông đến Việt Nam có lẽ là một lần để trải nghiệm những thay đổi của Việt Nam. Và từ đó, tìm ra hướng đi mới trong quan hệ song phương hai nước.
PV: Xin cảm ơn bà!