Chuyện người giữ kho báu
Gặp người cảnh vệ năm xưa của Bác Hồ - ông Trần Viết Hoàn, người vẫn được gọi với cái tên “ông từ giữ đền”, đã 38 năm gắn bó với nơi ở và làm việc của Bác, càng thấy thấm thía hơn tầm cao tư tưởng đạo đức của Người từ những điều thật giản dị.
40 năm qua, những dòng người vô tận từ khắp mọi miền của Tổ quốc Việt Nam, từ các quốc gia, châu lục trên thế giới vẫn tìm về căn nhà sàn đơn sơ của Bác Hồ để được thấy lại bóng hình của Người nơi vườn xưa chốn cũ.
Nằm khiêm tốn trong một góc nhỏ của khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh tại phố Vạn Bảo, Hà Nội, ngôi nhà của “ông từ giữ đền” với 16 năm giữ cương vị Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch tưởng chừng như không thể giản dị hơn. Một chiếc sân gạch nhỏ, một bức tường rêu và giàn hoa leo trước ngõ, ngôi nhà vẫn mang những nét cổ kính của những ngôi nhà Hà Nội xưa - đơn sơ nhưng thân thuộc và bình yên. Và trong không gian bình yên ấy, câu chuyện của chúng tôi, hai con người thuộc hai thế hệ khác nhau - ông, người đã sống, đã trải qua những năm tháng gian khổ và hào hùng của dân tộc, và tôi, người sinh ra khi hòa bình đã lập lại, đất nước bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới, lại tưởng chừng như không có chút cách biệt.
Người cảnh vệ năm xưa của Bác Hồ - ông Trần Viết Hoàn |
Những lời kể của ông cuốn tôi vào một dòng chảy vô tận. Có những phút sôi nổi, hào hứng, cũng có những phút lặng lẽ trào dâng nước mắt khi nhớ lại những kỷ niệm thân thuộc, xúc động về Người. Niềm xúc động như tràn ngập cả không gian khi những giọt nước mắt của cả hai thế hệ cùng rơi. Bởi cao hơn tất cả, là một niềm kính yêu, lòng biết ơn vô hạn của những người con đối với vị cha già của dân tộc. Và tôi hiểu tại sao hai con người thuộc hai thế hệ khác nhau lại nhanh chóng tìm được sự đồng cảm đến thế. Dường như, có một nhịp đập, một dòng chảy chung vẫn âm thầm nhưng bền bỉ sống trong lòng mỗi người. Đó là dòng chảy Hồ Chí Minh, dòng chảy thiêng liêng vẫn mang trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam.
Lần đầu tiên ông được tận mắt nhìn thấy Bác cách đây tròn 46 năm. Đó là vào năm 1963, khi còn là sinh viên trường Trung cấp Ngoại ngữ. Ngày ấy, trong dòng người vô tận với cờ và hoa hai bên đường kéo dài từ sân bay Gia Lâm đến Phủ Chủ tịch trong lễ đón Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, ông đã được nhìn thấy Bác. Hình ảnh vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc với chòm râu bạc và nụ cười hiền từ đang giơ tay vẫy vẫy mọi người ở hai bên đường khiến ông xúc động đến lâng lâng. Cái vẫy tay gần gũi, thân thuộc ấy khiến chàng sinh viên khi ấy và tất cả mọi người đều như muốn ùa tới để được nắm tay Bác. Và hình ảnh đó vẫn vẹn nguyên trong tâm tưởng của ông từ ngày ấy cho đến tận bây giờ. Bác Hồ là thế! Hồ Chí Minh là thế! Giản dị mà vĩ đại, gần gũi mà thiêng liêng trong tâm trí mỗi người con đất Việt.
Kỷ vật vô giáNhưng chàng sinh viên mới chưa tròn 20 tuổi khi ấy đã không thể ngờ rằng, cuộc đời mình lại có niềm hạnh phúc lớn nhất là được cận kề bên Bác, được hàng ngày nhìn thấy Bác. Và từ ngày ấy cho đến mãi sau này - năm 2004 khi ông về hưu - là 38 năm có lẻ ông được gắn bó với nơi ở và làm việc của Bác.
Ngày xuân, thắp hương tưởng nhớ Người |
Theo lời kể của ông Hoàn, vào những dịp sinh nhật của Bác, Người thường tìm cớ vắng mặt để tránh việc chúc thọ, tặng quà. Dịp sinh nhật lần thứ 76 của mình (năm 1966), Bác sang Trung Quốc. Trong bức thư gửi bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Bác viết: “Tôi đi Trung Quốc lần này với mục đích thật giản dị - đi để du lịch, đi để tránh tặng quà”.
Một lần, vào năm 1968, anh em cảnh vệ bắt được một con cá trắm cỏ rất to. Nhưng khi đặt con cá lên cân thì không biết cách nào cân được vì đầu và đuôi của nó cứ chạm đất. Thấy vậy, Bác bèn nói với anh Đỉnh - Tổ trưởng Tổ nhà sàn: “Chú bê con cá và đứng lên cân, rồi trừ trọng lượng của chú đi thì ra trọng lượng con cá”. Mọi người làm theo lời Bác thì biết được con cá nặng tới 24kg. Lúc đó, Bác nói: “Bắt con cá này lên để đề phòng cá lớn nuốt cá bé”. Mọi người nghe câu nói ấy của Bác mà càng thấy thấm thía lời dạy của Bác về đạo lý làm người, làm cán bộ. Cho đến mãi sau này, lời dạy ấy của Người vẫn luôn theo người cảnh vệ năm xưa khi ông giữ cương vị Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch. Mỗi lần làm hướng dẫn viên cho những đoàn khách trong nước, khách nước ngoài, ông Hoàn đều kể lại câu chuyện ấy.
Năm nào cũng vậy, thường thì trước Tết 3 tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các đơn vị chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm: Tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới, soạn thảo bài viết “Tết trồng cây” và cuối cùng là chương trình đi thăm dân không thể thiếu đối với Bác - một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết. Bởi theo Người, có thế mới hiểu được tình cảnh thực của người dân.
Và, Tết nào cũng vậy, Bác vẫn thường mời các đồng chí cảnh vệ, những người trực tiếp phục vụ Bác bữa cơm tất niên từ những đồng tiền nhuận bút, tiền tiết kiệm của Bác và cho các đồng chí chụp ảnh kỷ niệm với Bác.
Năm nào cũng vậy, thường thì trước Tết 3 tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các đơn vị chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm: Tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới, soạn thảo bài viết “Tết trồng cây” và cuối cùng là chương trình đi thăm dân không thể thiếu đối với Bác - một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết. Bởi theo Người, có thế mới hiểu được tình cảnh thực của người dân. |
Những câu chuyện, những kỷ niệm về Người, với ông, là một kho báu của đời mình, vẫn được ông trân trọng nâng niu và cất giữ như một kỷ vật thiêng liêng. Và chính điều đó đã đem đến cho ông một sứ mệnh thật đặc biệt. Cũng như hơn 40 năm về trước, ông được Đảng và nhân dân trao gửi sứ mệnh bảo vệ Bác - vị Lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, thì nay, chính ông cũng tự trao cho mình sứ mệnh gìn giữ và truyền lại những di sản của Bác cho các thế hệ sau. Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ những điều giản dị nhất, đời thường nhất trong cuộc đời của Bác. Và chính nó đã làm nên cái vĩ đại của Người. Bởi mỗi lời nói, hành động của Bác chính là một bài học đối với mọi người.
Người cảnh vệ năm xưa, suốt bao nhiêu năm qua vẫn miệt mài nghiên cứu, tập hợp những tư liệu về Bác Hồ. Đến nay, ông đã có trên 30 công trình nghiên cứu về Bác đăng trên nhiều báo, tạp chí và một số đầu sách: Nhớ mãi ngày sinh Bác Hồ, Nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Giữ gìn và phát huy giá trị những di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời…
Và như thường lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, người cảnh vệ năm xưa lại đi đến các nơi để kể chuyện, đọc thơ chúc Tết của Người. Những câu chuyện như những ngọn lửa truyền hơi ấm, sức mạnh cho mọi người để cùng nhau đón xuân, vui xuân như lời bài “Chào xuân” của Người:
“Rót cốc rượu xuân, mừng cách mạng
Viết bài chào Tết, chúc thành công!”./.