"Chuyến thăm của Tổng thống Biden là sự kiện lịch sử trong quan hệ Việt - Mỹ"
VOV.VN - Tiến sỹ Andrew Wells-Dang - chuyên viên cấp cao tại Trung tâm châu Á thuộc Viện Hòa bình Mỹ nhấn mạnh, Tổng thống Biden lần đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam là một sự kiện lịch sử trong quan hệ hai nước.
Theo chuyên gia này, có thể nói rằng quá trình hòa giải giữa hai nước tới gần 50 năm là dài nhất trong lịch sử. Cho đến nay, quan hệ đối tác giữa hai nước đã được tăng cường trong rất nhiều lĩnh vực từ kinh tế, an ninh quân sự đến hợp tác nhân đạo, giao lưu văn hóa, giáo dục.
“Tôi nghĩ rằng quan hệ hai nước không chỉ được tăng cường ở một trụ cột mà trên tất cả các trụ cột trong quan hệ hai nước và thời gian tới sẽ có thêm cơ hội để tăng cường hợp tác giữa người Việt và người Mỹ” – ông Andrew Wells-Dang bày tỏ.
Viện Hòa bình Mỹ làm việc với cả cấp chính phủ và người dân. Ông thấy rằng vai trò cựu chiến binh của hai nước, của sinh viên hay các phong trào hòa bình đều có vai trò vô cùng quan trọng trong những năm trước và sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
“Hợp tác ngoại giao dần dần quan trọng hơn, ví dụ như trong lĩnh vực giải quyết hậu quả chiến tranh, đầu tiên thì ban đầu các cựu chiến binh Mỹ về Việt Nam giúp các nạn nhân chiến tranh, sau đó Mỹ mở văn phòng MIA và dần dần bắt đầu hợp tác rà phá bom mìn ở miền Trung. Sau một thời gian dài, đến năm 2000, thì hai nước bắt đầu hợp tác về giải quyết hậu quả chất độc da cam” - Tiến sỹ Andrew Wells-Dang dẫn chứng.
Và gần đây nhất là chương trình mới của Chính phủ Hoa Kỳ, trong đó Viện Hòa bình Mỹ cũng tham gia, là chương trình hỗ trợ tìm kiếm người mất tích Việt Nam. Chính phủ Mỹ đang phối hợp với Việt Nam để tìm kiếm người mất tích, dù đã hơn 50 năm sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Hai bên vẫn có nhiều thông tin, nhiều người chứng kiến vẫn còn nhớ để tìm lại các ngôi mộ tập thể của người Việt. Tiến sỹ Andrew Wells-Dang phân tích, Việt Nam và Mỹ đã có chiến tranh và hòa giải sau một thời gian rất dài và đây là yếu tố rất đặc biệt nếu so với quan hệ của Mỹ hoặc Việt Nam với các nước khác.
Cho biết năm 2013 hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện với 6 trụ cột chính nhưng sau đó đã mở rộng thêm các lĩnh vực khác, Tiến sỹ Andrew Wells Dang nghĩ rằng trong tương lai hợp tác Mỹ - Việt sẽ mở rộng sang nhiều lĩnh vực.
“Rất khó có thể nói hợp tác kinh tế hay là nhân đạo là quan trọng hơn, ngoại giao nhân dân cũng rất quan trọng đối với người Mỹ và người Việt” – ông nói.
Vị chuyên gia này cho rằng lĩnh vực công nghệ có thể là ưu tiên khi áp dụng cho tất cả các lĩnh vực khác nhau. Để khắc phục hậu quả chiến tranh cũng cần sử dụng công nghệ, ví dụ như công nghệ ADN mới, thay đổi hoàn toàn việc xác định danh tính của người mất tích. Trong kinh tế, công nghệ cũng là một lĩnh vực mà các công ty Mỹ muốn đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Việt Nam cũng đang phát triển công nghệ cao và có thể nói rằng đây sẽ là nội dung hợp tác phổ biến trong những năm tới.
Trước đề nghị đánh giá việc Việt Nam hợp tác với Hoa Kỳ trong giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, ông Andrew Wells Dang khẳng định: Không chỉ là hợp tác Việt-Mỹ mà ngay cả chính sách đối ngoại Việt Nam cũng nhấn mạnh dù Việt Nam không phải là nước lớn nhưng cũng đóng góp nhiều cho xây dựng hòa bình, ví dụ như việc cử các đội Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại một số nước châu Phi.
Đối với biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn luôn nhấn mạnh vì là một trong những nước chịu tác động nhiều từ biến đổi khí hậu. Mỹ và các nước khác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, hai bên đã có quá trình hợp tác về biến đổi khí hậu và nếu thống nhất được về nội dung này thì đây sẽ là cơ hội lớn của Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề biến đổi khí hậu vì là nội dung mà cả hai nước đều quan tâm” – Tiến sỹ Andrew Wells Dang nói.