Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam đáng để người dân hai nước trông đợi
VOV.VN - Là một chuyên gia uy tín của Trung Quốc, Phó Viện trưởng thường trực Đổng Dục của Viện Quy hoạch phát triển Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa nhận định, chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tới Trung Quốc và dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân sẽ tạo nền tảng cho những hợp tác thiết thực giữa hai nước trong thời gian tới.
Mặc dù mới chỉ biết đến Việt Nam qua phim ảnh, sách báo, nhưng với Phó Viện trưởng Đổng Dục, Việt Nam là mảnh đất tươi đẹp mà ông luôn mong có dịp được đặt chân đến, cũng là đất nước có nhiều loại trái cây nhiệt đới thơm ngon, như sầu riêng mà gần đây gia đình ông vừa mua được tại một siêu thị ở Bắc Kinh.
Ngay khi biết thông tin về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), hay còn gọi là Diễn đàn Davos mùa Hè ở Thiên Tân, ông đã hào hứng chia sẻ với phóng viên VOV và đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này.
“Tôi cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính rất đáng để người dân Trung Quốc và Việt Nam trông đợi. Tôi tin rằng các cuộc gặp tại Diễn đàn Davos mùa Hè và các cuộc trao đổi giữa hai bên sẽ giúp mở rộng hơn giao lưu kinh tế - thương mại giữa hai nước và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác thiết thực giữa hai bên trên cơ sở những đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng trong cuộc gặp cuối năm ngoái. Tôi cũng tin rằng hai nước sẽ đạt được một số thống nhất hướng đến hợp tác thiết thực và đi vào chiều sâu, đặt nền tảng vững chắc hơn cho hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian tới.” - Phó viện trưởng Đổng Dục chia sẻ.
Theo chuyên gia này, triển vọng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước là rất lớn, bởi hai bên có sự bổ sung hiệu quả về chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng. Việt Nam đã có một nền tảng khá tốt trong các ngành như nông nghiệp, điện tử và dệt may. Những năm gần đây, Việt Nam cũng phát triển mạnh công nghiệp chế tạo phục vụ xuất khẩu, đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cấp ngành nghề. Những điều này là cơ sở để kinh tế Việt Nam “cất cánh” và đem đến cơ hội cho hợp tác kinh tế thương mại song phương.
“Chúng ta cũng thấy một điểm rất quan trọng là Việt Nam hết sức coi trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số. Trong khi những năm gần đây Trung Quốc cũng đẩy nhanh đạt đỉnh và trung hòa carbon. Do vậy, hai nước có rất nhiều dư địa hợp tác. Đặc biệt, Việt Nam đang phát triển mạnh thương mại điện tử, còn Trung Quốc có nền tảng vững chắc về mặt này. Việt Nam cũng là một nước lớn về dân số với 100 triệu dân, nhiều hàng hóa Trung Quốc rất muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam. Có thể thấy, hai bên sẽ tìm được thêm nhiều cơ hội và điểm trùng khớp qua quá trình trao đổi hợp tác kinh tế thương mại.” - ông cho biết.
Sự phát triển của kinh tế Việt Nam cũng là điều để lại ấn tượng đối với Phó Viện trưởng Đổng Dục mà theo ông là “biểu hiện rất sáng” trong những năm qua. “Đến nay, Việt Nam đã thực sự có một vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đã mang lại mức thu nhập ngày càng cao và tạo ra ngày càng nhiều cơ hội việc làm cho người dân Việt Nam. Đây cũng là những lợi thế và tiềm năng phát triển trong giai đoạn tiếp theo của Việt Nam.”
Theo Phó Viện trưởng thường trực Viện Quy hoạch phát triển Trung Quốc của Đại học Thanh Hoa, Việt Nam đang trong giai đoạn then chốt của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, việc hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng công nghiệp, mở rộng hợp tác và kết nối với các quốc gia láng giềng và thị trường thế giới, tiếp thu thêm nhiều kinh nghiệm và công nghệ, sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát huy được sức mạnh nội sinh, đạt được mục tiêu phát triển nhanh hơn, cũng như nâng cấp và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiệu quả./.