Cơ chế đặc thù cho địa phương: Trao cơ hội và trách nhiệm
VOV.VN - Cử tri khẳng định, Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương có thêm cơ hội, điều kiện khẳng định mình.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành gồm: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Theo Nghị quyết này, các tỉnh, thành phố được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, chủ động và linh hoạt quyết định các vấn đề liên quan về nguồn lực đất đai, vốn, con người để phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế xã hội. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây chính là cơ hội nhưng cũng là trách nhiệm, là trọng trách của các địa phương bứt phá đi lên, tạo sự lan toả cho các địa phương lân cận, tạo sự phát triển của liên kết vùng.
Theo ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần SHINEC (Hải Phòng), Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố sẽ giúp môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn, thu hút những nhà đầu tư nước ngoài đến với thành phố cảng.
“Việc Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho TP Hải Phòng sẽ giúp luồng đầu tư FDI hoặc các luồng đầu tư của các nhà đầu tư trong nước. Bởi vì thời gian là cơ hội, chỉ cần cho doanh nghiệp thời gian và cơ chế thì nền kinh tế đất nước sẽ phát triển rất nhanh” – ông Phạm Hồng Điệp cho biết.
Cùng chung nhận định, ông Trần Anh Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An cho rằng, nếu như trước kia làm thủ tục xin thay đổi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải trình lên Thủ tướng và nhiều bộ ngành liên quan gây mất thời gian, thì hiện nay theo cơ chế đặc thù, Quốc hội đã giao HĐND cấp tỉnh tự quyết trong vấn đề điều chỉnh đất đai. Đối với doanh nghiệp, cho doanh nghiệp thời gian tức là cho tiền. Vì vậy, đây chính là động lực rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.
Vui mừng khi tỉnh Thanh Hóa được trao cơ chế đặc thù để phát triển, ông Vũ Đình Phúc (thị xã Nghi Sơn) mong muốn sớm thể chế hóa Nghị quyết của Quốc hội, phát huy ý nghĩa tích cực trong thực tế để làm sao Thanh Hóa ngày càng phát triển.
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Vũ Trường Giang - Phó Chánh Văn phòng Hội Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, đây là một điểm khởi đầu rất quan trọng để Thừa Thiên Huế có sự thông thoáng hơn trong việc hoạch định chính sách trên cơ sở định hướng của Nhà nước.
“Hy vọng rằng cơ chế đó sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất để Huế giải quyết được bài toán về nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội như bảo tồn các giá trị di sản và văn hóa Huế” – ông Lê Vũ Trường Giang cho biết.
Còn ông Phạm Văn Thức - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho rằng, Nghị quyết không chỉ tạo động lực cho Hải Phòng phát triển, mà còn là động lực giúp liên kết vùng kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn. Theo ông, Hải Phòng không chỉ là cực tăng trưởng kinh tế, mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế đối với nhiều tỉnh phía Bắc. Khi Hải Phòng có cơ chế đặc thù, thì chính sự phát triển của Hải Phòng sẽ là động lực cho các tỉnh thành khác phối hợp với địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Nghị quyết về trao cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, chính là trao cơ hội, điều kiện để các địa phương này chủ động, linh hoạt bứt phá đi lên. Song những cơ hội, điều kiện đó có được chuyển hóa thành những kết quả đột phá hay không phụ thuộc vào chính sự chủ động đổi mới về tư duy, hành động của cán bộ, lãnh đạo và nhân dân địa phương.
Ông Trương Công Anh (ở phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, Nghệ An) đặt câu hỏi: "Nghệ An phải làm gì, làm như thế nào để tạo tận dụng những cơ chế đặc thù này để tạo nên đột phá. Vì cơ chế đặc thù đến đâu thì cũng chỉ tạo ra cơ hội, điều kiện, còn đột phá được hay không là do người lãnh đạo quyết định". Ông mong muốn tới đây, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cùng các ban, ngành sẽ đưa ra được những quyết định nhằm tận dụng cơ hội này, thực sự tạo bước đột phá cho kinh tế Nghệ An.
Trong yêu cầu sớm ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ, việc trao những cơ chế đặc thù cho các địa phương có ý nghĩa quan trọng, cần thiết. Đây cũng chính là phép thử, là thước đo năng lực, sự nhạy bén, quyết đoán và quyết tâm đổi mới của hệ thống chính trị, của cán bộ lãnh đạo và nhân dân từng địa phương./.