Có thể đảm bảo an toàn cho hồ bùn đỏ Tân Rai, Nhân Cơ
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, với công nghệ tiến tiến và các biện pháp chúng ta đang áp dụng để xây dựng hồ chứa bùn đỏ tại Tây Nguyên, có thể đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành
Vấn đề an toàn hồ chứa của các dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) đang là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Sau sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ tại Hungary, gây ra thảm hoạ về môi trường cho một số nước châu Âu, độ an toàn của các hồ chứa tại dự án Tân Rai và Nhân Cơ càng trở nên quan trọng, được các đại biểu chất vấn các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp lần này.
Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã một lần nữa khẳng định trước Quốc hội tính an toàn của các hồ chứa trên.
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, sau khi đặt vấn đề, phía Hungary đã tiếp nhận đoàn cán bộ của Việt Nam sang khảo sát và đã trở về nước cách đây 4 hôm. Sau chuyến khảo sát, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết phía Việt Nam và Hungary đã thống nhất trên một số vấn đề.
Thứ nhất về công nghệ, hiện Hungary vẫn đang dùng công nghệ từ năm 1942. Ông Nguyên cho biết, nếu so sánh công nghệ của Hungary và của Việt Nam lựa chọn hiện nay thì công nghệ của chúng ta tiến tiến hơn hẳn, và mới nhất hiện nay. Đây là công nghệ thải ướt, các nước trên thế giới đang áp dụng công nghệ này chiếm tới 66%.
Về độ an toàn pH mà đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Lắk) có đặt vấn đề, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, độ pH của công nghệ thải ướt là từ 10-11%. Do vậy, tất cả các thiết bị vận chuyển, thiết bị dùng để tái thu hồi lại sút với công nghệ và vật liệu hiện nay hoàn toàn không bị ăn mòn.
Về địa điểm xây dựng hồ chứa bùn đỏ của Hungary, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, hồ này được xây dựng trên nền đất yếu. Trên nền đất này, Hungary dựa vào đất á sét và không có hệ thống gia cố. Ở Việt Nam, ngoài nền đất á sét như của Hungary, chúng ta còn làm thêm 5 lớp gia cố nữa. Lớp thứ nhất là vải địa kỹ thuật; lớp thứ 2 là polyester; lớp thứ 3 tiếp tục là vải địa kỹ thuật, trên đó có một lớp đất sét 30 cm và lớp thứ 5 là lớp cát có chiều dày 50 cm. Do vậy, độ an toàn trong thẩm thấu của Việt Nam gấp nhiều lần Hungary.
Về thành hồ của Hungary cũng được làm từ năm 1942, bằng bê tông xỉ cao 25 - 30 m và không làm móng. Trong khi đó, hồ chứa bùn đỏ của Việt Nam được xây dựng trong thung lũng, 3 mặt là đồi và núi. Ngoài ra chúng ta còn gia cố thêm.
Một điểm quan trọng nữa, trong quá trình vận hành, bể chứa bùn đỏ số 10 của Hungary chứa 4,2 triệu m3, trong khi đó, mỗi bể chứa của chúng ta chỉ chứa 0,6 - 1,5 triệu m3. Như vậy, áp lực đối với bể chứa của Việt Nam giảm gần 4 lần so với của Hungary.
Một điều cũng được Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, đó là Hungary đã không lường trước những sự cố trong quá trình vận hành, trong khi đó, Việt Nam đã lường trước những sự cố này. Nếu trong quá trình vận hành xảy ra sự cố, hoàn toàn có thể đảm bảo an toàn cho công trình. Trường hợp có xảy ra sự cố thì phương án dung hoà độ pH xuống mức 8 cũng đã được tính đến trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Công thương đã tổ chức mời các đại biểu Quốc hội vào khảo sát tại Tây Nguyên. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, ông đã có dịp trao đổi với GS.TS Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội. Theo GS.TS Đặng Vũ Minh: Với địa thế trong đó, với tình hình động đất đã được khảo sát và Báo cáo đánh giá tác động môi trường mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện đúng như vậy, thì việc đảm bảo an toàn cho hồ chứa bùn đỏ của nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ hoàn toàn không có vấn đề gì trắc trở có thể xảy ra.
Hiện đoàn cán bộ khảo sát vừa có chuyến thăm, làm việc tại Hungary đang khẩn trương hoàn thành bản báo cáo để trình Quốc hội và các cơ quan chức năng của Nhà nước./.