Công bố kết quả kiểm tra phòng, chống tham nhũng tại Phú Yên
VOV.VN - Qua kết quả kiểm tra, đoàn kiểm tra kiến nghị trong thời gian đến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tiếp tục phát huy tốt vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh.
Chiều nay (4/8), Đoàn kiểm tra số 7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực làm trưởng đoàn chủ trì Hội nghị công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại tỉnh Phú Yên.
Thay mặt Đoàn kiểm tra số 7, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng đoàn kiểm tra số 7 đã trình bày dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố cáo, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng kinh tế, tiêu cực tại tỉnh Phú Yên.
Qua kết quả kiểm tra, đoàn kiểm tra kiến nghị trong thời gian đến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tiếp tục phát huy tốt vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh; Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan chức năng khắc phục những hạn chế, thiếu sót mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra.
Phát biểu tại buổi công bố dự thảo Kết luận kiểm tra, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ tầm quan trọng của việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác xây dựng Đảng. Trên cơ sở dự thảo kết luận của Đoàn kiểm tra số 7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan chuyên môn cần tích cực phối hợp để làm rõ các nội dung còn vướng mắc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý từ sớm, từ xa, kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu: "Việc xử lý đơn thư phải được triệt để từ cấp cơ sở, từng vụ việc cụ thể, không để kéo dài: “Việc mà chúng ta chỉ đạo xử lý đơn thư, cố gắng tạo sự thống nhất cao ngay từ đầu, đừng có đùn đẩy qua lại. Làm như thế sẽ ảnh hưởng, chậm trễ, mà chậm trễ về pháp luật hoặc quy trình pháp luật sẽ kéo dài từ thời kỳ này qua thời kỳ khác. Chúng ta cố gắng phải giải quyết cho gọn”./.