Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về pháp lệnh xử phạt trong lĩnh vực kiểm toán
VOV.VN - Pháp lệnh quy định, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước của cá nhân là 50 triệu đồng, còn tổ chức vi phạm chịu mức phạt 100 triệu đồng.
Chiều 16/3, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh xử phát vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15, phiên họp thứ 20 thông qua ngày 28/2/2023. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2023.
Pháp lệnh được thông qua gồm 5 chương, 21 điều. Theo đó, Pháp lệnh quy định về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính là những chủ thể có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của Luật Kiểm toán nhà nước.
Các hành vi vi phạm được xác định căn cứ vào các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động Kiểm toán nhà nước, bao gồm: Vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm; vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán; vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán quy định tại Điều 68, Luật Kiểm toán nhà nước.
Về hình thức xử phạt, đối với mỗi hành vi phạm thì cá nhân, tổ chức phải chịu các hình thức: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Pháp lệnh cũng quy định 2 biện pháp khắc phục hậu quả gồm: buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có).
Đồng thời, Pháp lệnh quy định, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước của cá nhân là 50 triệu đồng, còn tổ chức vi phạm chịu mức phạt 100 triệu đồng.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc buộc cải chính thông tin sai sự thật có phải đăng tải trên báo chí hay không, ông Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Kiểm toán Nhà nước cho biết, khi Kiểm toán Nhà nước xuống kiểm toán phát hiện hành vi vi phạm như không thực hiện các quyết định, kết luận kiểm toán sẽ bị xử lý theo đúng trình tự, thủ tục của kiểm toán.
“Trước hết phải lập biên bản vi phạm, đây là cơ sở để xử phạt, sau đó căn cứ vào tính chất, mức độ sẽ lượng hóa xem là hành vi đó xử phạt theo khoản mấy, theo tính chất, mức độ của hành vi phạm để xác định thẩm quyền thuộc về trưởng đoàn hay kiểm toán trưởng để xử phạt. Không phải hành vi nào cũng phải công khai, tuy nhiên, đây không phải là hành vi bí mật; không biết trong Luật Báo chí có quy định nào phải công khai việc này không nên cần phải xem xét thêm”, ông Đặng Văn Hải cho biết.
Liên quan đến quy định trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán khi đang thi hành công vụ không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, ông Đặng Văn Hải cho biết, phải có điều kiện.
Vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ của cơ quan thì sẽ không bị xử phạt hành chính mà sẽ bị xử phạt bằng pháp luật khác, do Chính phủ quy định. Pháp lệnh về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước thì cũng phải tuân theo điều này, bởi giữa luật, pháp lệnh và nghị định của Chính phủ là thống nhất./.