“Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng các quốc gia toàn cầu”
Đây là chủ đề của Hội nghị cấp cao ASEAN 19 khai mạc sáng 17/11 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Nusa Dua, Bali (Indonesia).
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã tập trung trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng, Kết nối ASEAN; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại; củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong các tiến trình hợp tác khu vực cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Các nhà lãnh đạo ASEAN |
Sau nghi thức ASEAN ca, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono phát biểu khai mạc hội nghị nhiệt liệt chào mừng các nhà lãnh đạo ASEAN tới tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 19 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Tổng thống Indonesia nêu bật những kết quả tích cực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai Kết nối ASEAN và liên kết khu vực cũng như mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc đang định hình.
Với truyền thống, động lực, khả năng và quyết tâm của các nước ASEAN, Tổng thống Indonesia đề nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung thảo luận 5 vấn đề cơ bản liên quan đến triển khai mạnh mẽ các bước đi cụ thể nhằm đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN; tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững gắn với củng cố khả năng ứng phó với các thách thức mới nổi; đảm bảo vai trò trung tâm trong xây dựng, vận hành các cấu trúc, cơ chế hợp tác khu vực; duy trì an ninh, ổn định ở khu vực và tăng cường vị trí vai trò của ASEAN trên trường quốc tế…
** Ngay sau lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã tiến hành phiên họp toàn thể về tăng cường hợp tác xây dựng Cộng đồng, triển khai Kết nối và mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN…
Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải có quyết tâm chính trị cao và dành nguồn lực cần thiết để thực hiện đúng thời hạn Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột. Trước hết cần xác định rõ các mục tiêu ưu tiên cho từng năm, trong từng lĩnh vực, gắn với nâng cao hiệu quả điều phối và giám sát thực hiện ở cả cấp độ quốc gia và khu vực trên cơ sở các chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp toàn thể |
Bên cạnh đó cần phát huy hiệu quả các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN, nhất là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng... nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực, đồng thời tăng cường vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các thành viên ASEAN tăng cường hợp tác và đầu tư thích đáng cho các lĩnh vực liên quan đến thu hẹp khoảng cách phát triển, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, xử lý hiệu quả các thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên các dòng sông, nhất là sông Mê Công một cách hợp lý để từ đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều ở khu vực...
Cùng với thực hiện các cam kết trên cả cấp độ khu vực và quốc gia các dự án trọng điểm và ưu tiên nhằm tăng cường kết nối ASEAN cả về hạ tầng, thể chế và người dân, Thủ tướng đề nghị các thành viên ASEAN tiếp tục tăng cường các quan hệ đối tác và tạo điều kiện cho các đối tác tham gia sâu rộng hơn và đóng góp tích cực vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực… Ngoài các lĩnh vực ưu tiên hiện nay, Thủ tướng cho rằng Cấp cao Đông Á cần bàn cả các vấn đề chính trị, an ninh, trong đó có vấn đề an ninh hàng hải, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ thiên tai và các thách thức an ninh phi truyền thống khác…
Lãnh đạo các nước ASEAN ký tuyên bố Bali |
Liên quan đến chủ đề “ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia toàn cầu’’ Thủ tướng đề xuất các nước ASEAN cần tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, G20…Trong quá trình phối hợp và hành động, Thủ tướng cho rằng ASEAN cần lựa chọn các vấn đề quan tâm chung, định hướng ưu tiên và xác định các diễn đàn phù hợp để phối hợp, bảo đảm sự đồng thuận và sự đóng góp phù hợp của các nước thành viên.
Song song với tăng cường đóng góp vào các vấn đề toàn cầu, Hiệp hội vẫn phải dành ưu tiên cao nhất cho tiến trình xây dựng Cộng đồng và tập trung vào các vấn đề cấp thiết của khu vực. Nổi lên hiện nay cần dành ưu tiên cao cho hợp tác nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các khuôn khổ hợp tác với các đối tác để có thể nhận được hỗ trợ phù hợp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho các tuyến đường hàng hải, hỗ trợ người đi biển, bảo vệ môi trường biển.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam khẳng định hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải là lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước; các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982; bảo đảm tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)… Trên tinh thần này, Thủ tướng đánh giá cao việc ASEAN nhất trí cần có tiếng nói chung và nhất quán về vấn đề Biển Đông để thể hiện vai trò xây dựng và chủ đạo của mình vì mục tiêu hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mê Công một cách hợp lý, hiệu quả, bảo đảm lợi ích của dân cư và sự phát triển bền vững của tất cả các nước ven sông, nhất là các nước hạ nguồn cần phải có sự hợp tác chặt chẽ của cả 5 nước ASEAN ở Tiểu vùng Mê Công và Trung Quốc, trong đó có việc phối hợp nghiên cứu, đánh giá tổng thể, khách quan, khoa học và hệ thống về tác động môi trường trước khi xây dựng các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công.
Thủ tướng cũng bày tỏ rõ quan điểm của Việt Nam ủng hộ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nội khối và giữa ASEAN với các đối tác, tận dụng mọi nguồn lực, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng từ khí thiên nhiên hoá lỏng, năng lượng điện hạt nhân an toàn.
Thủ tướng nêu rõ: bảo đảm an ninh lương thực không chỉ thuần tuý là vấn đề kinh tế hay nhân đạo mà còn có vai trò quan trọng trong bảo đảm ổn định chính trị-xã hội của mỗi quốc gia và khu vực.
Đánh giá cao những biến chuyển tích cực tại Mianma thời gian qua cũng như nỗ lực hội nhập khu vực và quốc tế, phát triển kinh tế, xã hội và hòa giải dân tộc, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam hoan nghênh Myanmar sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2014 và tin rằng Myanmar sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách này. Trong khả năng của mình, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Myanmar khi có yêu cầu.
Về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của ASEAN vừa qua nhằm tăng cường thực hiện Hiệp ước SEANWFZ, trong đó có việc triển khai Kế hoạch hành động về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân. Hoan nghênh việc ASEAN thúc đẩy tham vấn và đạt thỏa thuận để các nước có vũ khí hạt nhân có thể sớm tham gia Nghị định thư của Hiệp ước này….
Kết thúc phiên họp toàn thể và phiên họp kín, chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Bali về Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của ASEAN trong thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng, tăng cường liên kết nội khối, nâng cao năng lực ứng phó với thách thức toàn cầu, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN ngày càng thực chất, hiệu quả cũng như nâng cao vị thế, vai trò của ASEAN trên trường quốc tế…
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã chứng kiến Bộ trưởng ngoại giao ASEAN ký Hiệp định về việc thành lập Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo đối với quản lý thiên tai và chứng kiến Bộ trưởng Kênh văn hóa xã hội ASEAN ký Tuyên bố ASEAN về đoàn kết trong đa dạng văn hóa: Tiến tới củng cố cộng đồng ASEAN.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN đã tiến hành phiên họp với Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp trong tăng cường xây dựng Cộng đồng Kinh tế, liên kết ASEAN và đề nghị các doanh nghiệp quan tâm đến Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, nhất là các chiến lược, hành động và dự án cụ thể để kết nối lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải…
** Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 19 đang diễn ra tại Bali, Indonesia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Thủ tướng CHDCND Lào Thongsing Thamavong. Hai Thủ tướng thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước; bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp quan hệ giữa hai nước thời gian qua cũng như trao đổi phương hướng và các biện pháp đẩy mạnh hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Lào Thongsing Thamavong |
Hai Thủ tướng nhất trí sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong Năm Hữu nghị Việt-Lào 2012 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước. Hai Thủ tướng khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hợp tác khu vực như ASEAN và Tiểu vùng Mekong, cùng các nước trong khu vực đảm bảo sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong…/.