Cống hiến to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng với cách mạng Việt Nam

Đại tướng Văn Tiến Dũng là vị tướng thao lược, người chỉ huy quân sự tài ba của quân đội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn 65 năm hoạt động cách mạng, dù ở bất kỳ cương vị công tác, điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đồng chí là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có nhiều cống hiến cho cách mạng Việt Nam, trên nhiều lĩnh vực, được thể hiện ở các nội dung cơ bản sau:

Người cộng sản, chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc

Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã giác ngộ và bước vào hoạt động cách mạng bằng việc tham gia các tổ chức quần chúng lao động. Năm 1936, khi còn là thợ dệt ở Hà Nội, đồng chí đã tham gia đấu tranh và hoạt động hăng hái trong phong trào dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động, nhằm chống chế độ bóc lột hà khắc của thực dân Pháp và đòi các quyền dân chủ, dân sinh của người lao động; được Đảng tin tưởng, giao nhiệm vụ trong Ban lãnh đạo Hội Ái hữu thợ dệt khi mới tròn 20 tuổi... Ba lần bị bắt, bỏ tù, giam cầm, tra tấn rất dã man nhưng chính quyền thực dân Pháp không khuất phục được ý chí cách mạng của người thanh niên cộng sản giàu lý tưởng và nghị lực Văn Tiến Dũng. Thậm chí, trong các lần tù đày ấy, đồng chí đã dũng cảm vượt ngục, bị mất liên lạc với tổ chức, nhưng vẫn kiên trì che mắt địch để hoạt động và liên lạc với Đảng.

Đại tướng Văn Tiến Dũng (ngồi giữa) trong một buổi họp bàn phương án đánh  máy bay B-52 tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) 
Do được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh, chịu khó, ham học hỏi, tự tìm hiểu nên mặc dù tuổi đời còn trẻ, đồng chí đã có nhãn quan chính trị sâu sắc, hiểu rõ mục tiêu của cách mạng thuộc địa và sớm được Đảng giao nhiều trọng trách, với các cương vị: Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội (1939), Bí thư Đảng bộ Bắc Ninh (1/1944), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (4/1944), Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ (1945). Đặc biệt, tháng 5/1945, đồng chí được Trung ương Đảng chỉ định trực tiếp phụ trách xây dựng và chỉ huy Chiến khu Quang Trung (1), nhằm đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở các địa phương và cả nước.

Trên cơ sở nắm chắc địa bàn và đường lối, chủ trương chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang của Đảng, đồng chí đã nghiên cứu nắm chắc tình hình, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương mở rộng phong trào cứu quốc, tổ chức quần chúng đấu tranh kết hợp với đẩy mạnh xây dựng các đội tự vệ, du kích, xây dựng căn cứ địa cách mạng, tạo cơ sở để tiến hành chiến tranh du kích, khởi nghĩa từng phần ở những nơi có điều kiện, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến... Nhờ đó, khi Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc phát lệnh tổng khởi nghĩa, mặc dù bị địch kiểm soát gắt gao nhưng các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa đã đồng loạt vùng lên, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong thắng lợi này, nhân tố quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân trong địa bàn chiến khu; trong đó, có phần đóng góp quan trọng của đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, với vai trò người tổ chức và chỉ đạo trực tiếp.

Người cán bộ chính trị mẫu mực, tài năng về chỉ đạo hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị

Ngày 20/11/1946, đồng chí Văn Tiến Dũng được bổ nhiệm cương vị Chính trị Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chính trị (theo Sắc lệnh số 214/SL-CP của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), có nhiệm vụ trực tiếp giúp Bí thư Trung ương Quân ủy-Tổng Chỉ huy chỉ đạo công tác chính trị trong quân đội và dân quân.

Là Cục trưởng Cục Chính trị đầu tiên-người đứng đầu cơ quan chỉ đạo chiến lược về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã đóng góp quan trọng vào việc củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan chính trị các cấp; xây dựng nền nếp công tác chính trị và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị toàn quân. Đồng chí đã chủ động tham mưu với Trung ương và Bộ Quốc phòng mở các trường đào tạo cán bộ quân đội và kịp thời chỉ đạo một số mặt công tác cấp bách trên lĩnh vực quan trọng này. Trong đó, xác định vấn đề đầu tiên là phải “coi trọng công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức tư tưởng, giác ngộ giai cấp cho mọi cán bộ, chiến sĩ, làm cho mọi người hiểu rõ tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, vì ai mà chiến đấu, ai là bạn, ai là thù”; đồng thời, khắc phục tư tưởng quân sự thuần túy, coi nhẹ công tác chính trị...

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất (2/1947) đã đề ra 12 điều kỷ luật dân vận, 10 nhiệm vụ của công tác chính trị trong quân đội cũng như quyết nghị xây dựng chế độ công tác chính trị; kiện toàn tổ chức cơ quan công tác chính trị trong toàn quân, trong đó xác định đại đội là đơn vị căn bản của công tác chính trị trong quân đội. Đây là những vấn đề rất quan trọng, làm cơ sở để Trung ương Đảng ra nghị quyết về tổ chức đảng trong quân đội theo hệ thống, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất.  

Đặc biệt, vào giữa năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, ở một số đơn vị có cán bộ nhận thức chưa đúng về cuộc kháng chiến, thậm chí có tư tưởng tuyệt đối hóa vai trò của công tác quân sự, dẫn tới thói kiêu căng, bản vị, thắng thì kiêu, bại thì nản, coi thường hệ thống công tác chính trị trong quân đội. Trước tình hình đó, tại Hội nghị “Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội” (5/1949), đồng chí Văn Tiến Dũng đã phân tích và thẳng thắn phê phán quan điểm quân sự thuần túy nêu trên; và đề xuất với Trung ương, Bộ Tổng Chỉ huy tiếp tục “nâng cao trình độ chính trị của quân đội, giáo dục phương pháp nhận xét theo lối biện chứng; đưa các hiện tượng thuần túy quân sự ra nhận xét, mổ xẻ; dựa trên nền tảng nhân dân cách mạng mà giáo dục bộ đội; phải phân quyền giữa đội trưởng và chính trị viên dứt khoát”(2). Đây là những vấn đề có tính nền tảng, góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống cơ quan công tác chính trị và cán bộ chính trị trong quân đội.

Vị tướng thao lược, người chỉ huy quân sự tài ba của quân đội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Văn Tiến Dũng được cử làm Chính trị Ủy viên Liên khu 3, rồi Chính ủy kiêm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng). Đồng chí đã bám sát thực tiễn, vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa bàn, theo phương châm: Dựa vào dân mà chiến đấu và giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình. Đặc biệt, năm 1951, đồng chí đã chỉ huy một đơn vị chủ lực, thực hiện thọc sâu vào khu vực Bùi Chu-Phát Diệm đánh tiêu diệt một số đồn bốt địch, diệt ác, phá tề, làm tan rã hệ thống ngụy quyền phản động. Đây là một chủ trương rất táo bạo, vận dụng loại hình chiến thuật mới để đánh “nở hoa trong lòng địch”, khiến thực dân Pháp và tay sai bất ngờ, khiếp sợ.

Với tư chất của một nhà chỉ huy quân sự mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, tháng 11/1953, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã được Đảng, Bác Hồ giao nhiệm vụ là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và tham gia Tổng Quân ủy. Trên cương vị này, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng với các đồng chí trong Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu hoạch định và tổ chức thực hiện thành công nhiều kế hoạch tác chiến chiến lược, như: Cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968); cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua đó, đồng chí đã tỏ rõ là một tài năng quân sự xuất chúng, nhà tham mưu chiến lược tài ba; không chỉ trong hoạch định tác chiến chiến dịch, chiến lược, mà cả trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Không những thế, Đại tướng Văn Tiến Dũng nhiều lần được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh phái đến các mặt trận để trực tiếp chỉ đạo tác chiến, điển hình là Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị-Thiên (1972), Chiến dịch Tây Nguyên (3/1975)...

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4/1975), đồng chí đã được cử làm Tư lệnh. Với tài năng quân sự và sự quyết đoán của người chỉ huy ở tầm chiến lược, đồng chí đã quyết định thay đổi phương pháp tác chiến, chuyển hướng tiến công của Quân đoàn 4 từ tiến công thị xã Xuân Lộc sang bao vây, đánh địch vòng ngoài, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, phá toang “cánh cửa thép”-tuyến phòng thủ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, tạo điều kiện để đại quân ta thọc sâu vào nội đô, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng tiếp tục có những cống hiến to lớn trong chỉ đạo tổ chức củng cố vùng giải phóng, khắc phục hậu quả chiến tranh và triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trọng tâm là xây dựng quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Nhà lý luận-khoa học quân sự có nhiều đóng góp lớn vào sự phát triển của nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam

Đóng góp nổi bật của đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng là góp phần hoàn thiện lý luận quân sự, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam; nghệ thuật tổ chức lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, nòng cốt là quân đội nhân dân; nghệ thuật tác chiến chiến dịch, chiến lược với các loại hình cơ bản: Tiến công, phòng ngự, phản công... Đặc biệt, với cương vị Tổng Tham mưu trưởng quân đội trong nhiều năm, đồng chí đã chỉ đạo toàn quân tác chiến chiến lược sắc sảo, hiệu quả. Trong vận dụng cách đánh (cả ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến đấu), đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng là một trong những vị tướng có công phát triển sáng tạo cách đánh thọc sâu lên tầm cao mới trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ở thế kỷ XX.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vận dụng cách đánh này, Đại đoàn 320 dưới sự chỉ huy của đồng chí đã mở 6 chiến dịch tiến công thọc sâu vào vùng đồng bằng sau lưng địch, mở rộng nhiều vùng giải phóng, phát triển chiến tranh du kích, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân tiến công địch ngay trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách đánh thọc sâu tiếp tục được nhân rộng, phát triển đạt hiệu quả tích cực. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với vai trò là Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo đánh thọc sâu, cơ động nhanh, với lực lượng lớn vào các mục tiêu trọng yếu, giải phóng Sài Gòn trong trạng thái thành phố hầu như còn nguyên vẹn. Đó cũng là dấu ấn sâu sắc về tư duy quân sự, nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy tác chiến của đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đối với nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Đóng góp quan trọng của Đại tướng Văn Tiến Dũng trên mặt trận ngoại giao

Tháng 7/1954, khi được giao nhiệm vụ làm Trưởng phái đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Trung Giã, nhằm giải quyết những điều khoản của Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã quán triệt nghiêm túc và chuẩn bị mọi mặt chu đáo trong tư thế của người chiến thắng, thể hiện phong cách ngoại giao tự tin và hết sức nghiêm cẩn. Không ngoài dự đoán của đồng chí, một trong các nội dung đấu tranh căng thẳng, phức tạp (kéo dài tới 7 phiên họp) là bàn về vấn đề “ngừng bắn và trao trả tù binh”. Với nhãn quan chính trị sâu rộng, tư duy ngoại giao sắc sảo, nhạy bén linh hoạt, đồng chí đã kiên trì, mềm dẻo, nhưng kiên quyết đấu tranh, buộc đối phương phải chấp nhận đề xuất có lợi cho ta, nhất là điều khoản về thời gian trao trả tù binh. Hơn thế, đoàn Việt Nam còn yêu cầu Pháp giúp máy bay chở ba đoàn sĩ quan ta đi truyền đạt lệnh ngừng bắn ở Bình-Trị-Thiên, Khu 5 và Nam Bộ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước mọi khó khăn, thách thức, bản lĩnh, tư chất ngoại giao của đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng tiếp tục được phát huy. Thừa lệnh của Trung ương Đảng, Chính phủ, đồng chí đã thực hiện thành công nhiều cuộc tiếp xúc, quan hệ đối ngoại với các nước bạn, các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là với Trung Quốc và Liên Xô; thu hút được trí tuệ, sự đồng thuận, ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả về tinh thần và vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta chống kẻ thù xâm lược.

Sau thắng lợi năm 1975, cả nước thống nhất, bước vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt - Xô (1978), Liên Xô tăng cường viện trợ quân sự cho ta. Cùng với trang bị kỹ thuật hiện đại mà bạn giúp đỡ còn có các chuyên gia quân sự. Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng rất coi trọng công tác chuyên gia, luôn chỉ đạo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần và phát huy trình độ, kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ này. Đồng thời, Đại tướng cũng lưu ý cán bộ kỹ thuật Việt Nam phải có tinh thần độc lập tự chủ, biết vận dụng các vấn đề cơ bản mà bạn truyền đạt vào tình hình thực tế của ta. Kết quả hoạt động đối ngoại của đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã đóng góp tích cực vào nền ngoại giao Việt Nam, nhất là trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, chúng ta càng thấy rõ hơn những cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam, với dân tộc và Quân đội ta. Tự hào về người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, vị Đại tướng mưu lược, nhà ngoại giao ưu tú Văn Tiến Dũng, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nguyện ra sức phấn đấu, rèn luyện, học tập, noi theo./.
----------- 

(1). Gồm các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa.

(2). Tổng cục Chính trị: Quá trình hình thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, t.1, tr. 243-244.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hội thảo về những đóng góp to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng
Hội thảo về những đóng góp to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng

VOV.VN - Trong 65 năm hoạt động cách mạng, trên nhiều cương vị, Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn là tấm gương của người chiến sĩ cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân 

Hội thảo về những đóng góp to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng

Hội thảo về những đóng góp to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng

VOV.VN - Trong 65 năm hoạt động cách mạng, trên nhiều cương vị, Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn là tấm gương của người chiến sĩ cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân 

Bộ Quốc phòng tưởng niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng
Bộ Quốc phòng tưởng niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng

VOV.VN - Diễn văn tưởng niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng nêu bật những đóng góp đặc biệt của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Bộ Quốc phòng tưởng niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng

Bộ Quốc phòng tưởng niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng

VOV.VN - Diễn văn tưởng niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng nêu bật những đóng góp đặc biệt của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, Quân đội.