"Cung cấp dịch vụ du lịch mà khách cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có"
VOV.VN - Thủ tướng chỉ rõ, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức mới, đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới theo hướng “Cung cấp những dịch vụ du lịch mà khách cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có".
Sáng 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có Lãnh đạo các bộ ngành và được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành phố trong cả nước.
Báo cáo tại hội nghị Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hơn 02 năm qua, du lịch Việt Nam là một ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm tới 80%, tổng thu từ khách du lịch giảm đến 59% so với cùng kỳ. Năm 2021, lượng khách quốc tế giảm gần 96%, nguồn doanh thu giảm sâu. Tuy vậy, chỉ số năng lực phát triển du lịch năm 2021 của Việt Nam vẫn tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện cao nhất thế giới.
Từ tháng 3/2021, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch. Mặc dù mở cửa đón khách quốc tế sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực nhưng việc tận dụng thời cơ này để phát triển còn hạn chế, sự phối hợp triển khai giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ VHTTDL, Y tế, Công an, Ngoại giao, GTVT, TTTT và các cơ quan truyền thông, báo chí còn chưa hiệu quả; Thủ tục xuất nhập cảnh, lưu trú, y tế, hàng không... còn bất cập. Chưa thu hút được nhiều khách du lịch chất lượng cao; số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng, mới đạt khoảng 42% so với kế hoạch đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia. Đây là xu hướng phát triển của tương lai, phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách để ngành du lịch sớm phục hồi, tăng cường thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài và mở cửa du lịch từ 15/3/2021, trước nhiều nước trong khu vực; khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, dừng việc khai báo y tế với COVID-19 đối với người nhập cảnh từ ngày 27/4/2022, không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh từ ngày 15/5/2022; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam với các hình thức phong phú, đa dạng, nhất là trên các nền tảng số…. và đã có nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan, thị trường du lịch Việt Nam đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa, song lượng khách du lịch quốc tế còn hạn chế so với một số nước trong khu vực.
“Phân tích nguyên nhân là do đâu mình đi trước mà đang về sau? Do cơ chế là do cách làm, do thể chế hay là do tổ chức thực hiện hay do các bộ, các ngành chưa làm đầy đủ chức trách nhiệm vụ của mình? Các doanh nghiệp cần tập trung vào đâu, các chuyên gia có ý kiến gì? Sản phẩm du lịch của chúng ta đa dạng hóa thị trường chưa? Đa dạng hóa các chuỗi cung ứng về du lịch chưa? Đổi mới sáng tạo đưa vào du lịch được chưa? Chuyển đổi số chuyển đổi xanh đã đưa vào du lịch được chưa? Chúng ta cần phải xây dựng ngành du lịch này như thế nào? Chúng ta có quyết tâm khôi phục và đột phá ngành du lịch vào năm 2023 không? Cụ thể là sau khi thu hút khách du lịch từ nước ngoài, chúng ta có quyết tâm phát triển văn hóa làm cơ sở, làm nền tảng để thúc đẩy phát triển du lịch không?” -Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ rõ, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, đòi hỏi phải có tư duy mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới trong lĩnh vực du lịch theo hướng “Cung cấp những dịch vụ du lịch mà khách cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có”.
Thủ tướng khẳng định, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; Giữa du lịch Việt Nam và du lịch khu vực và thế giới có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực.
Thủ tướng yêu cầu, phát triển du lịch phải luôn gắn với kinh tế, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc, đất nước, con người Việt Nam; với bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và việc phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; phải kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt, thích ứng, luôn đổi mới sáng tạo, phục hồi nhanh và phát triển bền vững du lịch gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về du lịch, nhất là Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về du lịch. Làm sao để du khách quốc tế đến với Việt Nam thực sự cảm nhận “Trăm nghe không bằng một thấy”; đến một lần muốn đến lần thứ hai; đến một lần rồi nhớ mãi; người này đến lại truyền cảm hứng cho nhiều người khác đến.
Bên cạnh đó đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế, áp dụng thị thực điện tử; nghiên cứu mở rộng cơ chế thí điểm miễn, kéo dài thị thực nhập cảnh cho công dân các nước; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng. Tinh thần là việc nào thuộc thẩm quyền của các bộ thì chủ động triển khai, thuộc Chính phủ thì trình ngay, thuộc thẩm quyền Quốc hội thì khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Quốc hội. Bên cạnh đó, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thông tin, truyền thông, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè, du khách quốc tế; Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch./.