Đã bớt đi những vụ oan sai sau 5 năm thực hiện Hiến pháp mới?
VOV.VN - Hiến pháp năm 2013 và những luật về tố tụng đã quy định cụ thể hóa các cơ chế để bảo đảm, bảo vệ quyền con người song việc thực thi còn khó khăn.
Một trong những giá trị lớn có tính kế thừa, phát triển với những điểm sáng trong quy định của Hiến pháp năm 2013 là vấn đề bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Sau 5 năm Hiến pháp có hiệu lực, giá trị này đã được thể chế hóa trong các văn bản luật và có sức lan tỏa trong cuộc sống. Liệu sau 5 năm thi hành Hiến pháp mới về quyền con người, đã bớt đi những vụ án oan sai?
Nhiều quyền con người đã được thể chế hóa sau 5 năm thi hành Hiến pháp 2013 |
Tháng 6 năm nay, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã hoàn tất chi trả việc bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh- người từng chịu án oan 40 năm. Tuy nhận được khoản tiền bồi thường nhưng 40 năm qua, ông và người thân trong gia đình đã phải chịu cuộc sống tủi nhục trong định kiến và kỳ thị.
Điểm chung trong mỗi vụ án oan sai như vụ ông Trần Văn Thêm, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, vụ ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình… đều là sự mất mát to lớn trong quãng đời của những người bị hàm oan và gia đình của họ. Đó là mất danh dự, mất sức khoẻ, mất hạnh phúc và mất niềm tin. Quyền con người, quyền công dân trong những trường hợp này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 có những điểm mới trong những quy định chung và trong hoạt động tư pháp nói riêng.
Theo bà Trịnh Thanh Bình, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre, để hạn chế được oan sai, điều quan trọng là những quy định tiến bộ của Hiến pháp 2013 và những văn bản luật cụ thể hóa Hiến pháp được áp dụng và tổ chức thực thi tốt.
“Cùng với trình độ năng lực, đạo đức của người áp dụng pháp luật thì một số giải pháp như tranh tụng, quyền im lặng, phải có sự trợ giúp về mặt pháp luật, quyền được tham gia của luật sư, của những người tham gia tố tụng, thậm chí là cả ghi âm, ghi hình để tránh trường hợp tiêu cực. Các quy định mới đó nếu nghiên cứu tốt, áp dụng tốt làm cho nền tư pháp của chúng ta tiến bộ hơn, tránh đi được những bản án oan sai”, bà Trịnh Thanh Bình phân tích.
Ông Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung, cùng một số quy định khác về tố tụng không chỉ bảo đảm, bảo vệ tốt hơn quyền con người mà còn ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ hơn của các cơ quan tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ.
Ông Huỳnh Ngọc Anh cho biết: “Chống oan sai không phải chỉ có ghi âm, ghi hình mà còn nhiều biện pháp trong luật đã quy định rõ, như mở rộng sự tham gia của luật sư, mở rộng quyền kiểm sát của cơ quan kiểm sát, mở rộng vấn đề tranh tụng, mở rộng quyền kháng cáo. Thậm chí mở rộng đến mức là xem xét lại các bản án, quyết định của Hội đồng giám đốc, Hội đồng thẩm phán Tòa án cấp cao trong trường hợp đặc biệt. Trước đây, tố tụng làm gì có chuyện đó. Tố tụng bây giờ có thêm một chương mới là bảo vệ quyền của nhân chứng, bị hại để đảm bảo sự thật khách quan. Rõ ràng, làm như vậy cơ quan xét xử cũng phải năng động hơn, trách nhiệm cao hơn”.
Hiến pháp năm 2013 và những luật về tố tụng, thể chế hóa Hiến pháp đã quy định cụ thể hóa các cơ chế để bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp. Thế nhưng, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định việc thực hiện các quy định đó tiến bộ trong thực tế còn nhiều vướng mắc, khó khăn.
“Việc bảo vệ quyền con người, quyền thân nhân liên quan đến Hiến pháp cũng như thực thi công vụ trong các hoạt động tư pháp đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể như cấp giấy để đăng ký bào chữa, quy trình tạo điều kiện cho luật sư hay trợ giúp viên pháp lý, luật gia vào gặp, làm việc với thân chủ của mình đang có những thủ tục chồng chéo, gây khó khăn cho việc tiếp cận công việc của những người tham gia tiến hành tố tụng… ”.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, hệ thống luật trong lĩnh vực tư pháp, cụ thể hoá những quy định của Hiến pháp 2013 khá đầy đủ nhưng trong tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế. Ví dụ như quyền ghi âm, ghi hình, trách nhiệm ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can khó thi hành vì không có tiền để xây dựng các phòng ghi âm, mua máy ghi âm, thiết bị ghi hình. Đó là điều kiện rất quan trọng để tránh bức cung, nhục hình.
Bà Nga cho rằng, hệ thống các cơ quan tư pháp có tác động rất lớn đến đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp song kinh phí thiếu, chế độ chính sách không có đặc thù và xếp các cơ quan tư pháp, chức danh tư pháp tương đương với công chức hành chính. Đó là những hạn chế cần khắc phục./.
Ông Phan Đình Trạc: Chống oan sai đi liền với chống bỏ lọt tội phạm
40 năm chịu oan sai: Trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 nạn nhân
Rắc rối quanh vụ ông Trần Văn Thêm nhận bồi thường 6,7 tỷ đồng oan sai