Đã có 3 chuyến bay chở người mang hộ chiếu vaccine nhập cảnh Việt Nam
VOV.VN - Cho tới nay đã có 3 chuyến bay chở người mang hộ chiếu vaccine nhập cảnh Việt Nam qua cảng hàng không Vân Đồn thời gian qua và hiệu ứng đánh giá của các cơ quan liên quan, của người nhập cảnh đối với chính sách này rất khả quan.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, mục tiêu đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh là không tưởng, thay vào đó là tâm thế sẵn sàng sống chung với Covid-19. Chiến lược “hộ chiếu vaccine”, “thẻ xanh sức khỏe” hay “giấy chứng nhận sức khỏe số”… được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước gỡ khó và mở lối đi cho nền kinh tế - đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thời gian qua. Tại nhiều nước trên thế giới, hộ chiếu vaccine đã chính thức được triển khai, trong khi tại Việt Nam, mô hình này cũng đang được thực hiện thí điểm.
Phóng viên VOV phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao - đơn vị chủ trì triển khai chương trình “Hộ chiếu vaccine” về vấn đề này.
PV: Theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc đẩy mạnh công nhận “hộ chiếu vaccine lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết”. Bà có thể phân tích rõ ý nghĩa của chiến lược này là gì trong bối cảnh hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Từ khi dịch bệnh bùng phát cho đến hết năm 2020, chúng ta đã kiên trì biện pháp “phòng thủ chặt”, áp dụng chính sách nhập cảnh chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả với mục tiêu “zero Covid”, chúng ta vừa chống dịch hiệu quả, vừa đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội.
Đến năm 2021, tuy rằng dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể virus nguy hiểm, lây lan nhanh hơn nhưng nhờ có vaccine ngừa Covid- 9, một số nước trên thế giới đã dần khống chế dịch, bước vào trạng thái bình thường mới.
Khi dịch bệnh được kiểm soát nhờ vào tỉ lệ tiêm chủng cao, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xã hội được nối lại và phát sinh nhu cầu được đi lại an toàn của người dân giữa các địa phương hoặc qua biên giới các quốc gia. Với tính hiệu quả đã được khoa học chứng minh, những người đã được tiêm chủng đầy đủ, được hưởng các ưu đãi trong việc đi lại (ví dụ: được rút ngắn hoặc miễn cách ly, được tham gia một số hoạt động hoặc thậm chí tiêm chủng là yêu cầu bắt buộc để nhập cảnh một số nước).
Hộ chiếu vaccine thực tế là một cách gọi khác đối với Giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine khi người dân sử dụng Giấy này cho mục đích di chuyển, đảm bảo sự an toàn về y tế trong hoạt động đi lại. Người mang hộ chiếu vaccine được hiểu là đã được tiêm chủng đầy đủ và đang trong thời gian vaccine phát huy hiệu quả - tức là từ 14 ngày đến 12 tháng sau khi tiêm vaccine mũi thứ hai.
Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh, cách ly theo hướng ưu tiên người đã mang “hộ chiếu vaccine”. Các chính sách này có thể là việc mở cửa riêng đối với người đã được tiêm chủng đến từ vùng dịch; cho phép người nhập cảnh có “Hộ chiếu vaccine” được hưởng các ưu đãi về các biện pháp kiểm soát y tế (giảm thời gian hoặc miễn cách ly tập trung, giảm số lần xét nghiệm...).
Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó, rất nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ của chúng ta cần được kết nối với thế giới, việc đi lại an toàn không chỉ là nhu cầu của người dân mà còn là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân.
Một yếu tố nữa thúc đẩy Chính phủ đưa ra những quyết sách quan trọng liên quan đến hộ chiếu vaccine là tỷ lệ tiêm chủng trong nước đã tăng nhanh, cần có chính sách hợp lý để những người đã được tiêm chủng được đi lại, được làm việc hoặc tham gia các hoạt động xã hội một cách an toàn.
PV: Chiến lược này cho thấy vai trò chỉ đạo và tầm nhìn của Đảng, Nhà nước ta như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Việc quan tâm thúc đẩy tiêm chủng rộng rãi cho người dân và triển khai công nhận hộ chiếu vaccine với các nước là chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta cả về cách tiếp cận cũng như thời điểm. Đánh dấu bước chuyển của chiến lược chống dịch của ta từ hướng tới số ca nhiễm Covid bằng không, sang chung sống an toàn với dịch bệnh, tức là có số lượng ca bệnh trong tầm kiểm soát, hạn chế tối đa các trường hợp bệnh nặng và tử vong.
Việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước/vùng lãnh thổ còn quan trọng và cần thiết, bởi đây là chìa khoá để mở cánh cửa ra quốc tế, nới lỏng dần các hạn chế nhập cảnh và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, khôi phục các ngành du lịch, lữ hành, khách sạn.
Tầm quan trọng của chính sách hộ chiếu vaccine trong chiến lược phục hồi kinh tế khi kiểm soát được dịch bệnh đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ thể hiện tại nhiều văn bản quan trọng, từ kết luận số 07 ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị cho đến Nghị quyết số 105 ngày 9/9/2021 của Chính phủ. Trong đó xác định việc công nhận hộ chiếu vaccine của nước ngoài là cơ sở để hoạch định chính sách nhập cảnh mới, tăng cường thu hút, tạo điều kiện tối đa để chuyên gia, nhà đầu tư, người nước ngoài nhập cảnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian tới.
PV: Để hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng về hộ chiếu vaccine, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã và đang tập trung vào các mũi nhọn nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Bộ Ngoại giao đã nghiên cứu từ sớm kinh nghiệm của các nước về triển khai hộ chiếu vaccine, các tiêu chí, thông tin hiển thị trên loại giấy này, điều kiện để sử dụng cho việc đi lại quốc tế (như phải có tiếng Anh, thể hiện số giấy tờ đi lại…).
Trên cơ sở các nghiên cứu này, chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua các tiêu chí về hộ chiếu vaccine của Việt Nam và tiêu chí để công nhận hộ chiếu vaccine nước ngoài mang vào Việt Nam để sử dụng cùng hàng loạt nhiệm vụ để các Ban, bộ, ngành cùng triển khai trong chính sách hộ chiếu vaccine.
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã xây dựng phương án đàm phán cụ thể với các nước, chúng tôi gọi đó là Lộ trình đàm phán và công nhận hộ chiếu vaccine nước ngoài tại Việt Nam. Việc trao đổi với các nước được Cục Lãnh sự trực tiếp triển khai theo các hướng khác nhau.
Một mặt, chúng tôi thông báo cho các nước về chính sách của Việt Nam sẵn sàng trao đổi để công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine, thông báo cho các nước tiêu chí công nhận của ta. Mặt khác, chúng tôi đang tạm thời công nhận một số hộ chiếu vaccine của các nước để triển khai thí điểm hướng dẫn cách ly tập trung 7 ngày đối với người đã được tiêm chủng đầy đủ. Cho tới nay đã có 3 chuyến bay chở người mang hộ chiếu vaccine nhập cảnh Việt Nam qua cảng hàng không Vân Đồn thời gian qua và hiệu ứng đánh giá của các cơ quan liên quan, của người nhập cảnh đối với chính sách này rất khả quan.
Chúng tôi cũng đã trao đổi với từng nước để công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine (của ta và của đối tác) và áp dụng các biện pháp nhập cảnh, y tế ưu đãi đối với người mang hộ chiếu vaccine từ bên này nhập cảnh bên kia.
Xin chia sẻ thêm, một trong những khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có mẫu hộ chiếu vaccine thống nhất trên toàn quốc, được cấp bằng phần mềm trên môi trường điện tử và bản giấy, mang mã xác thực điện tử phù hợp với chuẩn quốc tế.
PV: Một trong những nội dung trọng tâm cần phải nhắc tới là việc Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp cùng các Bộ khác xây dựng bộ tiêu chí và cơ chế công nhận, cho phép sử dụng trực tiếp ở Việt Nam đối với hộ chiếu vaccine, giấy chứng nhận tiêm chủng của nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh. Tiến trình này đang được thực hiện như thế nào và đâu là những nét cơ bản của bộ tiêu chí này, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng bộ tiêu chí công nhận đối với hộ chiếu vaccine của nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam. Đến nay, bộ tiêu chí này đã được Lãnh đạo Chính phủ thông qua và hiện được sử dụng để làm cơ sở để Việt Nam đàm phán với các quốc gia/vùng lãnh thổ về việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau trên cơ sở có đi có lại.
Bộ tiêu chí bao gồm 4 nội dung cơ bản. Thứ nhất, về loại vaccine: Việt Nam chấp nhận các loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới hoặc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ hoặc Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu hoặc Việt Nam cấp phép sử dụng. Liều cuối cùng tiêm trước ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng kể từ ngày dự kiến nhập cảnh Việt Nam.
Thứ hai, về hình thức: Mẫu hộ chiếu vaccine nên được cấp đồng thời trên môi trường điện tử và bản giấy phải mang mã xác thực (QR code hay hình thức chứng thực điện tử khác), được giới thiệu chính thức cho Việt Nam cùng với hướng dẫn chi tiết về phương thức xác thực điện tử.
Tiêu chí thứ ba là hộ chiếu vaccine được cấp bởi quốc gia/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, tỷ lệ tiêm chủng rộng rãi, có quan hệ hợp tác với Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh, chia sẻ thông tin y tế cũng như các lĩnh vực hợp tác khác.
Tiêu chí cuối cùng cần được xét tới là hộ chiếu vaccine của nước ngoài được công nhận rộng rãi và cho phép sử dụng để đi lại.
PV: Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng như các đơn vị phối hợp đã có những đề xuất giải pháp nào để giải quyết những khó khăn nhằm hướng tới xây dựng và chuẩn hóa một bộ tiêu chí, cơ chế công nhận hộ chiếu vaccine cũng như điều chỉnh các quy định về xuất - nhập cảnh cho phù hợp, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Việc triển khai công nhận hộ chiếu vaccine nước ngoài trên thực tế gặp một số khó khăn, nhất là việc xác thực đối với hộ chiếu vaccine, vì thực tế hiện nay đã có trường hợp làm giả hộ chiếu vaccine trên thế giới.
Vấn đề này cần thảo luận kỹ với các đối tác nước ngoài nhằm tạo dựng một cơ chế xác thực đảm bảo không lọt các giấy tờ giả. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nghiên cứu về việc tăng cường vai trò của các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài, cơ quan an ninh hàng không, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu về việc kiểm tra và xác thực các loại giấy tờ này.
Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro, nguy cơ phát tán ca bệnh trong cộng đồng, cần phải thực hiện nghiêm khâu theo dõi y tế đối với người nhập cảnh, trong đó có việc theo dõi y tế tại địa phương sau cách ly tập trung, triển khai các thiết bị truy vết, cũng như việc xét nghiệm sau này, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, 5T của Bộ Y tế.
PV: Mới đây, có ý kiến chuyên gia cho rằng, hộ chiếu vaccine chỉ hiệu quả nếu quốc gia đó đạt miễn dịch cộng đồng - tức 70% người dân được tiêm vaccine. Trong bối cảnh nguồn vaccine vẫn khan hiếm, tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam dù đã đẩy mạnh nhưng chưa đủ mức cần thiết, nếu chưa thể áp dụng hộ chiếu vaccine đại trà trên diện rộng, thì có thể triển khai có chọn lọc, ví dụ như đối tượng là các nước đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, các đối tượng hẹp như chuyên gia, doanh nghiệp hoặc mô hình du lịch khép kín, ít tiếp xúc... Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Liên quan đến việc triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” tại Việt Nam, hay nói chính xác là tạo điều kiện thuận lợi về nhập cảnh, có biện pháp y tế ưu đãi đối với người nhập cảnh đã được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, tôi xin thông tin như sau:
Triển khai hộ chiếu vaccine không đồng nghĩa với việc mở cửa chính sách nhập cảnh như trước đại dịch, việc này cần triển khai từng bước và thận trọng, đối tượng nhập cảnh được xem xét mở rộng dần dần, thí điểm ở một số địa phương và sau khi đảm bảo an toàn thì mở rộng ra các địa phương khác.
Hiện nay, Việt Nam hiện chỉ cho phép công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân, học sinh và sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam, cùng một số trường hợp là thân nhân của những người nêu trên. Chúng ta sẽ áp dụng hộ chiếu vaccine đối với những người này và cân nhắc cho phép thêm một số đối tượng nhập cảnh, ví dụ như thí điểm đón khách du lịch mang hộ chiếu vaccine vào Phú Quốc, một số điểm du lịch an toàn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một trong những tiêu chí để công nhận hộ chiếu vaccine nước ngoài là giấy tờ đó được cấp bởi quốc gia/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, tỷ lệ tiêm chủng rộng rãi. Khi đất nước/vùng lãnh thổ đó không còn an toàn đối với dịch bệnh thì ta có thể xem xét dừng hoặc tạm dừng việc công nhận hộ chiếu vaccine.
Ngoài ra, do tiêu chí an toàn, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch luôn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách về “hộ chiếu vaccine”, Bộ Ngoại giao luôn tham khảo ý kiến và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành, địa phương liên quan để đảm bảo các chính sách đưa ra có thể được áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn, phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam.
Do vậy, có thể khẳng định việc triển khai chính sách “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam là hoàn toàn có chọn lọc, trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, không phải là mở cửa ồ ạt, đại trà.
PV: Thưa bà, chúng ta có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của các nước cũng như tận dụng các nguồn lực trong nước để có được một chiến lược “hộ chiếu vaccine” an toàn - hiệu quả sắp tới, không chỉ với người nước ngoài đến Việt Nam mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam đi ra nước ngoài?
Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã liên tục tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài cũng như theo dõi tình hình dịch trong nước và quốc tế để xây dựng chiến lược “hộ chiếu vaccine” an toàn, hiệu quả và rút ra được một số nội dung cơ bản.
Thứ nhất, ta cần ứng dụng triệt để, sử dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ chế xác thực hộ chiếu vaccine của nước ngoài cũng như hộ chiếu vaccinecủa Việt Nam. Cụ thể, trước mắt, ta cần xây dựng mẫu hộ chiếu vaccine chính thức của Việt Nam cũng như cơ chế xác thực giấy tờ này trên một nền tảng đồng bộ và thống nhất.
Thứ hai là việc mở cửa cần được thực hiện theo lộ trình rõ ràng, cụ thể nhưng cũng đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch bệnh với sự phân công rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Cuối cùng, do Covid-19 là cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, các chính sách, chiến lược được đưa ra cần có thời gian để kiểm chứng tác động, hiệu quả. Vì vậy, ta có thể mạnh dạn xây dựng, triển khai các chương trình thí điểm trên quy mô hẹp. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết các chương trình thí điểm đó, các cơ quan chức năng sẽ kiến nghị chính sách toàn diện hơn.
PV: Xin cảm ơn bà./.