Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền công tác biên giới Việt Nam-Campuchia
VOV.VN - Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền công tác biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia; vận động nhân dân tích cực tham gia quản lý đường biên cột mốc.
Sáng nay (22/11), tại TP. Phú Quốc, Tỉnh ủy Kiên Giang phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị tuyên truyền về công tác biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia. Ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Là tỉnh giáp biên với Campuchia, đến nay Kiên Giang đã ký kết, hợp tác với 5 tỉnh, thành của Campuchia gồm Kép, Kampốt, Preah Sihanouk, Koh kong và thủ đô Phnm Penh trên các lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch, nông nghiệp, thủy sản, y tế, giáo dục, tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia, giao lưu nhân dân...
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tại 2 cửa khẩu Hà Tiên - Preak Chack và Giang Thành - Ton Hon năm 2022 đạt trên 178 triệu USD. Từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã quy tập được 2.074 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh…
Đến nay, công tác phân giới đã được 42.371m đường biên giới, đã cắm và xây dựng hoàn thành 23/28 cột mốc chính. Ngay sau khi hai nước Việt Nam - Campuchia ký kết hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc 84% tuyến biên giới trên đất liền, Tỉnh ủy Kiên Giang chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang cho biết, trong thời gian tới, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là quán triệt quan điểm, đường lối theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh về công tác biên giới trên đất liền.
Trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với vấn đề chủ quyền quốc gia, biên giới, lãnh thổ; tiếp tục chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phát huy vai trò của người có uy tín trong xóm ấp, khu phố, trong cộng đồng dân cư và đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên để tuyên truyền ở cơ sở, thực hiện tốt công tác vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tích cực tham gia quản lý đường biên cột mốc. Trên phương diện đó, tiếp tục tạo điều kiện thu hút đầu tư cho tỉnh Kiên Giang các dự án đầu tư ở dọc biên giới tiếp giáp với Campuchia.
Để sớm thúc đẩy hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền giữa hai nước Việt Nam - Campuchia, tỉnh Kiên Giang kiến nghị với Trung ương sớm cho chủ trương về tiếp tục đàm phán với Campuchia giải quyết 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền giữa hai nước Việt Nam - Campuchia, trong đó có khu vực biên giới còn tồn đọng thuộc tỉnh Kiên Giang từ mốc 296 đến mốc 300.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần tiếp tục nâng cao vai trò và hiệu quả nội dung, phương thức tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo đảm một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển.
Ông Lê Hải Bình cũng nhấn mạnh 3 điểm: thứ nhất là tiếp tục tuyên truyền về các thành tựu chung của đất nước để tạo niềm tin, tự hào, phấn khởi của các lực lượng, bà con đồng bào trên tuyến biên giới. Thứ hai, tuyên truyền tầm quan trọng của việc bảo đảm đường biên giới hoà bình, hữu nghị, phát triển với cả chúng ta và với nước bạn. Thứ ba là tiếp tục nâng cao vai trò và hiệu quả của các nội dung, phương thức và đặc biệt là chú trọng đến lực lượng cơ sở, những người có uy tín, già làng, trưởng bản trong công cuộc đầy tự hào, trách nhiệm, đầy thách thức này.