Đà Nẵng xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, chuyên nghiệp
VOV.VN -Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu tình hình mới là 1 trong 3 vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đặt ra.
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng chiến lược của công tác cán bộ, những năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm đổi mới công tác này.
Với nhiều chính sách, cách làm mang tính đột phá, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng được nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố phát triển, văn minh, hiện đại.
Tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh, hệ chính quy loại khá giỏi, Nguyễn Nam Vũ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại TP.HCM.
Tuy nhiên, Vũ lại quyết định về Đà Nẵng tham gia Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (Gọi tắt là Đề án 89).
Bộ phận một cửa tập trung tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Thanh Hà)
|
Được giao làm Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Phát, một trong những điểm nóng của thành phố về quy hoạch treo, xây dựng nhà trái phép, Nam Vũ chấp nhận thử thách với khó khăn.
Gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của bà con, Nam Vũ giải quyết công việc một cách khách quan, thấu tình đạt lý.
Anh cùng đồng nghiệp thực hiện những sáng kiến hay, cách làm mới trong cải cách thủ tục hành chính.
Nổi bật là mô hình “3 trong 1” - Đây là một trong những sáng kiến triển khai thí điểm đầu tiên trên cả nước, nhận được sự đánh giá rất cao từ phía người dân. Nguyễn Nam Vũ chia sẻ: “Cấp phường có đặc thù, nên chỉ có bám sát cơ sở, bám sát dân thì mới quản lý được”.
Nguyễn Nam Vũ là một trong số 139 cán bộ trẻ được tăng cường về xã, phường theo Đề án 89 của thành phố, trong số này có 61 người hiện giữ các cương vị chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư thường trực các cấp ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các xã, phường.
Một số trường hợp được tham gia vào Ban chấp hành Đảng bộ quận, huyện. Mới đây thành phố Đà Nẵng ban hành Đề án cán bộ nữ với mục tiêu tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia nhiều hơn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp ở thành phố.
Theo Đề án này, những cơ quan, đơn vị có 30% cán bộ, công chức, viên chức trở lên là nữ thì ít nhất phải có một cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ. Nếu chưa có cán bộ nữ thì điều động nơi khác về.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Thanh Khê cho rằng: Đề án này là cơ sở để địa phương khắc phục tình trạng thiếu cán bộ nữ hiện nay.
Bà Liên cho biết: “Nhiều cơ quan bây giờ chưa có nữ, có phường toàn cán bộ nam, phải tính toán, nghiên cứu, có thể là điều động từ phường khác sang, đảm bảo có nữ trong lãnh đạo thường trực, rồi tiếp tục cho cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng. Có đề án rồi thì bây giờ sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch hàng năm”.
Thành phố Đà Nẵng là địa phương tiên phong thực hiện nhiều chính sách “chiêu hiền, đãi sỹ, trọng dụng nhân tài”.
Từ năm 2006, thành phố này đã mạnh dạn thí điểm thực hiện việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý.
Mỗi Thành ủy viên giới thiệu 2 cán bộ trẻ để lựa chọn, quy hoạch cán bộ dự nguồn các chức danh cấp thành phố.
Cách làm này tạo cơ hội để những người trẻ tuổi tự khẳng định, phát huy sức trẻ và khắc phục tình trạng “sống lâu lên lão làng”.
Những năm qua, Đà Nẵng đã đầu tư gần 600 tỷ đồng đưa hơn 600 học viên đi đào tạo đại học, sau đại học ở trong và ngoài nước theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều chính sách, đề án mang tính đột phá nhằm tạo ra nguồn cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”.
Theo ông Võ Công Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, sắp tới, Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ để bố trí phù hợp với yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ, xây dựng tiêu chí đánh giá, quản lý cán bộ theo từng chức danh được giao.
Đà Nẵng sẽ sớm hoàn thiện tiêu chí về tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn về tuyển dụng công chức, viên chức, đưa đi đào tạo, bồi dưỡng theo các chức danh quy hoạch...
Cùng với đó, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Đề án như: Đề án 89 về đào tạo cán bộ chủ chốt ở cấp cơ sở; Đề án cán bộ nữ; Đề án 34 thu hút sinh viên khá giỏi về công tác tại xã, phường…
Đặc biệt là Đề án nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp tục được Thành ủy Đà Nẵng xác định là một trong 3 hướng đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Võ Công Trí khẳng định: Thành ủy xác định nhân sự giới thiệu vào cấp ủy lần đầu phải tốt nghiệp đại học chính quy, phải đảm bảo tiêu chuẩn từ nguồn, từ đầu vào. Qua đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở cơ bảo đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu của CT 36, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ được nâng cao, đặc biệt tỷ lệ có trình độ đại học, sau đại học nâng cao khá nhiều .
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Thành phố Đà Nẵng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá trong công tác cán bộ, góp phần quyết định sự thành bại của quá trình xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại./.