Đại biểu HĐND chất vấn nhiều vấn đề bức xúc tại các địa phương

VOV.VN - Tại kỳ họp HĐND các địa phương, đại biểu chất vấn nhiều vấn đề "nóng" về phát triển kinh tế-xã hội.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khoá X, sáng nay (7/7), các đại biểu chất vấn tại hội trường về vấn đề nhà ở xã hội. 

Báo cáo mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM đã xây dựng 15.000 căn nhà ở xã hội (NƠXH). TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích nhà ở bình quân đạt 23,5m2/người; tổng diện tích nhà ở tăng giai đoạn 2021-2025 đạt 50 triệu m2 sàn, tương đương  367.000 căn nhà. Dự kiến vốn để phát triển nhà ở tại TP.HCM đến năm 2025 là 566.995 tỷ đồng và đến năm 2030 là 956.900 tỷ đồng. Các đại biểu khẳng định, nhà ở, phát triển nhà ở là vấn đề lớn, là nội dung quan trọng trong phát triển KT– XH của thành phố.

Đại biểu Lê Xuân Viên cho biết, nhu cầu về thuê nhà để ở của công nhân lao động rất cao. Đa số công nhân lao động  không có nhu cầu sở hữu nhà ở. Theo đó, ông đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết các giải pháp để hỗ trợ xây dựng nhà lưu trú cho công dân như nhà trọ giá rẻ, đảm bảo chất lượng cho người lao động thuê.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết, TP.HCM có 600.000 phòng trọ thuộc 60.000 chủ nhà trọ. Trong đó, 60% là nhà trọ độc lập, còn lại là trong khu dân cư…Số nhà trọ có thể giải quyết cho 1,8 triệu người thuê. Hiện có gần 900.000 công nhân thuê trọ ở gần các khu chế xuất - khu công nghiệp, đảm bào tiêu chuẩn 5m2/người và các điều kiện khác. Tuy nhiên, có 30% số nhà trọ chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy và Sở đã tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ cải tạo, nâng cấp. Thành phố đã khởi công 1 dự án nhà cho công nhân và đang chuẩn bị 4 dự án nữa ngay trong khu chế xuất- khu công nghiệp để thuận tiện cho công nhân.

"Như vậy, cự ly cũng như bán kính các khu này sẽ giúp cho người công nhân được thuê các phòng trọ, nhà trọ do các doanh nghiệp họ xây và có các công trình phúc lợi công cộng trong đó để đảm bảo đời sống, sinh hoạt, đồng thời giải quyết được phần nào căn cơ về nhà trọ cho công nhân trong giai đoạn tới" - ông Trần Hoàng Quân cho biết.

Trong khi đó, một số đại biểu khác đặt vấn đề khác về tranh chấp tại các khu chung cư, cải tạo chung cư cũ, đánh giá xu hướng phát triển, vấn đề minh bạch thông tin về các dự án NƠXH để người dân nắm…

Trả lời vấn đề về lượng lớn NƠXH đang bỏ hoang, gây lãng phí lớn, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết, đây là vấn đề thành phố quan tâm. Trên địa bàn thành phố có 3.429 căn hộ và nền đất được phân bổ cho 21 quận huyện và TP. Thủ Đức thực hiện tái định cư, chỉnh trang đô thị. Thành phố cũng có hơn 2.800 căn và nền đất làm quỹ dự phòng để tạm cư cho các chung cư hư hỏng, thiên tai, sạt lở. Ngoài ra, thành phố có chủ trương bán đấu giá hơn 5.000 căn và nền đất.

"Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị với thành phố bố trí một nguồn ngân sách để duy tu bảo trì các công trình này để làm sao không xuống cấp trong thời gian vừa qua. Đối với quỹ nhà tái định cư trên địa bàn thành phố, Sở đưa vào quản lý và đang theo dõi để thực hiện các nội dung theo nhu cầu trên địa bàn thành phố" - ông Quân cho biết thêm.

Quảng Ngãi lại nóng chuyện nợ nần từ tàu vỏ thép 67

Tại Kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh Quảng Ngãi khoá XIII diễn ra sáng 7/7, các đại biểu chất vấn về tình trạng tàu cá nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao; chuyện nợ nần của ngư dân từ những con tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ sẽ được xử lý như thế nào?

Thời gian gần đây, giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, một số tàu cá không ra khơi đánh bắt hải sản hoặc có đi nhưng cầm chừng, vì khả năng thua lỗ là rất cao. Đại biểu Nguyễn Thị Phương Thảo đề nghị tập trung tìm giải pháp khắc phục tình trạng này.

“Đề nghị cho biết có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên, nhằm nâng cao hiệu quả việc đánh bắt hải sản xa bờ, ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế và khẳng định chủ quyền biển đảo" - đại biểu Nguyễn Thị Phương Thảo đặt câu hỏi.

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa, hỗ trợ phát triển thủy sản. Tỉnh cũng sẽ đầu tư mới, nâng cấp hạ tầng nghề cá, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.

Hiện tỉnh Quảng Ngãi có 62 tàu cá đóng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng vốn đầu tư hơn 387 tỷ đồng. Trong số này, khoảng 80% số tàu cá hoạt động kém hiệu quả. Nhiều ngư dân không có khả năng trả nợ ngân hàng, bị cơ quan Thi hành án dân sự xử lý bán tàu và cả nhà đất thế chấp vay vốn. Nhiều ngư dân rơi vào cảnh mất nhà cửa, mất phương tiện khai thác hải sản, đời sống vô cùng khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng đặt vấn đề: Nguyên nhân xảy ra tình trạng này thì vai trò và trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình triển khai Nghị định 67 như thế nào? Công tác hướng dẫn, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho ngư dân đầy đủ chưa? Ngành Nông nghiệp có giải pháp gì hay đã kiến nghị đến cấp có thẩm quyền nào để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân?

Về nguyên nguyên nhân tàu cá đóng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 hoạt động kém hiệu quả, ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi phân tích, sản lượng thủy sản khai thác giảm do nguồn lợi thuỷ sản ngày càng suy giảm; giá nhiên liệu ngày càng tăng trong khi giá bán sản phẩm giảm nên hiệu quả kinh tế đạt thấp, nhiều tàu cá ở Quảng Ngãi hoạt động thua lỗ phải nằm bờ.

Mặt khác, một số chủ tàu cá có suy nghĩ rằng, đây là chính sách hỗ trợ bằng nguồn vốn của Nhà nước mà chưa hiểu đầy đủ trách nhiệm của người vay đối với nguồn vốn vay của Ngân hàng thương mại, từ đó phát sinh hiện tượng chủ tàu chây ỳ, không trả nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ. Nhiều chủ tàu vỏ thép không đủ năng lực để quản lý, vận hành, khai thác tàu mới đóng quy mô lớn, hiện đại nên hoạt động đạt hiệu quả thấp. Vốn đầu tư cho một tàu vỏ thép quá lớn, khi đưa vào khai thác đạt hiệu quả thấp dẫn đến không đủ tiền trả nợ gốc và lãi định kỳ cho Ngân hàng.

Khi các khách hàng phát sinh nợ quá hạn, Ngân hàng đã nhiều lần làm việc với chủ tàu tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn; đánh giá lại hiệu quả kinh doanh; các nguồn tài chính để trả nợ… nhưng nhiều chủ tàu không hợp tác với Ngân hàng xử lý những vụ việc phát sinh. Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương đang tập trung tháo gỡ những vướng mắc này.

 “Liên quan đến Nghị định 48 về hỗ trợ dầu, Nghị định 17 triển khai một số điều của Nghị định 67, Bộ NN&PTNT đã tổng hợp ý kiến để thay đổi 3 Nghị định này. Bộ đã lấy ý kiến trong tháng 5 vừa qua trình Chính phủ. Hy vọng rằng khi các chính sách mới thay thế Nghị định này sẽ có những cơ chế đặc thù, thông thoáng hơn, có lợi hơn, quản lý chặt hơn đối với lực lượng lao động và tàu thuyền trên biển" - ông Hồ Trọng Phương cho biết.

Lâm Đồng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn

Cùng ngày 7/7, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X đã khai mạc kỳ họp thứ 6 để thảo luận và đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, tiếp tục thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển.

6 tháng đầu năm 2022, KT-XH của Lâm Đồng đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, nổi bật nhất là kinh tế tăng trưởng 9,29%; thu ngân sách nhà nước đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán địa phương và tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu cũng đạt hơn 436 triệu USD, tăng 43%; và khách du lịch đạt hơn 3,7 triệu lượt, tăng 86,5% so với cùng kỳ năm 2021. Các lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đảm bảo.

Bên cạnh kết quả đạt được, Lâm Đồng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai, quy hoạch…

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, đây là những điểm nghẽn cần được tập trung thảo luận, phân tích, tìm kiếm giải pháp để khơi thông, thúc đẩy KT-XH phát triển.

"Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh tập trung nghiên cứu kỹ từng nội dung, thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, đề các giải pháp để khơi thông các điểm nghẽn trong quá trình phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương”- ông Trần Đức Quận cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyển đổi vị trí công tác 15.330 cán bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng
Chuyển đổi vị trí công tác 15.330 cán bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng

VOV.VN - Thanh tra Chính phủ cho biết, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 15.330 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Chuyển đổi vị trí công tác 15.330 cán bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng

Chuyển đổi vị trí công tác 15.330 cán bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng

VOV.VN - Thanh tra Chính phủ cho biết, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 15.330 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Nhiều vấn đề nóng tại Kỳ họp HĐND tỉnh Kon Tum
Nhiều vấn đề nóng tại Kỳ họp HĐND tỉnh Kon Tum

VOV.VN - Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII với nhiều vấn đề nóng được cử tri trong tỉnh quan tâm sẽ được các đại biểu tập trung thảo luận, chất vấn và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Nhiều vấn đề nóng tại Kỳ họp HĐND tỉnh Kon Tum

Nhiều vấn đề nóng tại Kỳ họp HĐND tỉnh Kon Tum

VOV.VN - Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII với nhiều vấn đề nóng được cử tri trong tỉnh quan tâm sẽ được các đại biểu tập trung thảo luận, chất vấn và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật 48 tổ chức Đảng và hơn 2.060 đảng viên trong 6 tháng
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật 48 tổ chức Đảng và hơn 2.060 đảng viên trong 6 tháng

VOV.VN - Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với 2 Ủy viên Trung ương. Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo 6 tổ chức Đảng; khiển trách 2 đảng viên; Ban Bí thư thi hành kỷ luật cảnh cáo 2 tổ chức Đảng, 19 đảng viên.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật 48 tổ chức Đảng và hơn 2.060 đảng viên trong 6 tháng

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật 48 tổ chức Đảng và hơn 2.060 đảng viên trong 6 tháng

VOV.VN - Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với 2 Ủy viên Trung ương. Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo 6 tổ chức Đảng; khiển trách 2 đảng viên; Ban Bí thư thi hành kỷ luật cảnh cáo 2 tổ chức Đảng, 19 đảng viên.