Đại biểu Quốc hội băn khoăn về vấn đề xăng, dầu

(VOV) - “Hiếm có lĩnh vực nào mà tất cả các bên liên quan đều có nhiều bức xúc, người tiêu dùng bất bình như xăng, dầu”

Nâng tính minh bạch và trách nhiệm

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên): “Thực tế hiếm có một lĩnh vực nào mà tất cả các bên liên quan đều có rất nhiều bức xúc, người tiêu dùng bất bình vì giá tăng nhanh giảm chậm, chất lượng kém. Doanh nghiệp, đại lý kêu lỗ, quản lý nhà nước lúng túng, ngân sách thất thu”

Đại biểu Lê Thị Nga cho biết, lời hứa sửa đổi Nghị định 84 của hai Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ Tài chính đưa ra cách đây 1 năm nhưng vẫn chưa được thực hiện. Vấn đề đặt ra là tại sao những lĩnh vực khác như kinh doanh điện, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh bất động sản Chính phủ còn đề xuất Quốc hội xây dựng thành luật được mà đối với xăng dầu là mặt hàng chiến lược thiết yếu nhưng từ nhiều năm nay Chính phủ vẫn kiên trì điều chỉnh bằng văn bản dưới luật? Hiện nay hành lang pháp lý cho kinh doanh xăng, dầu rất yếu và thiếu.

Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành luật hoặc pháp lệnh về kinh doanh xăng, dầu nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên, đặc biệt là ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát thi hành để bảo vệ tốt hơn quyền của người tiêu dùng.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (trái) và đại biểu Lê Thị Nga

Có dấu hiệu thao túng thị trường?

Đại biểu Lê Thị Nga cho biết, qua nhiều lần tăng giá cho thấy các doanh nghiệp đồng loạt tăng giống nhau cả về thời điểm và mức tăng đây là điều bất thường. Có nhiều dấu hiệu nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường đã vi phạm Điều 9, Điều 13 Luật Cạnh tranh về cấm thỏa thuận ấn định giá làm hạn chế cạnh tranh.

Theo đại biểu Lê Thị Nga, đáng lẽ người tiêu dùng là đối tượng để các doanh nghiệp đầu mối chăm sóc cạnh tranh thì ngược lại đại lý bán lẻ mới là đối tượng giành nhau giữa các doanh nghiệp. Nếu bắt tay nhau để thống nhất giá thì các doanh nghiệp và đại lý đều có lợi, họ chẳng dại gì cạnh tranh giảm giá cho dân để giảm lợi của chính mình. Vì vậy, khi giá thế giới giảm, doanh nghiệp luôn trì hoãn giảm giá bán lẻ nhưng lại chạy đua tăng chiết khấu để lôi kéo đại lý.

Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét lại thẩm quyền điều chỉnh giá của doanh nghiệp trong điều kiện còn chưa giám sát tốt nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Về tạm nhập, tái xuất, đại biểu Lê Thị Nga cho biết, thực tế cơ quan quản lý đã không kiểm soát được đường đi của xăng, dầu để doanh nghiệp trộn lẫn, không bóc tách được loại tái xuất với loại bán nội địa, cho tạm nhập rồi quên kiểm tra tái xuất để cho doanh nghiệp lũng đoạn thị trường.

Cũng theo đại biểu Lê Thị Nga, mặc dù đã có đầy đủ lực lượng chuyên trách và lực lượng phối hợp, nhưng những vụ rút ruột xăng, dầu, bán xăng rởm pha tạp chất lớn vừa qua chủ yếu lại do báo chí phát hiện. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ năng lực của cơ quan chức năng./.

Trả lời những ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định cho đến giờ phút này, tất cả mọi công việc đều thực hiện theo quy trình. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng: “Đúng là nếu để Cục quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương thì cũng có câu chuyện vừa quản lý, vừa xử lý những việc hàng ngày. Chúng tôi cũng đã tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét để có thể tới đây tách Cục quản lý cạnh tranh ra khỏi Bộ Công thương và nó chỉ nằm trực thuộc Hội đồng cạnh tranh”.

Về tạm nhập, tái xuất xăng dầu, Bộ trưởng cho biết là một hoạt động thương mại bình thường. Tuy nhiên, tạm nhập cái gì, tái xuất cái gì thì theo chính sách của từng nước. Bộ trưởng thừa nhận vừa qua có một số trường hợp lợi dụng cơ chế tạm nhập, tái xuất để buôn lậu, để trục lợi mà hải quan và các cơ quan chức năng đã phát hiện, vấn đề này Chính phủ yêu cầu phải xử lý nghiêm túc.

“Chúng ta đã triển khai việc xử lý và trước mắt đã chấn chỉnh bằng việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cùng với Bộ Tài chính đã thống nhất ban hành quy định chỉ cho phép các hoạt động tạm nhập, tái xuất theo yêu cầu đối với hoạt động đối ngoại, đối với tàu thuyền và máy bay của nước ngoài, còn các trường hợp khác thì tạm dừng”, Bộ trưởng cho biết.

Về cơ chế, hàng năm Bộ Kế hoạch đầu tư căn cứ vào nhu cầu của năm sau có thông báo chỉ tiêu nhập khẩu xăng dầu tối thiểu. Căn cứ vào chỉ tiêu đó, Bộ Công thương thông báo cho các doanh nghiệp đăng ký chỉ tiêu, hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu tối thiểu. “Tất cả những doanh nghiệp này đều đăng ký và chúng tôi không phân bổ theo ý chí hành chính mà căn cứ và đăng ký”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Về thị phần, Nhà nước không hạn chế doanh nghiệp trong nước nếu đủ điều kiện có thể đăng ký để trở thành doanh nghiệp đầu mối về xăng dầu nếu có điều kiện về kho bãi, vốn, hệ thống phân phối.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Cho đến giờ phút này ngoài 12 doanh nghiệp thì chưa có thêm doanh nghiệp nào đăng ký thành lập kinh doanh xăng dầu”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Toàn cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII
Toàn cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

(VOV) -Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 22/10 tại Hà Nội và dự kiến bế mạc vào ngày 22/11/2012.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

Toàn cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

(VOV) -Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 22/10 tại Hà Nội và dự kiến bế mạc vào ngày 22/11/2012.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội
Đại biểu Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội

(VOV) -Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu GDP, lạm phát mà Chính phủ đề ra là phù hợp.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội

(VOV) -Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu GDP, lạm phát mà Chính phủ đề ra là phù hợp.