Đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Chánh án về vụ “buôn lậu gỗ trắc” ở Quảng Trị

VOV.VN - Tại phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình sáng 20/3, đại biểu Hoàng Đức Thắng tiếp tục đề cập đến vụ án “buôn lậu gỗ trắc” xảy ra cách đây nhiều năm ở Quảng Trị do Trương Huy Liệu và đồng phạm thực hiện.

Vụ án này được đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị phát biểu cũng như chất vấn nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội. Chất vấn Chánh án Nguyễn Hoà Bình trong phiên làm việc sáng 20/3, ông Hoàng Đức Thắng nói, kết luận của nhiều cơ quan của Quốc hội cho rằng chưa có cơ sở vững chắc để buộc tội bị cáo, cần áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, xem xét lại vụ án khách quan, toàn diện.

“Với tư cách đại biểu Quốc hội, quan điểm của Chánh án thế nào nếu UBTVQH cho giám sát toàn diện vụ án này? Vì sao ông Trương Huy Liệu chấp hành án hơn 4 năm nhưng chưa được xem xét giảm án?” – đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, liên quan vụ án này thì Chánh án nhiều lần trả lời, Viện trưởng VKSND tối cao cũng báo cáo trước Quốc hội, rằng vụ án xét xử đúng và không có cơ sơ giám đốc thẩm.

“Sở dĩ vừa qua toà chưa trả lời vì nhiệm kỳ trước đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét giám sát. Vừa rồi Phó Chủ tịch Quốc hội nói, Quốc hội không làm thay toà. Đầu tháng 3 vừa qua, toà có văn bản trả lời cho đương sự, gửi đại biểu và cơ quan của Quốc hội rằng không có cơ sở để kháng nghị giám đốc thẩm, tức bản án đúng người, đúng tội. Việc này được nhiều cơ quan khẳng định, việc giám định là đúng” – ông Nguyễn Hoà Bình nói, đồng thời cho biết “còn Quốc hội quyết định giám sát thì chúng tôi tuân thủ chấp hành”.

Liên quan đến việc ông Trương Huy Liệu chấp hành quá nửa bản án mà chưa được xem xét giảm án, Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, thời gian chấp hành án chỉ là một trong những điều kiện để xem xét giảm án, còn các điều kiện khác, đặc biệt thái độ, sự phấn đấu, rèn luyện trong thi hành án. Nếu chấp hành tốt, phấn đấu tốt thì sẽ được cơ quan giam giữ xem xét đề nghị chứ không phải toà án xem xét.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói: “Ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội là Quốc hội không làm thay trách nhiệm của toà án, chứ không có trách nhiệm vì Quốc hội có quyền giám sát”, trong khi đó ý kiến cho rằng việc giám định trong vụ án này còn có vấn đề.

Vị đại biểu đoàn Quảng Trị cũng mong cơ quan công an, thi hành án xem xét trường hợp Trương Huy Liệu chấp hành án tốt hơn 4 năm mà chưa được xem xét giảm án.

Tiếp tục trả lời, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định, khi vụ án được kết luận là xét xử đúng thì tất cả mọi việc điều đúng chứ không chỉ có việc giám định hay hồ sơ.

“Đến giờ này tôi chưa nhận được văn bản chính thức nào từ cơ quan của Quốc hội về kháng nghị giám đốc thẩm với vụ án này” – Chánh án TAND Tối cao nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chánh án Nguyễn Hoà Bình: "Thẩm phán nể nang là có thật, nhưng không nhiều"
Chánh án Nguyễn Hoà Bình: "Thẩm phán nể nang là có thật, nhưng không nhiều"

VOV.VN - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình khẳng định điều này khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nguyên nhân tỷ lệ án hành chính bị huỷ, sửa còn cao.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình: "Thẩm phán nể nang là có thật, nhưng không nhiều"

Chánh án Nguyễn Hoà Bình: "Thẩm phán nể nang là có thật, nhưng không nhiều"

VOV.VN - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình khẳng định điều này khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nguyên nhân tỷ lệ án hành chính bị huỷ, sửa còn cao.