Đại biểu quốc hội yêu cầu bảo vệ người tố cáo để không bị trả thù, trù dập
VOV.VN - Sáng 22/11, tiếp tục chương trình kỳ họp 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Bảo vệ người tố cáo để không bị trả thù, trù dập
Phát biểu ý kiến, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong khối nội chính và các địa phương trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.
Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo đại biểu, việc đôn đốc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được quan tâm và có những chuyển biến tích cực. Việc tổ chức thông tin, thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan thực hiện công tâm, khách quan, đúng quy định. Nhiều vụ việc được dư luận xã hội quan tâm đã được các cơ quan tâm tiến hành xác minh, kết luận nhanh chóng, khách quan và kịp thời, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương và cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu đoàn Thanh Hóa chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023. Trong đó, một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu sâu sát để có biện pháp hữu hiệu trong việc giải quyết vụ việc đông người, phức tạp kéo dài. Còn tình trạng người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ. Một số nơi chưa tổ chức thực hiện có hiệu quả quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật…
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trong khối nội chính, các địa phương tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung xử lý và kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra điểm nóng, gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu đề nghị tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, có kế hoạch tổ chức tiếp công dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền mới phát sinh.
Tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở.
“Cần xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ người tố cáo, dẫn đến người tố cáo bị trả thù, trù dập, cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp”, đại biểu Cầm Thị Mẫn nhấn mạnh.
Cần văn hóa xin lỗi của người đứng đầu
Cũng nêu ý kiến phát biểu, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn ĐBQH Đắk Nông) đã có góp ý cụ thể, để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Một, thực trạng cho thấy việc tiếp công dân, xử lý đơn thư của đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương còn một phần mang tính chất hành chính, dừng lại ở việc chuyển đơn; đối với một số đơn thư hợp lệ thì bao gồm các bước nhận đơn, đọc đơn, chuyển đơn, nhận trả lời đơn là chủ yếu”, bà Kiều nói.
Do vậy, theo đại biểu đoàn Đắk Nông, các địa phương cần có quy định thống nhất về phần mềm như đơn, thư khiếu nại, tố cáo riêng với hệ thống quản lý văn bản và điều hành, để dễ tra cứu, theo dõi các vụ việc.
Đối với Trung ương, cần mở hệ thống phần mềm tập hợp, tổng hợp các vụ việc phức tạp, nổi cộm đã chấm dứt thụ lý để giảm tải lượng đơn của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đồng thời, đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, hướng tới việc chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.
Đại biểu nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong các vụ việc hành chính hiện nay là nguyên tắc sửa sai, văn hóa xin lỗi, nhận lỗi của người có trách nhiệm.