Nhân lực - khâu đột phá trong công nghiệp hoá nông thôn
Nhiều đại biểu cho rằng, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao sẽ là khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội nông thôn giai đoạn mới
Sau 25 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta đã đạt những thành tựu quan trọng và đang tiếp tục phát triển để thực hiện Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp, nông thôn. Qua đó đóng góp quan trọng vào mục tiêu đưa nước ta “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XI, đây cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu thảo luận, góp ý vào nội dung văn kiện.
Trong tham luận với tiêu đề: Một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, đại biểu Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phân tích, giai cấp nông dân Việt Nam có vị trí, vai trò, bề dày truyền thống. Họ có đóng góp xứng đáng trong lịch sử dựng nước, giữ nước, trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa 10) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” Đảng ta nêu quan điểm: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nông dân là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ gìn ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước...”.
Nhân lực chất lượng cao sẽ đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hoá ở nông thôn (Ảnh: KT) |
Trong nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết cũng đã nêu: “Chăm lo xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước”.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, bền chí vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện sự nghiệp đổi mới bằng hành động của chính mình, góp nên thành tựu to lớn, toàn diện.
Nông nghiệp phát triển với tốc độ ổn định, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tiếp tục giữ ngôi thứ cao về xuất khẩu gạo, cà phê và một số hàng hóa nông sản khác trên thế giới. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả to lớn...
Đại biểu Nguyễn Quốc Cường cho rằng, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự biến đổi về chất lượng chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; là nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương hợp tác lao động; thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp CNH-HĐH và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Quốc Cường kiến nghị, Đảng và Nhà nước bổ sung và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao mức sống nông dân, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, việc dạy nghề, giải quyết nhu cầu việc làm cho nông dân.
Bên cạnh đó cần đảm bảo được mức và cơ cấu đầu tư để xây dựng hạ tầng nông thôn mới như Nghị quyết Trung ương 7 (khoá 10) đã chỉ ra. Chỉ đạo có hiệu quả việc chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật và xúc tiến thị trường hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hoá. Đó là những nội dung rất cần thiết để giúp giai cấp nông dân Việt Nam vững bước tiến vào CNH-HĐH đất nước.
Đại biểu Lê Thị Thanh Nhàn - Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn phân tích, trong các văn kiện của Đại hội đã thể hiện rất rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chúng ta thấy rằng, khuyến khích tích tụ ruộng đất cũng là một trong những giải pháp để CNH-HĐH nông nghiệp thuận lợi và dễ dàng hơn.
Trong các chương trình về xây dựng nông thôn mới cũng nêu cần tập trung nguồn lực cho nông nghiệp nông dân và nông thôn, mà đặc biệt là tăng cường đầu tư cho thuỷ lợi. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp.
Các đại biểu đều tin tưởng rằng, sau Đại hội XI lĩnh vực nông nghiệp nông dân và nông thôn sẽ có bước phát triển tích cực hơn. Trong đó công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó cũng là một trong những khâu đột phá nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011- 2020.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tin tưởng, sau đại hội, Đảng và Nhà nước sẽ có những chính sách thoả đáng cho những cán bộ ở cấp xã, phường, thị trấn.
Đại biểu Thanh cho rằng đây là lực lượng trực tiếp triển khai các chính sách, chế độ, các quy định pháp luật của địa phương, cũng là nơi tạo ra cơ sở vật chất, nơi giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Về “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, đại biểu Nguyễn Văn Thanh nhận xét, chương trình rất hợp lòng dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, để tăng cường quyền làm chủ và tăng quyền thụ hưởng, tăng quyền giám sát của nhân dân, Trung ương cần đặc biệt ưu tiên đầu tư, nhất là cơ sở vật chất để thực hiện cho được 19 tiêu chí của Chương trình đang thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Văn Thanh tin rằng sau đại hội này những chương trình mục tiêu lớn liên quan tới ĐBSCL được Trung ương quan tâm thực hiện.
Từ lý luận và thực tiễn, trong dự thảo Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) tại Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục xác định: Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với từng loại cây, con. Khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển gia trại, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng....
Điều này thể hiện sự nhất quán về tư duy và hành động của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới, trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp, trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh và trong xây dựng nông thôn mới theo định hướng XHCN./.