Đại hội đồng IPU thông qua Nghị quyết về chống khủng bố
VOV.VN - Nghị quyết bày tỏ quan ngại sâu sắc vì chủ nghĩa khủng bố tiếp tục đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.
Chiều tối 31/3, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới đã thông qua Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp là “Vai trò của Nghị viện trong việc chống lại các hành động khủng bố của những tổ chức như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Boko Haram chống lại dân thường vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái”.
Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp của Đại hội đồng IPU xác định, mọi hình thức khủng bố đều là tội ác, đặc biệt là những hành động bạo lực nhằm vào dân thường như phụ nữ, trẻ em và người già.
Trong bối cảnh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và vùng cận Đông đã chấp nhận liên kết với phiến quân Boko Haram ở Nigeria, Nghị quyết bày tỏ quan ngại sâu sắc vì chủ nghĩa khủng bố tiếp tục đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.
Tư tưởng độc hại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang kích động các vụ tấn công khủng bố ở những khu vực khác trên toàn thế giới, ví dụ như ở Brussels, Bỉ, Paris, Pháp, Sydney, Australia và gần đây nhất ở thủ đô Tunis, Tunisia.
Đại hội đồng IPU cho rằng đây là hành động tấn công vào những nền dân chủ trên thế giới và kêu gọi tất cả các nghị viện lên án các vụ tấn công khủng bố không chỉ của riêng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và Boko Haram.
Báo cáo viên G. Gatta Ngothe của Cộng hòa Chad nêu rõ: “Chúng tôi đã tiến hành trao đổi và nghị viện từ khắp nơi trên thế giới cùng thống nhất lên án các hành động khủng bố của các nhóm cụ thể. Nhưng chúng tôi cũng nhất trí rằng những lời kêu gọi này không chỉ áp dụng với các nhóm khủng bố này mà là nhằm vào tất cả các nhóm khủng bố trên thế giới. Nghị viện phải hối thúc chính phủ các nước hành động trong vấn đề này”.
Nghị quyết kêu gọi nghị viện các nước thông qua chiến lược chung để ngăn chặn việc tuyển mộ các tay súng và những kênh tuyên truyền của các nhóm khủng bố này qua mạng Internet, đặc biệt thông qua các mạng xã hội. Nghị sỹ các nước cũng đặc biệt lo ngại tình trạng giới trẻ bị đầu độc bởi những tư tưởng cực đoan của các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng hay Boko Haram.
Đại diện phái đoàn nghị sỹ Campuchia bày tỏ: “Những người trẻ chiếm hơn 50% dân số thế giới có thể là nguồn cơn của vấn đề này và cũng chính là giải pháp cho vấn đề này. Họ đang là đối tượng dễ bị các tổ chức khủng bố lôi kéo. Chính vì thế, tôi tin rằng trong tương lai chúng ta cần phải tăng cường tiếp cận người trẻ tuổi, cho họ cơ hội để chia sẻ cách suy nghĩ, tầm nhìn, để họ trở thành một phần của giải pháp thay vì là một phần của vấn đề”.
Nghị quyết về vấn đề khẩn cấp của Đại hội đồng IPU cũng đã kêu gọi các nước đưa ra chiến lược chung về quản lý công dân tham gia các tổ chức này và đề xuất những biện pháp trao đổi thông tin giữa các nước.
Nghị quyết yêu cầu nghị viện các nước sử dụng các kênh lập pháp để đóng góp cho việc thực thi các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chống khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên biên giới cũng như việc hỗ trợ tài chính cho các hoạt động này. Đại hội đồng IPU cũng cho rằng, cơ quan an ninh và tình báo của các nước cần phải phối hợp, trao đổi thông tin trong cuộc chiến chống khủng bố./.