Đại sứ Trần Hà Phương nói về quan hệ Việt Nam – Hy Lạp
VOV.VN -Hy Lạp rất yêu mến Việt Nam, nhưng họ biết đến nước ta trong những năm chiến tranh hơn là một Việt Nam hiện đại, hội nhập và phát triển như hiện nay.
Tình cảm mà đất nước, nhân dân Hy Lạp dành cho Việt Nam vẫn luôn nồng ấm như thuở người dân Hy Lạp xuống đường biểu tình chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Bước sang thời kỳ hòa bình, quan hệ hữu nghị, hợp tác đang được hai bên quan tâm thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực.
Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn bà Trần Hà Phương - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hy Lạp về triển vọng quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước trong giai đoạn hiện nay.
PV: Thưa bà, đâu là cơ sở để chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hữu nghị, hợp tác có truyền thống lâu đời giữa Việt Nam – Hy Lạp?
Bà Trần Hà Phương: Việt Nam và Hy Lạp có truyền thống hữu nghị lâu đời. Trong những năm 1960-1070, người dân Hy Lạp đã từng xuống đường biểu tình để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ.
Bà Trần Hà Phương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hy Lạp |
Tôi rất cảm động khi nhận nhiệm vụ ở đây, tôi đi đến đâu, lúc nào người Hy Lạp cũng nói đến tình yêu đối với Việt Nam và sự khâm phục đối với việc Việt Nam thắng Mỹ.
Hai bên cũng có một chút lịch sử trùng nhau, đó là những năm 70, đất nước họ cũng có chế độ độc tài do Mỹ ủng hộ, cho nên họ càng yêu mến Việt Nam hơn. Tôi nghĩ, đó là cơ sở rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Hy Lạp.
PV: Việt Nam trong con mắt bạn bè Hy Lạp như một đất nước anh hùng thời chống Mỹ. Để bạn bè Hy Lạp hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam hôm nay, cơ quan ngoại giao đã và đang có những hoạt động gì, thưa bà?
Bà Trần Hà Phương: Tôi rất thích câu hỏi này. Như tôi vừa nói, Hy Lạp rất yêu mến, biết nhiều đến Việt Nam, nhưng đúng là họ biết nhiều đến nước ta trong chiến tranh những năm 1960-1970 hơn là một Việt Nam hiện đại, hội nhập và phát triển như hiện nay.
Chính vì lẽ đó, trong thời gian nhiệm kỳ ở đây, tôi và Đại sứ quán đã rất nỗ lực mang hình ảnh Việt Nam hiện đại, hội nhập, yêu hòa bình như bây giờ đến cho bạn bè Hy Lạp hiểu hơn.
Ví dụ, trong dịp hai bên kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tôi có mời một đoàn văn nghệ sỹ Việt Nam sang biểu diễn, bởi vì phía bạn bày tỏ đã rất lâu không được xem một tiết mục văn nghệ dân gian truyền thống nào của Việt Nam.
Đích thân Bộ trưởng VH-TT&DL (khi đó là ông Hoàng Tuấn Anh) đã dẫn một đoàn chuyên nghiệp sang biểu diễn rất hay và để lại tiếng vang lớn.
Trong năm nay, chúng tôi cũng có một số hoạt động như: tổ chức trình chiếu bộ phim tài liệu về Gustats, (tức bác Nguyễn Văn Lập, tên Việt Nam).
Hay như mới đây, bộ phim tài liệu “Sống trong lòng đất” của truyền hình Việt Nam cũng đã được chiếu tại cuộc Hội thảo “Truyền hình công thế giới INPUT”.
Tôi muốn nói rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam được chọn chiếu phim đã gây tiếng vang lớn trong khán giả quốc tế và Hy Lạp.
Vừa rồi, tôi cũng đã lấy rất nhiều tư liệu từ Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Quốc phòng và tháng 6 này tôi sẽ tổ chức Tuần lễ phim Việt Nam để chiếu các bộ phim về đất nước, trải dài suốt từ lịch sử dựng nước đến nay. Trong tháng 7 chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm ảnh về lịch sử Việt Nam thời xưa và hiện tại.
PV: Thưa bà, trong bối cảnh Nhà nước ta có chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ ngoại giao kinh tế, với Hy Lạp, việc thúc đẩy quan hệ kinh tế được chú trọng vào lĩnh vực gì để phát huy được những thế mạnh của nhau?
Bà Trần Hà Phương: Tôi nhận nhiệm vụ tại Hy Lạp một thời gian và cũng đúng vào giai đoạn Hy Lạp gặp rất nhiều khó khăn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế.
Thế nhưng, trong thời gian ở đây, tiếp xúc với đất nước, con người Hy Lạp, tôi nhận thấy, hai bên còn rất nhiều tiềm năng có thể khai thác được.
Thứ nhất, Hy Lạp là đất nước có biển và có ngành vận tải biển rất phát triển. Hiện nay đội tàu của Hy Lạp chiếm 1/5 số tàu của thế giới. Chính vì thế, thời gian qua, Đại sứ quán đã rất nỗ lực làm cầu nối để thúc đẩy các doanh nghiệp hàng hải, vận tải biển Hy Lạp và Việt Nam gặp gỡ, tiếp xúc với nhau.
Du lịch là thế mạnh của Hy Lạp |
Năm ngoái, chúng tôi với Vinalines phối hợp tổ chức hội thảo tại Hy Lạp và mời được hơn 50 chủ tàu của Hy Lạp tham gia. Hai bên đã ký kết được một số hợp đồng làm ăn trong thời gian tới.
Và theo tôi biết thì thời gian tới, có thể hai bên thành lập những liên doanh về vận tải biển – Logistic hoặc trao đổi thuyền viên…
Du lịch và thương mại, tôi đánh giá cũng là lĩnh vực có tiềm năng phát triển giữa hai bên.
Chúng ta cũng biết, du lịch Hy Lạp rất phát triển. Dân số Hy Lạp có 10 triệu người, nhưng năm ngoái họ đón 24 triệu lượt khách du lịch và dự đoán trong năm 2017 này có thể lên tới 27 triệu khách. Tôi cho rằng, lĩnh vực này là ngành công nghiệp không khói mà Việt Nam cũng rất mong muốn phát triển du lịch.
Chính vì vậy, tôi rất mong hai bên hợp tác trong lĩnh vực này, trao đổi kinh nghiệm, khai thác điểm du lịch, tập huấn cho cán bộ, nhân viên làm du lịch…
Về thương mại thì Hy Lạp rất quan tâm đến các mặt hàng chủ chốt của Việt Nam như giày da, quần áo, hải sản …
Chúng tôi cũng đã thúc đẩy, tạo cơ hội gặp gỡ cho các doanh nghiệp, để tăng kim ngạch thương mại lên xứng đáng với quan hệ chính trị. Hiện nay, quan hệ thương mại hai bên vẫn còn rất khiêm tốn.
PV: Xin cảm ơn bà!./.
Hy Lạp coi trọng vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam