Đại tướng Lương Cường: Bình Thuận cần tận dụng lợi thế bờ biển dài
VOV.VN -Đại tướng Lương Cường đề nghị, Bình Thuận là tỉnh có bờ biển dài, vùng lãnh thổ, lãnh hải rộng, có đảo Phú Quý là hậu cứ của Trường Sa, Bình Thuận, do đó cần xây dựng mô hình dân quân trên biển.
Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Trí tuệ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã chính thức được khai mạc vào sáng nay (14/10).
Tham dự có Đại tướng Lương Cường – Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 349 đại biểu đại diện cho 37.109 đảng viên trong tỉnh.
Nhiệm kỳ 2015-2020 đánh dấu sự phát triển tương đối toàn diện của tỉnh Bình Thuận trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá và có sự bứt phá trong giai đoạn 2018-2019. Quy mô tổng giá trị sản phẩm nội tỉnh (GRDP) liên tục tăng qua các năm (từ hơn 47.100 tỷ đồng năm 2015 tăng lên 81.800 tỷ đồng năm 2020). Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; các tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác và phát huy hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh: 5 năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn; song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 13. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, yếu kém cần phải tập trung khắc phục.
Trong 5 năm tới, Bình Thuận phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân khoảng 7,0-7,5%/năm. Đến năm 2025, phấn đấu đạt tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 40-40,5%; dịch vụ chiếm 36,5-37%; nông-lâm-thủy sản chiếm 22-23% trong giá trị tăng thêm; GRDP bình quân đầu người đạt từ 4.200-4.400 USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,5-1,8 lần so với năm 2020; có 05 huyện, 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của Bình Thuận là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với mục tiêu tập trung phát triển mạnh 3 trụ cột: công nghiệp; du lịch biển, thể thao biển; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận xác định phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và các địa phương. Đồng thời tăng cường liên kết với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên, phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Đại tướng Lương Cường – Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo, để đạt được những thành công, Bình Thuận cần tiếp tục phát huy tinh thần tự lực tự cường, quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu kinh tế.
Theo đó, cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo dựa trên tiềm năng về bức xạ mặt trời và năng lượng gió, đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Đối với du lịch, cần đa dạng hoá các loại hình sản phẩm, nâng cao đẳng cấp, có thể lấy Khu Du lịch Quốc gia Mũi Né làm hạt nhân để lan toả, tạo ra sức thu hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế. Đối với nông nghiệp, cần tiếp tục phát triển hệ thống thuỷ lợi, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành những vùng chuyên canh lớn.
Đại tướng Lương Cường đề nghị, Bình Thuận là tỉnh có bờ biển dài, vùng lãnh thổ, lãnh hải rộng, có đảo Phú Quý là hậu cứ của Trường Sa, Bình Thuận, do đó cần xây dựng mô hình dân quân trên biển, các tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ để tăng cường sức mạnh bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Đại tướng cũng cho biết: "Xung quanh việc phát triển kinh tế gắn với quốc phòng và an ninh và đặc biệt là trên biển, vừa qua Bộ Quốc phòng có báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý sẽ xây dựng đề án về phát triển kinh tế gắn với quốc phòng trên biển và giao cho Tổng Công ty Tân Cảng làm đơn vị chủ quản. Trong đó có xây dựng những căn cứ hậu cần, dịch vụ để bảo đảm một mặt cho quốc phòng và cho phát triển kinh tế biển trong đó có khu vực đảo Phú Quý của chúng ta"./.