Đan Mạch- Việt Nam đối tác lâu dài bền vững
(VOV) -Hai bên đang tiến tới trở thành đối tác toàn diện dựa trên đối thoại chính trị, tập trung thúc đẩy quan hệ thương mại.
Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Vương quốc Đan Mạch (5/6), VOV giới thiệu diễn văn của ngài John Nielsen- Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam về đất nước Đan Mạch cũng như mối quan hệ hữu nghị lâu dài và bền vững giữa Việt Nam – Đan Mạch.
Ngài Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen |
Ngày 5/6 là ngày Quốc khánh Đan Mạch, đánh dấu sự kiện kỷ niệm quan trọng của hầu hết người dân Đan Mạch. Hiến pháp Đan Mạch được ký lần đầu tiên vào ngày 5/6/1849, Hiến pháp hiện tại được ký từ năm 1953 được coi là nền tảng cho xã hội dân chủ hiện đại của đất nước Đan Mạch.
Trong những ngày này, những nhà lãnh đạo của các chính đảng đều sẽ có các bài diễn thuyết để kỷ niệm sự ra đời của bản Hiến pháp trên khắp đất nước Đan Mạch.
Đối tác lâu dài và bền vững
Đan Mạch và Việt Nam có mối quan hệ lâu dài và bền vững. Năm 2011, chúng ta đã kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Năm 1971, Đan Mạch là một trong những quốc gia đầu tiên ở phương Tây công nhận nền độc lập ở miền Bắc Việt Nam. Và trong suốt 40 năm qua, mối quan hệ chặt chẽ không chỉ phát triển giữa chính phủ hai nước mà còn phát triển giữa các doanh nghiệp, các nghệ sĩ, các vận động viên và cả những người dân bình thường của 2 nước.
Mối quan hệ giữa 2 nước đã trở nên bền vững từ năm 1994 khi Đan Mạch lựa chọn Việt Nam là đối tác về hợp tác phát triển. Kể từ đó, Đan Mạch đã hỗ trợ phát triển cho Việt Nam hơn 1,3 tỷ USD và nhờ đó, đóng góp ấn tượng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam.
Năm 2013, Đan Mạch dự kiến tiến hành giải ngân khoảng 50 triệu USD cho Việt Nam để hỗ trợ phát triển về vệ sinh và nước sạch, tăng trưởng xanh, phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong phạm vi luật pháp và cải cách hành chính, và hỗ trợ xã hội dân sự. Trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Đan Mạch vẫn là một trong những nước cung cấp viện trợ lớn nhất.
Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình từ năm 2011 và nhờ bước tiến ấn tượng này, Đan Mạch đã quyết định rút lui tài trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam vào năm 2015. Trong bối cảnh này, Việt Nam và Đan Mạch đang xây dựng mối quan hệ chiến lược mới bền vững hơn.
Tương lai – Xây dựng mối quan hệ mới mạnh mẽ hơn
Hai bên đã ký kết bắt đầu cho một quan hệ đối tác mới vào năm 2011, nhằm thúc đẩy mối quan hệ về Tăng trưởng xanh, công nghệ sạch và chúng ta hiện đang tiến tới trở thành đối tác toàn diện dựa trên tăng cường đối thoại chính trị, với việc tập trung vào thúc đẩy quan hệ thương mại. Trong đó bao gồm phát triển các mối quan hệ đối tác trong phạm vi lĩnh vực tăng trưởng xanh, và quan hệ đối tác về văn hóa và xã hội dân sự.
Các hoạt động văn hóa đang mở rộng giữa hai nước. Một số tiết mục của các nghệ sỹ Đan Mạch đã đến Việt Nam, và các nghệ sỹ Việt Nam cũng đã tham gia biểu diễn tại Đan Mạch. Một số tiết mục trong số đó được Dự án- Chương trình Văn hóa của Đan Mạch hỗ trợ. Ngành Du lịch cũng phát triển nhanh. Năm ngoái, có hơn 27.000 du khách Đan Mạch đến Việt Nam và con số này đang tăng 10-15% mỗi năm.
Quan hệ thương mại giữa Đan Mạch và Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong vài năm trở lại đây. Hiện nay, hơn 140 công ty của Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam, và thương mại giữa hai nước đang phát triển bền vững và tích cực trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, nền kinh tế vĩ mô là một thách thức lớn, Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn đối với nhiều công ty Đan Mạch, đặc biệt là trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và công nghiệp năng lượng sạch, lĩnh vực mà các công ty Đan Mạch có lợi thế cạnh trạnh độc nhất và có cơ sở vững chắc, phù hợp để đối phó với các thách thức mà Việt Nam đang gặp phải. Ngoài ra, lĩnh vực thiết kế và sản xuất đồ nội thất, công nghiệp cơ khí, điện tử, vv… cũng là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng của hai nước.
Tôi tin tưởng rằng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều công ty Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam, và cả các công ty Việt Nam đầu tư vào Đan Mạch. Ngân hàng thế giới vừa xếp Đan Mạch vào một trong những nước có chính sách đầu tư cởi mở nhất trên thế giới, và là nước cởi mở nhất ở châu Âu về đầu tư kinh doanh. Tôi tin rằng sẽ có nhiều công ty Việt Nam tận dụng cơ hội to lớn này để đầu tư vào đất nước Đan Mạch.
Vào tháng 11/2012, Chính phủ Đan Mạch đã khởi xướng chiến dịch phát triển thị trường cho Việt Nam với mục đích tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch vào Việt Nam theo giai đoạn 5 năm. Thủ tướng Đan Mạch đã bắt đầu chiến dịch này trong suốt chuyến thăm Việt Nam, tiếp sau đó là chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch vào tháng 3/2013. Cả hai chuyến thăm này cùng với mối quan hệ lâu dài, bền vững từ trước tới nay của hai nước, cũng mở đường cho chuyến thăm chính thức Đan Mạch của các quan chức Việt Nam, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
Chúc mừng kỷ niệm Quốc khánh Đan Mạch
Đan Mạch là quốc gia nhỏ với dân số 5,6 triệu người. Theo khảo sát của tổ chức OECD, Đan Mạch là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới. Một số đồng nghiệp của tôi nói rằng chúng tôi đã tự so sánh mình với nhiều quốc gia khác mạnh hơn. Có thể họ đúng.
Một quốc gia nhỏ bé phải là quốc gia đầu tiên chuyển dịch để hoàn thiện mình. Trong suốt 3 thập kỷ qua, Đan Mạch đã đạt được những thành công về tăng trưởng bền vững, và duy trì mức tiêu thụ năng lượng ổn định. Tôi cho rằng hoàn toàn công bằng khi nói Đan Mạch không chỉ là đất nước hạnh phúc mà còn là đất nước phát triển xanh với năng lực cạnh tranh và lợi thế độc nhất trong lĩnh vực này. Thực tế, Copenhaghen đã có kế hoạch trở thành thủ đô không có cacbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2025.
Khi nghĩ đến đất nước Đan Mạch, tôi lại nhớ đến những cánh đồng và những cánh rừng xanh, tới năng lượng gió và năng lượng mặt trời, tới không khí trong lành.Tôi nghĩ đến cải cách, đến những mối quan hệ bền vững sâu sắc với các quốc gia khác.
Chúc mừng ngày Quốc khánh Đan Mạch./.