Đảng bộ Thái Bình sẽ có nghị quyết để “tam nông” phát triển vượt bậc
VOV.VN - Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ 20 vừa tổ chức thành công đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, có tỷ trọng công nghiệp chiếm tới 80%.
Vậy lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh sẽ được hoạch định như thế nào? Trao đổi với phóng viên VOV, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình cho biết, sẽ có nghị quyết để “tam nông” phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, trọng tâm là khu kinh tế Thái Bình với các khu công nghiệp lớn như Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy), Hải Long (huyện Tiền Hải), nhưng làm thế nào để đời sống người dân nông thôn ở Thái Bình được nâng lên một cách thực chất? Trước câu hỏi này, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định, nông nghiệp phải là bệ đỡ, là nền tảng của kinh tế địa phương. Chỉ có phát triển mạnh nông nghiệp mới góp phần trực tiếp nâng cao đời sống của nông dân.
“Thực trạng người dân bỏ ruộng đất, không sản xuất đang diễn ra không ít. Đây là điều trăn trở và câu hỏi đặt ra với Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp. Vì vậy, lần này phải đổi mới mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường, theo hướng đi sâu vào giá trị sản xuất và chất lượng, theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp dược liệu, nông nghiệp nhân văn và quan trọng hơn cả là phải đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp, đổi mới quan hệ sản xuất nông nghiệp, liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, với các nhà khoa học, liên kết với các tổ chức dịch vụ.”, ông Ngô Đông Hải nêu rõ.
Theo ông Ngô Đông Hải, Thái Bình có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, người dân có truyền thống thâm canh, sáng tạo, từng được cả nước biết đến là quê hương 5 tấn, dẫn đầu năng suất lúa trên 1 hecta canh tác. Do vậy, thời gian tới, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn được xác định là trọng tâm, trọng điểm, được quan tâm, đầu tư phát triển vượt bậc; trước hết sẽ hình thành những hợp tác xã kiểu mới.
“Thái Bình đang có mạng lưới hợp tác xã tương đối sâu rộng trên địa bàn khu vực nông thôn, nhưng số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của thị trường vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, mới chỉ quanh quẩn làm những dịch vụ thông thường như dịch vụ thủy lợi, thuốc trừ sâu, phân bón, chưa đại diện được quyền lợi của nông dân trong việc tổ chức sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp và các tổ chức khác, chưa đại diện cho nông dân trong việc tiêu thụ hàng hóa, biến hàng hóa phải phục vụ được nhu cầu của thị trường. Đây là vấn đề cần hướng tới trong thời gian tới. Vậy hợp tác xã phải hoạt động theo kiểu nào? Phải đúng luật hợp tác xã 2012, nhưng phải hoạt động theo cơ chế thị trường, chứ không phải có gì làm nấy như hiện nay. Phải tập trung làm điểm, làm thực chất, ra tấm ra món rút kinh nghiệm và nhân rộng. Việc này sẽ được làm nhanh và quyết liệt.”, ông Ngô Đông Hải chia sẻ thêm./.