Dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma
VOV.VN - Sáng nay (14/3), tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma ở huyện Cam Lâm, Tỉnh ủy - HĐND- UBND - UBMTTQ tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức Lễ Dâng hương tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhân kỷ niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2024).
"Những cán bộ, chiến sĩ đang xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng, dao xây cùng ý chí quyết tâm giữ đảo. Trong cuộc chiến đầy cam go đó đã ngời sáng bao tấm gương anh dũng, quên mình của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng" - đó là phát biểu của Đại tá Bùi Văn Bền, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân tại Lễ dâng hương tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhân kỷ niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2024).
Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân, Ủy ban MTTQVN tỉnh Khánh Hòa cùng các nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Chỉ huy Vùng 4 Hải quân thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tham dự buổi lễ này có hàng chục cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ đã hy sinh 36 năm trước. Trong số những người lính Hải quân đến dự Lễ tưởng niệm có Thiếu tá Trần Thị Thủy - con gái liệt sĩ Trần Văn Phương (trước lúc hy sinh, bố chị Thủy là Thiếu úy - Đảo phó Đảo Gạc Ma). Sau khi thắp hương tại tượng đài, chị Thủy xuống khu mộ gió, đến khu bảo tàng ngầm.
Nhìn lại những hình ảnh của cha và đồng đội, chị Thủy không khỏi xúc động, nghẹn ngào. Tiếp bước người cha, chị Thủy đã có hơn 10 năm công tác tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân: "Hôm nay là ngày giỗ của bố và đồng đội, tôi rất xúc động khi đến dâng hương tại tượng đài. Bồi hồi, cảm giác như mình đang đến rất gần với bố và đồng đội. Xin hứa với anh linh của bố và đồng đội sẽ luôn cố gắng hết mình để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vun đắp truyền thống cách mạng của gia đình".
36 năm qua kể từ ngày 14/3/1988, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn khắc ghi và tri ân sâu sắc những cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Khu tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động xây dựng từ năm 2015 tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Sau khi hoàn thành vào năm 2017, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục các thế hệ hôm nay về lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng như sự hy sinh anh dũng của các lớp cha anh. Nơi đây cũng là nơi "trở về" của các cựu chiến binh Hải quân, đặc biệt là những người từng tham gia sự kiện Gạc Ma.
Cựu chiến binh Ngô Minh Thoa ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trở về Khu tưởng niệm trong lòng trào dâng niềm tiếc thương đồng đội: "Tôi đã từng sống, chết ở Gạc Ma. 64 chiến sĩ đồng đội tôi đã hy sinh. 36 năm rồi, vào đây tôi rất cảm động. Tôi hứa với đồng đội tôi hằng năm tôi vào đây. Tôi rất tự hào khi Hải quân Việt Nam tổ chức một ngày lễ, tôi rất ấm lòng, vơi đi nỗi buồn".
Năm 2023, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã đón hơn 45.200 lượt khách. Riêng ngày 14/3 năm nay có 30 đoàn đăng ký đến tham quan, thắp hương, tri ân 64 chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ, máu của 64 cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma đã hòa vào đại dương, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời các thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ.
"Hôm nay, tôi rất xúc động đến viếng các anh hùng nhân kỷ niệm 36 năm ngày các anh hy sinh. Tôi cầu mong linh hồn các anh siêu thoát. Chúng tôi mong rằng đất nước bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân cả nước đoàn kết, giữ gìn trọn vẹn biển đảo, quê hương của chúng ta" - ông Tùng chia sẻ.