Đảng viên sẽ phải chuyển công tác sau 3 lần bị phê bình, nhắc nhở
VOV.VN - Phó Bí thư Huyện ủy Mộc Châu cho biết: Nếu đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ phải phê bình, nhắc nhở; và khi 3 lần bị phê bình, nhắc nhở sẽ phải điều chuyển công tác khác.
Tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nhờ chú trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên mà phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động đã, đang được triển khai hiệu quả, đưa Mộc Châu trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. PV VOV Tây Bắc có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Nhung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mộc Châu về nội dung này.
PV: Thưa bà, việc triển khai công tác giảm nghèo ở các địa phương Tây Bắc gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế. Ở nhiều xã, huyện, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 50%. Tuy nhiên tại Mộc Châu thì tỷ lệ chỉ còn dưới 4%. Vậy bà có thể cho biết huyện đã có cách làm thế nào để đạt được kết quả cao như vậy?
Bà Phạm Thị Nhung: Khi Mộc Châu tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện, giai đoạn 2015-2020 thì tỷ lệ hộ nghèo được đánh giá còn 14,68%, nhưng đến hết năm 2020 thì số hộ nghèo được đánh giá còn 3,71%; như vậy là trong 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện đã giảm hơn 10%. Tôi nghĩ đây thực sự là con số biết nói.
Về cách làm thì chúng tôi đã rà soát, phân loại thành 7 nhóm hộ nghèo rất rõ. Và qua phân loại như vậy thì mới rõ người ta nghèo vì nguyên nhân gì. Từ đó, mới xác định được các giải pháp để giúp đỡ một cách tốt nhất.
Thứ 2 là chúng tôi đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH và các đồng chí là cấp ủy viên các cấp, từ các Chi bộ trực thuộc trở đi phụ trách các bản nghèo, hộ nghèo. Đặc biệt là đảng viên phải gương mẫu đi trước, giúp đỡ những bản nghèo và từng hộ nghèo để thoát nghèo. Từ các cách làm như vậy, chúng tôi đã có con số thoát nghèo rất ấn tượng như vậy.
PV: Vậy là khi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói cách khác là làm tốt việc nêu gương thì chất lượng, hiệu quả công việc sẽ rất cao, có đúng không, thưa bà?
Bà Phạm Thị Nhung: Chúng tôi xác định muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém mà ra. Đây cũng chính là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở về công tác xây dựng Đảng.
Bên cạnh đó, Bác cũng đã căn dặn chúng ta là người Cộng sản không phải cứ viết lên trán mình 2 chữ “Cộng sản” mà dân tin, điều quan trọng nhất là phải gương mẫu, tích cực tiên phong đi đầu. Nghĩa là khi cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu, nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên, thì các công việc sẽ thật sự hiệu quả và tốt nhất.
PV: Hội nghị TW 4 khóa XIII vừa rồi một lần nữa khẳng định việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của những người đứng đầu cấp ủy các cấp. Vậy, Mộc Châu xác định tiếp tục coi trọng việc nêu gương như thế nào trong thời gian tới?
Bà Phạm Thị Nhung: Việc nêu gương luôn được chúng tôi chú trọng triển khai. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm trong cả nhiệm kỳ. Huyện Mộc Châu hiện đang phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí về huyện Nông thôn mới, trở thành Thị xã và đạt các tiêu chí trở thành Khu Du lịch Quốc gia.
Để hoàn thành các nội dung này, chúng tôi vẫn xác định rất rõ tính tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trước dân, trước Đảng, trước trách nhiệm được giao, để làm sao thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả và tốt nhất. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần xác định trách nhiệm của mình để thực hiện nhiệm vụ cho hiệu quả. Nếu như không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ phải phê bình, nhắc nhở; và khi 3 lần bị phê bình, nhắc nhở thì chúng tôi xác định là sẽ phải điều chuyển công tác khác.
PV: Được biết, cùng với tiếp tục đẩy mạnh việc xóa nghèo, Đảng bộ huyện Mộc Châu cũng đang xây dựng kế hoạch giúp đỡ các bản biên giới đặc biệt khó khăn phát triển. Xin bà cho biết mục tiêu cụ thể là như thế nào?
Bà Phạm Thị Nhung: Việc chuyển hóa 10 bản biên giới đặc biệt khó khăn, phức tạp về an ninh trật tự, chúng tôi xác định 3 nội dung trụ cột là giúp phát triển kinh tế - xã hội thế nào để các bản phát triển thật sự bền vững.
Thứ 2 là chuyển hóa về an ninh trật tự như thế nào và thứ 3 là phải xây dựng hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể ở đó vững mạnh như thế nào… Huyện Mộc Châu đến nay đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai nội dung này. Các đồng chí trong Ban Thường vụ và Lãnh đạo UBND huyện là Tổ trưởng của các Tổ công tác phải xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể với từng bản này và phải đi rà soát thật rõ những tiêu chí còn yếu, kém, khó khăn; từ đó xác định các giải pháp cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ… Chúng tôi nghĩ, bằng các cách làm như vậy mới có thể chuyển hóa địa bàn một cách căn cốt nhất, giúp 10 bản biên giới này thật sự có thể phát triển bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà./.