Đại hội Đảng và thách thức trục lợi chính sách
VOV.VN - "Buôn có bạn, bán có phường" - liên kết để thúc đẩy kinh doanh là vận động khách quan. Nhưng liên kết để lũng đoạn chính sách, trục lợi là bất chính.
Tính khách quan của các nhóm lợi ích
"Nhóm lợi ích" là một hình thức tập hợp các lợi ích cá thể riêng lẻ, có chung nhu cầu bảo vệ và gia tăng các lợi ích tương đồng giữa họ. Ngay khi trong xã hội xuất hiện các hình thức trao đổi hàng hóa thì các dạng thức giản đơn của lợi ích nhóm đã xuất hiện. Người Việt Nam hẳn ai cũng biết đến "ba mươi sáu phố phường Hà Nội", hình thành từ thời Lý - Trần, với những cái tên: Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Buồm… Về bản chất, các khu vực với tên "hàng" đó chính là các tập hợp lợi ích tương đồng - nơi quy tụ những người thợ thủ công từ khắp các làng nghề về kinh thành để buôn bán. Dù còn sơ khai, giữa họ có chung lợi ích tự nhiên liên quan đến sản phẩm nào đó.
Trong xã hội hiện đại, với sự phát triển của kinh tế thị trường, các nhóm lợi ích trở nên đa dạng và có tổ chức hơn. Có những nhóm lợi ích quy mô toàn cầu như: các tập đoàn hàng không dân dụng, nước giải khát, thương mại điện tử, công nghệ… Ở trong nước, các nhóm lợi ích hình thành dưới dạng các hiệp hội như: hiệp hội vàng bạc đá quý, hiệp hội bất động sản, hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống hay may mặc, da giày…
Sự xuất hiện các "nhóm lợi ích" là một quy luật khách quan trong tiến trình phát triển xã hội, chứ không phải là hiện tượng tiêu cực hay xấu xa. Gần 4 thập kỷ vừa qua, chính sách đổi mới đã từng bước đưa nền kinh tế Việt Nam chuyển từ cơ chế tập trung, bao cấp, sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và hiện nay vẫn đang hướng tới một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi hướng đến phát triển kinh tế thị trường tức là chúng ta đã thừa nhận sự tồn tại tất yếu và khách quan của các nhóm lợi ích đa dạng.
Lợi ích phe nhóm cánh hẩu
Những năm gần đây, cụm từ " lợi ích nhóm/phe nhóm" thường được sử dụng gắn với "tham nhũng chính sách", theo hàm ý tiêu cực. Về bản chất, đó là hiện tượng cán bộ, công chức lợi dụng công quyền để mưu lợi cá nhân hoặc phe nhóm cánh hẩu. Hành vi vụ lợi không chính đáng có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, điển hình nhất là tham nhũng hoặc cấu kết với nhau để trục lợi từ quá trình hoạch định và thực thi chính sách.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một hiện tượng mang tính quy luật ở những nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi - đó là sự hình thành các phe nhóm lợi ích cánh hẩu, tìm mọi cách để gây ảnh hưởng đến quy trình chính sách nhằm trục lợi không chính đáng. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, các nhóm lợi ích cánh hẩu sẽ ngày càng gia tăng cả về số lượng và quy mô, hình thành vấn nạn "tư bản thân hữu".
Hệ quả do sự lũng đoạn của các lợi ích phe nhóm cánh hẩu là sự méo mó của hệ thống chính sách, suy giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý của chính quyền. Tình trạng này, nếu kéo dài, sẽ cản trở tốc độ phát triển của đất nước, thách thức niềm tin của người dân vào các thể chế công, thậm chí có thể trở thành điều kiện khởi nguồn cho sự rối loạn chính trị - xã hội.
Nhận thức và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về lợi ích phe nhóm cánh hẩu
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã chỉ ra những biểu hiện của tệ "lợi ích nhóm" thiển cận. Theo đó, các biểu hiện lợi ích nhóm không chính đáng rất đa dạng, điển hình như: óc địa phương chủ nghĩa - chỉ chăm chăm lợi ích của cá nhân hoặc bộ phận mà không coi trọng lợi ích của tập thể; thói bè phái cánh hẩu - chỉ thích sử dụng những người hợp với mình, che đậy cho nhau, liên kết với nhau để hình thành các nhóm lợi ích tiêu cực. Gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhắc lại: đó là dạng quan hệ "ông có chân giò, bà thò chai rượu", dần dần hình thành dây, ê-kíp, vây cánh để mưu lợi ích riêng, xâm phạm lợi ích chung.
Ngay từ khi bắt đầu tiến trình đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nhận thức được nguy cơ của những hành vi vụ lợi cá nhân, thân hữu và phe nhóm cánh hẩu. Báo cáo chính trị của BCHTW khóa V trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã sớm chỉ ra hiện tượng "một số người và cơ sở đã lợi dụng những sơ hở của cơ chế quản lý để mưu lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ". Trong các kỳ đại hội sau đó, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi tham nhũng là một trong các nguy cơ lớn nhất đối với sự tồn vong của chế độ.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện nhất quán quyết tâm đẩy lui các lợi ích phe nhóm cánh hẩu. Gần đây nhất, có thể kể đến Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về phòng chống tham nhũng; Nghị quyết TW 4 khóa XI về Xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"; Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương. Bộ Chính trị khóa XII cũng đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nhằm tạo ra sự chuyển biến sâu sắc cả về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, chủ trương phòng chống cá nhân trục lợi hay lợi ích nhóm thiển cận cũng đã được cụ thể hóa thành "Luật phòng chống tham nhũng" và các quy định về "Đạo đức công vụ".
Một điểm dễ thấy trong chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước về phòng chống lợi ích phe nhóm cánh hẩu là sự đề cao công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao khả năng tự kiểm soát (tự phê bình, nêu gương, tự giác chấp hành pháp luật) của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, thực tế quản trị ở nhiều quốc gia có bối cảnh tương đồng và phát triển hơn cho thấy, chúng ta không nên và cũng không thể đặt hết lòng tin vào việc các chủ thể lợi ích sẽ tự giác hành động có đạo đức và có trách nhiệm. Trong khi quyền lực công là một ý niệm trừu tượng thì người nắm giữ công quyền lại là những cá nhân cụ thể, với đầy đủ các nhu cầu vị kỷ như mọi thành viên trong xã hội.
Vì vậy, cần ý thức rằng, khi các động cơ vị kỷ luôn hiện hữu trong mỗi chủ thể thì việc lợi dụng các chính sách của chính quyền để trục lợi sẽ là mối đe dọa luôn thường trực. Cũng bởi thế, việc ban hành các bộ luật hay các quy định hành chính là chưa đủ để có thể đẩy lui nạn lợi ích phe nhóm cánh hẩu
Đột phá thể chế để ngăn chặn lợi ích phe nhóm cánh hẩu
Chính sách ở Việt Nam được hoạch định trong quá trình phối hợp giữa Đảng và Nhà nước, trên nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí. Nguyên tắc này là một tiến bộ so với nguyên tắc song trùng Đảng và Nhà nước mà Việt Nam áp dụng những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Dù vậy, trên thực tiễn, việc áp dụng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí nhiều lúc vẫn chưa thực sự nhuần nhuyễn. Vẫn có những lúc không tách bạch rạch ròi giữa chính trị và hành chính; giữa người ra quyết định và người thực thi quyết định chính sách. Nhóm lợi ích, phe phái, cánh hẩu thường can thiệp vào việc hoạch định chính sách ở những nơi, những lúc thiếu sự minh bạch này.
Thách thức lớn nhất với Việt Nam hiện nay là xử lý mối quan hệ giữa chính trị và hành chính theo hướng hiện đại hóa hệ thống thể chế quản trị chính sách. Đây có thể hiểu là một phần nội hàm của chủ trương tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của Đảng đã được văn kiện các kỳ Đại hội Đảng gần đây đề cập.
Kinh nghiệm thành công quản trị ở nhiều quốc gia phát triển chỉ ra rằng thể chế giữ vai trò trung tâm trong việc ngăn chặn các nhóm lợi ích lũng đoạn chính sách. Do đó, để bảo vệ lợi ích công thì ưu tiên hàng đầu nên là sự hoàn thiện hệ thống thể chế về hoạch định và thực thi chính sách công. Một hệ thống thể chế hoàn thiện về tổ chức, cơ chế vận hành, nguyên tắc hành vi công quyền sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào ý chí cá nhân, tạo ra các phản ứng khách quan để phòng ngừa sự lũng đoạn chính sách. Một hệ thống thể chế hoạt động hiệu quả sẽ khiến các cá nhân hay nhóm lợi ích vị kỷ, dù có muốn, thì cũng rất khó hoặc không thể lũng đoạn quy trình chính sách công.
Để tạo được những chuyển động đột phá về thể chế, trước hết cần các quyết sách chính trị của Đảng cầm quyền. Vì thế, người dân hẳn sẽ mong đợi những thảo luận và chủ trương quyết liệt hơn nữa về phòng chống lợi ích phe nhóm cánh hẩu tại Đại hội Đảng lần thứ XIII tới đây./.