Đại hội điểm: Vẫn còn những báo cáo chính trị nặng về thành tích
VOV.VN - Đây là một trong những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở.
Tại cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những vấn đề rút ra từ đại hội điểm cấp trên cơ sở hiện nay” do báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 3/7, các đại biểu một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình... cho rằng, từ thực tiễn đại hội điểm cấp cơ sở và cấp trên cơ sở được tổ chức vừa qua, bên cạnh những kết quả đạt được, có một số vấn đề cần phải rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở.
Các đại biểu tại giao lưu |
Đó là: Chất lượng chuẩn bị văn kiện trình đại hội còn bộc lộ những hạn chế, dàn trải, chưa làm rõ các giải pháp đột phá cho nhiệm kỳ tới. Việc đánh giá tổng kết thực hiện Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ trước đã đề ra nhưng chưa thực sự sát, trúng và chưa khách quan, nhất là những hạn chế, yếu kém. Vẫn còn có những báo cáo chính trị nặng về kể thành tích, ít đề xuất, hiến kế để triển khai thực hiện thành công nghị quyết đại hội đảng bộ. Cùng với đó là thời gian dành cho thảo luận và số lượng ý kiến thảo luận tại đại hội có nơi còn xuôi chiều, chưa có tranh luận tại đại hội.
Mặt khác, việc thảo luận đóng góp ý kiến xây dựng văn kiện tại đại hội dù được chuẩn bị kỹ, có phân công đại biểu chuẩn bị tham luận cụ thể nhưng có nơi còn nặng về minh họa cho báo cáo của Ban Chấp hành khóa trước.Việc tham gia ý kiến vào dự thảo văn kiện của trung ương, tỉnh, thành phố và tham gia đóng góp ý kiến vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết của đại hội chưa sâu, chưa cụ thể. Phần thủ tục đại hội như trang trí, tặng hoa, chúc mừng còn hình thức…
Bà Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Để đảng viên phát huy dân chủ, vừa tranh thủ được nhiều ý kiến xây dựng văn kiện tích cực, hiệu quả, phù hợp với thực tế địa phương, bà Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, cho rằng có 4 nội dung cần lưu ý.
Thứ nhất, trong quá trình soạn thảo dự thảo văn kiện, quán triệt sâu sắc Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, định hướng phát triển của địa phương, đơn vị, về quan điểm, cần thống nhất: Không né tránh những vấn đề phức tạp, còn có ý kiến khác nhau mà phải đưa những vấn đề này ra bàn bạc, thảo luận công khai, phản biện thấu đáo để đi đến thống nhất. Trong khi xây dựng văn kiện cần đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2015-2020; xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025 trên cơ sở dự báo sát tình hình thực tiễn, có tính khả thi cao. Điều này, sẽ góp phần tăng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với văn kiện của đại hội.
Thứ hai, trong quá trình lấy ý kiến tham gia dự thảo văn kiện, để phát huy dân chủ song vẫn đảm bảo tính tập trung, cần định hướng trước các nội dung thảo luận, lấy ý kiến (về những vấn đề mới, vấn đề khó thực tiễn đang đặt ra tại địa phương, đơn vị). Việc tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến tham gia cần được thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức, xuôi chiều, làm cho xong việc. Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân người đứng đầu, chú ý trân trọng ý kiến của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, cán bộ lão thành – nhất là trước những vấn đề còn có ý kiến khác nhau (trực tiếp xây dựng các dự thảo văn kiện, Tiểu ban văn kiện đại hội cần có dự báo trước những vấn đề có thể còn có ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều; chủ động phương án giải đáp...).
Trong thảo luận, tham luận tại đại hội, cần định hướng trước về cơ cấu, nội dung trong phân công tham luận để đảm bảo sự tham gia toàn diện, sát, trúng các nội dung của Báo cáo Chính trị, chương trình hành động thực hiện nghị quyết của đại hội. Trong điều hành Đại hội, việc quan trọng hàng đầu là Đoàn Chủ tịch phải tạo ra diễn đàn thật sự dân chủ, phát huy trí tuệ, trách nhiệm của mọi đại biểu, tập trung thảo luận để tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối được thể hiện trong nội dung dự thảo văn kiện.
Bên cạnh những tham luận được chuẩn bị sẵn, cần quan tâm đến phần thảo luận, tranh luận tại đại hội: gợi mở những vấn đề quan trọng và khuyến khích việc tranh luận trực tiếp tại đại hội, nhất là những vấn đề lớn, quan trọng đang còn có ý kiến khác nhau; khắc phục tình trạng thảo luận một chiều hoặc kể lể thành tích. Khi kết luận phần thảo luận, cần nêu rõ những vấn đề mới được bổ sung; phải tiếp thu những ý kiến thảo luận hay, đúng để bổ sung vào dự thảo nghị quyết đại hội.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đặc biệt nhấn mạnh về trách nhiệm đảng viên. Để việc xây dựng dự thảo văn kiện đại hội phát huy được cao nhất trí tuệ và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên cần đòi hỏi ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc nghiên cứu một cách công phu toàn diện, nắm vững một cách có hệ thống những chủ trương, đường lối, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong dự thảo các văn kiện...
Ông Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Ông Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, cho rằng, để đại hội các cấp thành công thì một trong những nguyên nhân rất quan trọng là giải quyết điểm nóng. Điểm nóng ở đây có thể hiểu là đơn thư khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên về những sai phạm; về công tác nhân sự đại hội, đoàn kết nội bộ...
Với tinh thần phải giải quyết xong các điểm nóng mới tổ chức đại hội, Hà Nội vừa rồi tập trung xử lý một số vấn đề tại 83 tổ chức cơ sở đảng xã, phường và 9 đảng bộ cấp trên cơ sở một cách cơ bản và căn bản theo tinh thần chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo thành phố.
"Tôi nghĩ đây là vấn đề rất quan trọng. Hà Nội coi việc giải quyết xong điểm nóng trước thềm đại hội là một kinh nghiệm sâu sắc. Thực tế vừa rồi, minh chứng bằng tổ chức thành công 83 đại hội cơ sở đảng, nhân sự bầu trúng, bầu đúng. Quan trọng là cán bộ, đảng viên tin tưởng, bỏ phiếu thực tâm, thực lòng", ông Bảo chia sẻ./.