Bài 1: Vì sao chất vấn trong Đảng chưa thực hiện?

Tháng 5/2008, Bộ Chính trị ban hành “Quy chế chất vấn trong Đảng” nhằm tăng cường dân chủ và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng. Mặc dù quy chế ra đời đã gần 4 năm, nhưng việc chất vấn trong Đảng chưa được triển khai rộng.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về thực tiễn trong sinh hoạt Đảng, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết: Ở địa phương, thường trực Tỉnh ủy định kỳ trao đổi công việc hàng tuần, Ban thường vụ họp hàng tháng, Ban chấp hành họp 3 tháng/lần để trao đổi, làm rõ việc triển khai Nghị quyết của cấp ủy.

Hội nghị Tỉnh ủy thường thì cũng có ý kiến đối thoại, có hỏi, có trả lời. Công tác tự phê bình và phê bình đã được tổ chức một số lần, nhất là khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), nhưng chưa trở thành hoạt động chất vấn.

Ông Nguyễn Đức Kiên mong rằng: “Cần phải thực hiện công tác chất vấn trong Đảng ở địa phương, ở các cơ quan, qua đó truyền tải được ý tưởng của mình đến đông đảo mọi người, giống như một cương lĩnh hành động, tạo được sự đồng thuận trong Đảng bộ, nhân dân để mọi người cùng chung sức thực hiện”.

Mong muốn của ông Kiên cũng là của số đông đảng viên hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là vì sao Quy chế chất vấn trong Đảng ban hành đã gần 4 năm mà hầu như chưa được triển khai?

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng tại kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa XIII (Ảnh: VNE)

Theo ông Nguyễn Văn Ty - nguyên Phó Trưởng ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn thì có một nguyên nhân: Trước hết là nhận thức trong các cấp ủy chưa thông suốt, nhiều nơi còn coi đây là vấn đề nội bộ, không nên “vạch áo cho người xem lưng”.

Thứ hai là tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, sợ trù úm. Ông Ty thẳng thắn: “Thông thường, người được chất vấn và người chất vấn cùng một đơn vị công tác hoặc một đảng bộ. Không ít trường hợp, người được chất vấn e ngại trả lời công khai vì bản thân có chuyện này chuyện kia, sợ mất uy tín. Còn người chất vấn lại phải nhìn trên nhìn xuống sợ bị ảnh hưởng”.

Thứ ba, theo ông Ty quan trọng nhất, do chưa có biện pháp tổ chức thực hiện quy chế một cách đồng bộ từ cấp trên.

Ông Ty nói: “Đảng có chủ trương thì phải triển khai, định ra thời hạn và có biện pháp tổ chức, lúc đó đảng viên sẽ tích cực tham gia. Nhưng vì Đảng mình chưa kiên quyết, thậm chí không có một tổ chức nào chỉ đạo việc này, có báo cáo sơ kết, tổng kết rõ ràng. Có nghị quyết chưa đủ, phải có biện pháp, có tổ chức và có chỉ đạo thực hiện. Người chất vấn muốn nêu ra việc gì đó thì trước hết bản thân anh cũng phải có nhận thức nhất định, năng lực nhất định và phải hiểu ngay việc chất vấn”. 

Chia sẻ nguồn gốc sâu xa của tình trạng “nể nang, né tránh, ngại va chạm, sợ trù úm”, một đảng viên đang công tác tại một cơ quan Trung ương (xin không nêu tên) phân tích thêm: Tuy chưa có số liệu điều tra cụ thể, nhưng thực tế cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên đương chức rất ngại phát biểu trong các hội nghị sinh hoạt Đảng, nhất là khi góp ý, phê bình chứ chưa nói đến chất vấn.

Phương châm sống “im lặng là vàng” tương đối nhiều. Thậm chí, có người tư duy theo kiểu ba phải - “mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật” nên khi phát biểu thường chung chung để không mất lòng ai, kể cả với những người mắc sai phạm, khuyết điểm.

Chuyện “Anh im lặng với tôi, tôi cũng im lặng với anh. Anh khen ngợi, vuốt ve tôi, tôi cũng ứng xử với anh tương tự”… là có thực, nên “ít nói, hay cười là người nhiều phiếu”. 

Một thực tế nữa là trong khi Quy chế chất vấn nêu rõ: “Đảng viên có quyền chất vấn hoạt động của cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, đảng viên trong phạm vi cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, Đảng bộ mà mình là thành viên”. “Quy chế này được phổ biến đến chi bộ để thực hiện” thì việc thông tin, phổ biến lại chưa rộng rãi, nên không ít đảng viên, kể cả đảng viên lâu năm cũng chưa hiểu rõ và chưa bao giờ tham gia hội nghị chất vấn trong Đảng.

Một số đảng viên mà chúng tôi tiếp xúc ở quận Cầu Giấy như ông Nguyễn Hoàng Tử, bà Trần Thị Thanh Nhàn đều cho rằng:  “Chất vấn là chủ trương đúng nhưng hầu như chưa phổ biến. Ở quận ủy, đảng ủy phường, chi bộ, kiểm điểm thì có nhưng trở thành chất vấn thì chưa”. 

Còn ông Phạm Thưng- Đảng viên 60 năm tuổi Đảng ở xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi thì cho biết: “Có nghe thông báo đến đảng viên chủ trương này, nhưng mà trên thực tế thì không ai được chất vấn lãnh đạo Đảng ủy xã”.

Thực tế khi chúng tôi khi tiến hành phỏng vấn về nội dung chất vấn trong Đảng cũng gặp không ít khó khăn, vì có cán bộ đảng viên tuy biết nhưng tế nhị từ chối, hoặc có người được hỏi thì trả lời rất khó khăn, do họ chưa hiểu chất vấn trong Đảng như thế nào, nên bắt đầu từ đâu? Quyền và nghĩa vụ của người chất vấn và trả lời chất vấn ra sao? Thậm chí còn có cán bộ lãnh đạo chuyên trách công tác Đảng ở một địa phương trong nội dung trả lời phỏng vấn dường như chưa biết đến quy chế này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên