Bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội: Bao giờ có số dư?
VOV.VN - Theo Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, vấn đề quy trình đã tốt rồi, nhưng vẫn cần có quy định bầu có số dư, trong 2 hay 3 người tốt nhất, nổi trội nhất.
Sau đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở vừa qua, có thể thấy nhiều tỉnh có sự bứt phá và thành công như Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội, nhất là Quảng Ninh có rất nhiều đổi mới. 19/20 Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng bộ tỉnh này đã tiến hành bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy tại Đại hội với số phiếu bầu cao. 100% đại hội cấp cơ sở tiến hành bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy; 100% trưởng thôn, bản, khu phố được bầu làm Bí thư chi bộ với mô hình “Dân tin, Đảng cử”.
Còn tại Yên Bái, 11/12 Đảng bộ cấp trên cơ sở bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội. 100% nhân sự do cấp ủy khóa trước chuẩn bị đều trúng cử, được Đại hội tín nhiệm bầu với tỷ lệ phiếu cao.
Tuy nhiên, ở một vài địa phương, nhân sự được giới thiệu đã không trúng cấp ủy. Thậm chí có hiện tượng, dù trúng cử vào cấp ủy, được bầu vào vị trí Bí thư nhưng số phiếu thấp, chỉ đạt hơn quá bán.
Bầu trực tiếp Bí thư: Cần có quy định bầu có số dư
Nhận xét về kết quả này, PGS.TS Đoàn Thế Hanh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nêu rõ, việc thí điểm bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy tại Đại hội là một bước tiến lớn trong sinh hoạt của Đảng, thể hiện đảng trí của Đảng ngày càng cao, năng lực làm chủ của đảng viên ngày càng ngang tầm hơn, trách nhiệm làm chủ của họ ngày một xứng đáng hơn. Một khi dân chủ trong hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng là đại hội Đảng thì sản phẩm chủ yếu của đại hội đảng là văn kiện và nhân sự của Đảng sẽ có kết quả cao hơn, chất lượng hơn, chính xác hơn.
Còn PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thấy rằng, việc thực hiện bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội đã được khẳng định qua thực tế. Ông mong muốn không chỉ Quảng Ninh, Yên Bái hay Hà Nội, việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội sẽ được các địa phương khác trong cả nước mạnh dạn thực hiện.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng cũng cho rằng, muốn đạt được mục tiêu này phải có tổng kết. Thời gian qua, chúng ta cũng đã có tổng kết nhưng chưa “ra tấm ra miếng”, quá trình tổng kết thấy rất tốt, rất ưu điểm nhưng khi chỉ đạo lại chỉ nhấn mạnh đến những nơi có điều kiện. Vậy như thế nào là có điều kiện, đoàn kết, thống nhất cao, có nhân sự tiêu biểu… Qua việc tham dự một số Đại hội ở các địa phương, ông Tuấn nhận thấy, nhiều địa phương cũng rất đoàn kết, thống nhất cao, phát hiện được người tiêu biểu nhưng khi làm vẫn chưa thực sự mạnh dạn.
“Trung ương đã ban hành hướng dẫn đầy đủ, các nguyên tắc rõ ràng, trong thực tế việc tổ chức thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội bước đầu đã được nhân dân đón nhận như một luồng gió mới, đảng viên phấn khởi. Trong quá trình theo dõi, tôi cho rằng, cần phải đưa ra một số vấn đề mang tính nguyên tắc để rút kinh nghiệm nếu làm tiếp”, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn nêu quan điểm.
Cụ thể, theo Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, vấn đề quy trình đã tốt rồi, nhưng vẫn cần có quy định bầu có số dư, trong 2 hay 3 người tốt nhất, nổi trội nhất bầu ra 1 người, như thế sẽ thuyết phục hơn, thậm chí còn tạo ra sự tranh luận trong quá trình tham luận về giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo của mỗi thành viên khi tranh cử Bí thư.
“Nói tranh thì hơi quá, nhưng theo tôi cũng cần có sự cạnh tranh nhất định để đại hội phát hiện trong 2-3 người được giới thiệu để bầu trực tiếp, ai là xuất chúng nhất”.
Từ thực tế đã từng dự một vài đại hội, ông Tuấn nêu tình trạng không có mấy người ứng cử hay đề cử khiến cho không khí đại hội trầm lắng. Nguyên nhân chính theo ông Tuấn “là do chúng ta làm quy trình 5 bước quá tốt, mà đúng là quy trình 5 bước đó tốt thật, tốt đến mức mà người ta đã làm xong sẵn rồi, mọi thứ đều tốt rồi cho nên không có người ứng cử, đề cử, thậm chí có người ứng cử, đề cử không trúng”.
Ông Tuấn nêu quan điểm như vậy đồng thời mong muốn sớm có tổng kết để sau đại hội này chúng ta sẽ có một quy định mang tính pháp lý cao hơn, số lượng bắt buộc phải là bao nhiêu, nhằm tiến tới như Quảng Ninh. Đầu tiên từ 40%, sau đó lên 60%. Như vị trí trưởng thôn, chỉ sau 1 nhiệm kỳ, họ đã lên tới 100%. Đó là nét mới trong đại hội lần này. Việc tổ chức đánh giá nghiêm túc, có chỉ đạo chặt chẽ, có lộ trình phù hợp, tỷ lệ rõ ràng chứ không chỉ nêu chung chung “những nơi có điều kiện”.
Được biết, từ kết quả của Đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh thậm chí còn đặt mục tiêu bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội. Như vậy có thể hiểu, nếu Đảng bộ địa phương thực sự quyết tâm thì có thể thực hiện được.
Về quan điểm này, PGS.TS Đoàn Thế Hanh nhận định, quyết tâm phấn đấu để bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy tại đại hội các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc là mục tiêu phấn đấu cho dân chủ ngày càng cao, càng hoàn thiện trong Đảng, tiến tới dân chủ trong sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên cùng với quyết tâm là các biện pháp đồng bộ, đó là dân chủ hóa thông tin trong sinh hoạt Đảng, nâng cao năng lực làm chủ của đảng viên và nâng cao trách nhiệm làm chủ của Đảng viên và tổ chức đảng các cấp. Đặc biệt, “chìa khóa” để thực hiện thành công các yếu tố trên là dân chủ. Dân chủ luôn là liều thuốc chữa lành những căn bệnh duy ý chí, độc đoán, chuyên quyền, xa dân. Dân chủ là sức mạnh. Nhưng dân chủ phải có tập trung và gắn liền với nó là trách nhiệm của Đảng, của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu các tổ chức đảng.
Bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội: Không thể đốt cháy giai đoạn
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn nhìn nhận, có nhiều việc không phải cứ quyết tâm là được. Nhưng quan trọng là nếu muốn và quyết tâm đạt được thì phải có sự chuẩn bị từ sớm. Quảng Ninh là một ví dụ, đến thời điểm này, họ đạt được 100% Bí thư đồng thời là trưởng thôn xóm, khi đặt vấn đề họ mới có 30-40%, nhưng họ kiên trì phấn đấu từng bước 50%, 60%, trong đó có cả việc đào tạo bồi dưỡng nhân sự, làm công tác tư tưởng, tập huấn cho những người vừa có thể làm trưởng thôn, vừa có thể làm Bí thư chi bộ cho nên đến nay mới đạt 100%.
Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, cần có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khách quan, vô tư. Cán bộ được lựa chọn phải thực sự là người được dân tin thì mới cử. Như việc bầu trưởng thôn, người ta đã được dân tín nhiệm thì tất nhiên Đảng cần quan tâm bồi dưỡng để cho họ có thể làm Bí thư chi bộ. Quan trọng là ý chí, là mong muốn nhưng phải được chuẩn bị công phu, khoa học, không thể đốt cháy giai đoạn và đặc biệt phải công tâm.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, cần nâng cao ý thức, nhận thức của người đi bầu. Về nhận thức thế nào là người nổi trội trong tập thể cấp ủy, thế nào là người có tài đức thật sự, vì dân…Muốn vậy, phải có sự tiếp xúc, trao đổi, phải có thông tin mới tìm được người giỏi, nổi trội.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng lưu tâm đó là trình độ dân trí hay đảng trí trong đảng viên. Đảng trí trong đảng viên sẽ góp phần hạn chế tình trạng theo đám đông, phụ thuộc vào người khác, nghe theo gợi ý của người khác. Những việc như thế đòi hỏi phải có bản lĩnh, phải theo ý mình, không theo ý kiến người khác./.