Người dân Việt Bắc với Đài Tiếng nói Việt Nam
VOV.VN - Trong những năm kháng chiến chống Pháp, núi rừng Việt Bắc đã che chở để làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vang xa. Với đồng bào các dân tộc Việt Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam như người bạn thân thiết.
Năm 1946, khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) vẫn là vùng An toàn khu và được Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) chọn làm nơi sơ tán. Từ nơi này, những bản tin tiếp tục được truyền đi, cổ vũ cho cuộc kháng chiến của nhân dân cả nước. Trong trí nhớ của Cựu chiến binh Nguyễn Quân (92 tuổi, hiện sống tại phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) thì khi ấy hầu như không ai có radio, thị xã chỉ có duy nhất một chiếc loa phát thanh đưa tin tức đến người dân, chủ yếu là các tin chiến sự, kêu gọi tiêu thổ kháng chiến, động viên các phong trào tăng gia, sản xuất, giết giặc lập công.
Năm 1947, khi quân Pháp nhảy dù xuống Việt Bắc, Đài TNVN tiếp tục sơ tán ở nhiều địa điểm, từ vùng Hồ Ba Bể sang Chợ Đồn (Bắc Kạn) rồi đến Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang)... Dù giặc Pháp lùng sục gắt gao và trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nhưng với sự chở che, giúp đỡ hết lòng của đồng bào Việt Bắc, các chương trình phát thanh và bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn thông tin kịp thời các chủ trương, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân cả nước.
“Vì tất cả cho kháng chiến, tất cả cho chiến thắng, nên là cứ mong ngóng các tin chiến thắng từ các mặt trận về, rồi tin sản xuất, tin về các phong trào thi đua, lúc bấy giờ như thi đua sản xuất, giết giặc lập công… Mặc dù cuộc kháng chiến khó khăn, gian khổ như thế nhưng cứ nghe “Đây là Tiếng nói Việt Nam” cất lên thì lòng dân như trào dâng lên niềm tin, tin vào cuộc kháng chiến”, ông Nguyễn Quân nhớ lại.
Đồng bào Việt Bắc luôn coi Đài TNVN như một phần lịch sử quê hương mình. Và trong cuộc sống hôm nay, khi trên nương hay khi làm ruộng, buổi thả trâu trên đồi hay lúc tối quây quần bên bếp lửa,... Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn luôn là người bạn đồng hành của đồng bào. Từ các bản tin chiến sự năm nào, hôm na, đã có nhiều hơn chương trình về thời sự, văn hóa, đời sống, giới thiệu các điển hình kinh tế, các cách làm hay, mô hình điểm.
“Tôi thường xuyên theo dõi Đài TNVN, nhất là các chương trình Thời sự. Thứ nhất là mình nắm được tình hình chung, tình hình riêng từng vùng. Ngoài ra, tin tức của Đài có chỉ dẫn về sức khỏe, về chính sách cùng nhiều mặt khác. Ví dụ ở Lạng Sơn thì khi nghe chương trình giới thiệu về cây mắc ca, cây hồng Bảo Lâm… bà con theo dõi đã học theo, cải tiến kỹ thuật, nên mấy năm nay tại huyện Văn Lãng, nhất là vùng Tân Mỹ bà con trồng hồng đã dần xóa được đói, giảm được nghèo”, ông Hà Văn Nhiu, 80 tuổi, cán bộ hưu trí tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn nói.
Phát triển cùng đất nước, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tự hào là đơn vị báo chí quốc gia duy nhất phát triển mô hình truyền thông đa phương tiện bao gồm đầy đủ các loại hình báo chí gồm: báo nói, báo hình, báo điện tử, báo in, khẳng định vị thế là cơ quan thông tin đại chúng quan trọng, đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng; vừa truyền đạt quan điểm đường lối của Đảng, các chủ trương chính sách của Nhà nước, vừa phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Ngoài các chương trình tiếng phổ thông, các chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng phần nào nhu cầu thông tin của đồng bào, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
“Từ ngày Đài TNVN phát sóng chương trình tiếng Tày, Nùng giúp bà con ở nơi xa chúng tôi cũng nghe được, biết được thêm nhiều thứ, chúng tôi vui lắm. Chúng tôi rất vui mừng và mong Đài TNVN tiếp tục có các chương trình mới để chúng tôi ở miền núi, nơi xa có thêm nhiều thông tin, kiến thức, học tập về cách làm ăn cho đời sống tốt hơn”, bà Bế Thị Điều, hiện sống tại xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cho biết.
Bên cạnh không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng chương trình, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng hết sức chú trọng việc đưa được thông tin đến với người nghe. Mới đây nhất, tháng 4/2021, Trung tâm phát sóng Quốc gia Chiêu Lầu Thi, thuộc xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đi vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng phủ sóng phát thanh tại khu vực miền núi phía Bắc.
“Bắt sóng từ trạm Chiêu Lầu Thi, nghe rõ các chương trình của Đài. Nhờ Chiêu Lầu Thi, bà con nghe, biết các tin tức kinh tế văn hóa xã hội, hát then, lượn và chương trình khác”, ông Vàng Đức Quy, ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang phấn khởi.
May mắn được nghe "Tiếng nói Việt Nam" từ những chương trình phát sóng đầu tiên qua chiếc loa công cộng duy nhất ở thị xã Bắc Kạn, đến hôm nay, chiếc radio nhỏ đã trở thành vật bất ly thân của ông Nguyễn Quân. Dù vậy, trước sự bùng nổ của các loại hình truyền thông giải trí, đặc biệt là mạng xã hội, người lính cựu cũng không ít suy tư, trăn trở: “Những phương tiện nghe nhìn bây giờ cũng rộng rãi, đa dạng. Đài TNVN vẫn là nơi định hướng, đưa những thông tin chính xác nên mình phải làm sao phát huy được điều đó, cho nguồn tin của mình có một giá trị thiết thực, đáp ứng được thực tế nhu cầu hàng ngày của đời sống nhân dân”.
Hơn 3/4 thế kỷ dựng xây và trưởng thành, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn khẳng định là cơ quan thông tin đại chúng quan trọng, đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng; vừa truyền đạt quan điểm đường lối của Đảng, các chủ trương chính sách của Nhà nước, vừa phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng. Đây cũng là nhiệm vụ, là trách nhiệm để Đài Tiếng nói Việt Nam nỗ lực hơn nữa, đổi mới hơn nữa nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn sự kỳ vọng của nhân dân với làn sóng phát thanh Quốc gia./.