Dư âm Đại hội Đảng XII: Hãy tin vào sự phản biện của Dân

VOV.VN - Mỗi người dân có một bộ lọc, phân biệt đúng sai để xử thế. Hãy tin vào sự phản biện của Dân.

Từ ngày có Đảng, có Bác Hồ, có Cách mạng đến nay sống trong Đổi mới toàn diện, hội nhập sâu rộng với thế giới, người dân Việt Nam đã trải qua ba thời kỳ với nhận thức, tình cảm khác nhau.

Thời kỳ làm Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trải qua hai cuộc chiến tranh Vệ quốc, nhân dân ta một lòng theo Đảng, theo lãnh tụ tối cao Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nên chiến thắng. Mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà Đảng là người lãnh đạo, tập hợp triệu người như một trở thành sức hút diệu kỳ. Thời kỳ Đảng sống trong lòng dân. Thời kỳ vàng son “dân đặt trọn niềm tin với Đảng”.

Phiên bế mạc Đại hội XII của Đảng. (Ảnh: Xuân Tuyến)

Những năm tháng ấy, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) truyền đi câu nói cửa miệng của dân “Nhờ ơn Đảng, ơn Chính phủ, ơn Cụ Hồ cho tôi được cơm no áo ấm, con cái được học hành như ngày nay”. Ấy là tuyên ngôn của ân nghĩa, là niềm tin son sắt, không sáo rỗng, đầu môi chót lưỡi chút nào. Tấm lòng của Dân là thế.

Thời kỳ thế giới sống trong “chiến tranh lạnh” giữa hai phe Tư bản chủ nghĩa và Chủ nghĩa xã hội, dân ta sống ngột ngạt trong cơ chế “kế hoạch hóa cao độ, tập trung quan liêu bao cấp”. Đất nước đã thống nhất mười năm, sống trên vựa lúa đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng màu mỡ mà Thủ tướng Chính phủ phải chạy ăn cho dân “từng bữa toát mồ hôi”.

Từ cái kim, sợi chỉ, tấm áo may ô, khăn mặt, xà phòng, thuốc đánh răng đến căn nhà cấp bốn đều phân phối. Công đoàn không chia nổi thì bắt thăm. Chế độ tem phiếu phân biệt: cao A, B,C cho cán bộ trung cao cấp, thấp nhất cho Nhân dân đã tạo nên một khoảng cách không chỉ quyền lợi, vật chất mà còn đau xót hơn là khiến lòng dân xa Đảng.

Ngày ấy, có một câu nói dân gian, không muốn nhắc lại vì xấu hổ và xót xa: “Cái gì cũng phân mà phân như cứt”. Ngày ấy lạm phát 750 %, hết “bù giá vào lương” lại hai lần đổi tiền. Đủ trăm bề gỡ rối cho dân cho nước mà lãnh đạo phải thốt lên là “đất nước đang rơi tự do xuống tận đáy”. Chúng ta thực sự khủng hoảng toàn diện, thực sự chịu đựng và mò mẫm tìm lối ra, nhưng không ai dám nói ra, sợ kẻ thù lợi dụng. Dân kêu khổ và bắt đầu than vãn, oán trách.

Cảnh chen chúc mua hàng Tết thời bao cấp. (Ảnh tư liệu)

Ngày ấy truyền thông báo chí chỉ một giọng tuyên truyền từ trên xuống theo mệnh lệnh. Phàm là tư bản, đế quốc chỉ có xấu, đã là Xã hội chủ nghĩa chỉ có tốt đẹp trở lên. Tháng 5/2002, tôi có dịp sang nước Mỹ, đi dạo bên bờ sông Potomac, nhà báo, nhà văn Laydy Boston nói nhỏ “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ”. Câu thơ của một người làm chính trị đẫm chất phản biện bật ra, một thời coi là “phản động”.

Ngày ấy, cuối đường hầm bật ra tia lửa nhỏ: “khoán hộ” của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc. Dư luận xôn xao. Nông dân ủng hộ. Báo chí, Phát thanh mạnh dạn vượt qua vòng kim cô “rừng cấm”, “nhạy cảm” phản ánh đích thực cuộc sống, thổi bùng ngọn lửa mới, dù là nhỏ nhoi, le lói ban đầu. Dù có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, thậm chí đối chọi nhau tận Trung ương, nhưng cuối cùng Đảng đã nghe theo tiếng nói của cuộc sống, của lòng dân đã thận trọng đúc rút thực tiễn cho ra chính sách mới. “Chỉ thị 100, khoán 10”. Nghị quyết đại hội VI của Đảng (1986) đã bừng sáng Đổi mới, bắt đầu từ “tư duy”, cái lạch cửa đầu tiên vô cùng quan trọng, khó vượt qua.

Bước qua cửa ải đầu tiên, chúng ta dứt khoát xóa bỏ “kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp”, bỏ lại đằng sau “tập thể chủ nghĩa”, cái gì cũng “cùng nhau họp bàn” để xây dựng “ba lợi ích”: Nhà nước, cộng đồng, cá nhân, trong đó lợi ích cá nhân được tôn trọng, được khẳng định. Một vị Phó thủ tướng lúc bấy giờ nói rõ ràng rằng: “Người lãnh đạo giỏi bây giờ là phải biết điều hành hài hòa “ba lợi ích”.

Người nông dân bình thường nhất cũng nhận ra và ghi tạc công ơn Đổi mới của Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tôi cùng nhà báo kỳ cựu Đoàn Quang Long về Vĩnh Linh, Quảng Trị công tác. Ông hỏi mẹ tôi: “Nhà bà vụ này cấy được mấy sào ruộng?” Không chần chừ, mẹ tôi trả lời nhà báo ngay: “Ơn Đảng, ơn Chính phủ, gia đình tôi cấy được mươi thước “một trăm”, một sào “Mười” với mấy miếng “Nghị quyết sáu”.

Cả tôi và anh Quang Long ngạc nhiên. Thì ra chính sách hay, thiết thực của Đảng ngấm vào từng thước đất, ghi dạ lòng dân. Và tôi càng không ngạc nhiên khi chứng kiến người nông dân thắp một nén hương tưởng nhớ ông Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc trong ngày lễ, Tết. Người dân công bằng lắm. Luôn luôn ghi lòng tạc dạ: Bác Hồ là anh hùng Giải phóng Dân tộc, Võ Nguyên Giáp là Đại tướng của Nhân dân, Trường Chinh mạnh dạn, dũng cảm viết lại báo cáo chính trị để có Nghị quyết mở đường Đổi mới, Nguyễn Văn Linh nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nói là làm, trước hết từ “những việc cần làm ngay. Nguyễn Văn Linh gắn liền với “N – V – L”. Dân ta biết hết.

Ngày nay, đầu thế kỷ XXI này càng biết nhiều hơn, khi Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng Internet chiếm tỷ lệ cao trên thế giới. Khi mà hàng ngày, hàng giờ người dân tiếp thu thông tin qua báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, trang mạng xã hội. Khi mà thông tin đa chiều, phong phú, cập nhật từng phút, từng giây thì quan điểm về cung cấp thông tin và tiếp nhận thông tin phải khác, rất khác trước.

Cái gì thuộc bí mật Quốc gia, phải cấm thì cấm riết bằng hàng rào pháp luật. Ai vi phạm sẽ nghiêm trị. Thông tin chính thống phải được phát đi từ cơ quan có trách nhiệm: nhanh nhất, kịp thời, chính xác. Làm được như vậy thì ai đó, kẻ nào đó muốn xuyên tạc, bóp méo sẽ bị dư luận lên án, bác bỏ.

Dân bây giờ khác trước nhiều lắm. Kiến thức văn hóa nhiều hơn, ý thức, trách nhiệm cá nhân cao hơn. Khát vọng hòa bình, ý chí bảo vệ chủ quyền Quốc gia, mưu cầu hạnh phúc không chỉ là sẵn sàng cầm súng “khi Tổ quốc gọi tên mình” mà còn là đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý, cạnh tranh quyết liệt trên thương trường trong nước và quốc tế. Trong một sân chơi bình đẳng mang tính toàn cầu thì chiến thắng thuộc về kẻ mạnh. Nếu yếu thế, kém lực thì không chỉ thua trên “sân người” mà phải cay đắng chịu thua trên “sân nhà”.

Ý thức được điều đó nên người dân rất quan tâm đến Đại hội Đảng lần thứ XII cả chủ trương, đường lối và nhân sự cấp cao. Ai đó nói rằng người dân, nhất là lớp trẻ không quan tâm đến thế sự, không bàn bạc về Đảng, về Đại hội Đảng là chủ quan, chưa đúng. Những người hiểu biết nhiều và quan tâm đến chính trị dõi theo từng Hội nghị Trung ương cho đến ngày bế mạc Đại hội XII của Đảng. Người dân đòi hỏi nhiều ở Đảng, đặc biệt là phải Đổi mới quyết liệt hơn, toàn diện hơn, nhịp nhàng cả hai chân Chính trị và Kinh tế.

Người dân đòi hỏi Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có đầy đủ đạo đức, bản lĩnh, năng lực lãnh đạo để thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, đường lối, chủ trương, quyết sách của Đại hội Đảng đề ra. Một khi Đảng cầm quyền, đại diện cho Quốc gia, Dân tộc, Nhân dân thì đặt niềm tin vào Đảng và Đảng được dân tin không chỉ là niềm tin chiến lược mà phải thể hiện cụ thể trong từng bước đi của dân tộc, trong từng bữa ăn, nhịp sống phong phú của Dân.

Khi dân nói kiên quyết không đưa những ai kém năng lực, tham nhũng, bè cánh, lợi ích nhóm, suy giảm đạo đức vào Ban Chấp hành Trung ương cũng là nhắn gửi khi kết nạp một người vào Đảng cũng phải như thế. Không được lợi dụng uy của Đảng để cơ hội, kiếm lợi ích riêng.

Mỗi người dân có một bộ lọc, phân biệt đúng sai để xử thế. Hãy tin vào sự phản biện của Dân./.                                                                                

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên