Nhân sự trong cơ cấu cứng vẫn trượt cấp uỷ, nguyên nhân do đâu?
VOV.VN - Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng không chỉ tuân thủ chặt chẽ theo quy trình, quy định, mà còn đòi hỏi sự công tâm, trách nhiệm của cấp ủy.
Việc chuẩn bị nhân sự trước mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là nhân tố then chốt, không chỉ cho thành công Đại hội mà thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội đề ra. Tuy nhiên, nhìn lại Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở cho thấy, có những Đại hội không tiến hành bầu chức danh chủ chốt (Bí thư, Phó Bí thư) tại phiên họp thứ nhất Ban chấp hành khóa mới.
Cá biệt đã có một số trường hợp kết quả bầu Ban chấp hành, Ban Thường vụ không đúng với đề án nhân sự được cấp ủy khóa cũ chuẩn bị và cấp ủy cấp trên phê duyệt. Thực tế đó đòi hỏi công tác chuẩn bị nhân sự không chỉ tuân thủ chặt chẽ theo quy trình, quy định, mà còn đòi hỏi sự công tâm, trách nhiệm của chính các cấp ủy trong quá trình chuẩn bị.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương. |
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương lập luận, một đại hội mà bầu thiếu cấp ủy không thể nói thành công. Một Đại hội mà những đồng chí chủ chốt được cấp ủy giới thiệu với Đại hội để tái cử mà lại không trúng cử thì cũng không thể cho là đại hội thành công.
Thậm chí Đại hội bầu ra cấp ủy, nhưng để lọt một số người không xứng đáng, những người vi phạm, những người có biểu hiện cơ hội, tham nhũng, mất uy tín trong đảng, trong nhân dân thì cũng không khẳng định là đại hội thành công tốt đẹp.
Nhìn lại Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở, ở một số nơi nhân sự dự kiến trượt cấp ủy không phải là chuyện hiếm ở kỳ Đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, điều này cũng thể hiện dân chủ trong Đảng và ý chí của Đại hội được phát huy.
Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy khẳng định vấn đề nhân sự do các cơ quan chuẩn bị, nhưng việc sàng lọc, đánh giá công tâm chính xác là phải do Đại hội. Việc một số đại biểu không trúng đã thể hiện tính dân chủ, sự sáng suốt. Chính vì thế cần Đại hội, cần số dư để đại hội lựa chọn những người có uy tín, tiêu chuẩn, xứng đáng trao gửi niềm tin.
"Tuy nhiên, cũng cần rút kinh nghiệm, đối với nhân sự chủ chốt phải chuẩn bị kỹ lưỡng để khi và bầu được suy tôn xứng đáng, tránh tình trạng đến Đại hội bầu không trúng mà lại để đảm bảo cơ cấu lãnh đạo phải chỉ định. Tôi cho rằng, vấn đề này cần rút kinh nghiệm sâu sắc” - ông Trần Văn Túy nêu quan điểm.
Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến nhân sự dự kiến trượt cấp ủy, đó là do nhân sự chưa được chuẩn bị kỹ; cán bộ luân chuyển không đủ thời gian “chín” nên chưa được thừa nhận. Đó còn là việc nắm tình hình chưa sát nên đề cử chưa đúng.
Ở đây còn có biểu hiện lách quy trình, khi đưa người nhà, người thân quen vào cấp ủy, nhưng không được Đại hội thừa nhận. Cũng có tình trạng ở những nơi mâu thuẫn cục bộ, mất đoàn kết, tình trạng vận động, bè phái, dẫn đến lệch phiếu bầu...
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, những vị trí được chuẩn bị nhân sự, thậm chí là cơ cấu cứng mà không trúng cử là câu chuyện cần xem xét.
"Như vậy có thể chuẩn bị nhân sự chưa thật sự kỹ lưỡng. Nhân sự chuẩn bị chưa thật là "chín" hoặc lựa chọn nhân sự chưa thực sự phù hợp hoặc không có đủ uy tín cần thiết để hội tụ đủ tín nhiệm của đại biểu. Tôi cho đó là cần phải lưu ý đến câu chuyện lựa chọn nhân sự” - ông Phạm Tất Thắng nói.
So sánh các bước chuẩn bị nhân sự cho thấy, với quy trình 3 bước ở nhiệm kỳ Đại hội khóa 12 thì lần này, Bộ Chính trị đã quy định cụ thể đối với nhân sự tái cử và lần đầu tham gia cấp uỷ được thực hiện theo 5 bước. Với quy trình 5 bước, đã mở rộng công khai dân chủ trong quy trình nhân sự. Mặc dù quy trình chặt chẽ hơn, dân chủ mở rộng hơn nhưng để hiệu quả thì cốt lõi vẫn là vai trò của người đứng đầu, tính tự giác, trách nhiệm với từng cương vị của cán bộ đảng viên.
Những tồn tại trong công tác chuẩn bị nhân sự vừa qua tuy chỉ là cá biệt nhưng lại có tác động không nhỏ đến kết quả của Đại hội, đến uy tín của tổ chức đảng. Điều này cho thấy công tác chuẩn bị nhân sự cần phải theo đúng nguyên tắc, quy trình và quy định. Bên cạnh đó cũng cần phải có giải pháp, chế tài xử lý đối với người đề cử, tiến cử khi nhân sự được giới thiệu không hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là yêu cầu đặt ra để các cấp ủy chuẩn bị tốt hơn cho Đại hội tiếp theo./.