“Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”
VOV.VN - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là 1 trong 5 tác phẩm tiêu biểu được xếp hạng là bảo vật quốc gia, có giá trị lý luận và thực tiễn không chỉ cho giai đoạn cách mạng đã qua, mà còn cho cả những chặng đường sắp tới của cách mạng Việt Nam.
Một trong những lời căn dặn tâm huyết của Người thể hiện sâu sắc trong bản Di chúc của đó là vấn đề đạo đức cách mạng. Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Ông Đỗ Hoàng Linh – Phó Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ vững tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định về tư cách của Đảng cầm quyền, trong đó nền tảng là đạo đức của đảng viên.
Người nói, muốn gánh vác được trách nhiệm của một Đảng cầm quyền, đảng viên cần có đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
“Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Nói và làm nhất quán, cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ý thức về hai chữ “cộng sản”, luôn gìn giữ đạo đức cao đẹp, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và dùng 8 chữ đó để giáo dục cán bộ, nhân dân.
Đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Người rất sâu sắc, toàn diện và mang tính thiết thực, tuy ở mỗi giai đoạn lịch sử, tùy theo yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp cách mạng, những tiêu chí của đạo đức được bổ sung thêm, nhưng nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng không thay đổi.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đã đưa ra nhiều giải pháp để giữ vững vai trò tiên phong lãnh đạo, trong đó nhấn mạnh vấn đề đạo đức. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII ra Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và kể từ đó đến nay, cuộc chiến đấu chống tiêu cực, tham ô, lãng phí, quan liêu, thoái hóa trong tổ chức Đảng diễn ra quyết liệt, nóng hổi, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, làm cho quần chúng nhân dân hồ hởi, phấn khởi, ủng hộ, dõi theo từng ngày và qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng.
Theo GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, cần- kiệm- liêm- chính là 4 chuẩn mực của đạo đức cách mạng, mà sinh thời, Bác nhấn mạnh phải có 4 đức mới là người, thiếu 1 đức thì không thành người.
GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương. |
Hiện nay, chúng ta đang ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống lại tất cả những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính càng đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ hiện nay phải biến thành nhu cầu, tình cảm, tư tưởng của mỗi người, của mỗi tổ chức, mỗi cơ quan. Tức là biến việc học tập, làm theo Bác như một nhu cầu văn hóa, yếu tố tự giác của mỗi người, thúc đẩy nội tâm bên trong của mỗi con người. Học tập, làm theo Bác là học tư tưởng chứ không chỉ riêng đạo đức và tấm gương đạo đức.
"Hãy học Bác ở phương châm “nói đi đôi với làm”, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, một tấm gương sống còn quý hơn cả trăm bài diễn văn” – GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, lịch sử nhân loại đã chứng minh những giá trị bất hủ trường tồn cùng thời gian, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong trường hợp này, không chỉ có giá trị về lý luận mà còn có giá trị thực tiễn.
Nhìn vào lịch sử văn hóa nhân loại cho thấy, những tác phẩm kinh diển của Mác, Angghen và Lenin cách đây hàng trăm năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị sống động. Với bản Di chúc, soi rọi với thực tiễn đất nước ta với nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay, dù đã trải qua 50 năm nhưng bản Di chúc vẫn giàu tính thực tiễn, không bị mờ phai trong đà tiến như vũ bão của khoa học kỹ thuật, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4./.
Nhận thức sâu sắc hơn giá trị thực tiễn của Di chúc Bác Hồ
Di chúc của Bác có ý nghĩa đặc biệt đối với công tác xây dựng Đảng