Quảng Ninh: Được dân bầu làm Trưởng thôn mới làm Bí thư Chi bộ
VOV.VN -Việc hợp nhất chức danh Trưởng khu kiêm Bí thư Chi bộ thông qua bầu dân chủ, do dân chọn, xuất phát từ nhân dân.
Nâng cao năng lực theo mô hình “hai trong một”
Ông Nguyễn Văn Hấn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố 6, thuộc phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Thực hiện mô hình Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng khu phố theo Đề án 25 của Tỉnh ủy Quảng Ninh, thời điểm cuối năm 2014, toàn bộ các khu phố phường Nam Hòa bầu lại chức danh Trưởng khu. Trên cơ sở Đề án 25 của Đảng ủy phường Nam Hòa, Chi bộ khu phố 6 đã giới thiệu đảng viên ra ứng cử Trưởng khu, đồng thời dự kiến nhân sự ứng cử chức danh Bí thư Chi bộ tại đại hội được tổ chức và bầu.
Việc bầu chức danh Trưởng khu được nhân dân và tổ chức vào ngày 23/10/2014, sau đó Đại hội Chi bộ bầu vào ngày 10/1/2015. Trên cơ sở giới thiệu của Chi bộ, Ban công tác mặt trận khu phố đã tiến hành hiệp thương và thực hiện quy trình bầu cử và ông Nguyễn Văn Hấn đã trúng cử chức danh Trưởng khu phố 6. Tới Đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2020, ông được Chi bộ tiếp tục giới thiệu và bầu chức danh Bí thư Chi bộ. Với vai trò, nhiệm vụ được phân công, ông vừa là người được phân công lãnh đạo, chỉ đạo, cũng là người trực tiếp triển khai thực hiện nghị quyết của Chi bộ.
Theo ông Nguyễn Văn Hấn, vị trí “hai trong một” đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương, chỉ đạo từ Chi bộ tới việc thực hiện, nắm rõ tư tưởng, tình hình của nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, không phải qua nhiều công đoạn xin chủ trương. Việc vừa xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, vừa trực tiếp chỉ đạo cán bộ đảng viên và nhân dân không qua nhiều cầu chuyển tải, tránh sai lệch, góp phần gắn kết giữa Đảng với quần chúng với nhân dân, đem lại niềm tin cho nhân dân. Là người trực tiếp phân công nhiệm vụ cho các đoàn thể, ông nhận thấy hiệu quả công việc sẽ được nâng cao; đồng thời với vai trò Trưởng khu trong công tác chỉ đạo, tự quản sẽ phát huy được sự vào cuộc của cả cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ tích cực hơn.
Hiệu quả từ Đề án 25
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, thực hiện Đề án 25 ("Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế"), Tỉnh ủy Quảng Ninh hướng đến mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối của các Ban Đảng, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt về năng lực, sức chiến đấu; sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm…
Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Lý do quan trọng nhất hiện nay là phải nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng. Qua nghiên cứu, tổng kết thực tiễn chúng tôi thấy còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan tham mưu của Đảng với các cơ quan thực thi, chính quyền. Chính việc chồng chéo này tạo ra độ phình về biên chế và bố trí cán bộ trong hệ thống chính trị. Đây là thực tiễn rất cụ thể ở Quảng Ninh đã được chỉ ra trong Đề án 25”.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhận định: Việc đổi mới, cắt giảm khâu trung gian là việc làm khó và được đặt ra ở nhiều kỳ đại hội, nhưng chưa làm được một cách triệt để, tích cực và có hiệu quả. Khâu trung gian chưa hợp lý trong bộ máy là tất yếu trong quá trình vận hành, đây là quy luật. “Tôi nghĩ trong quá trình phát triển, xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị sẽ vận hành theo một quy trình động. Quá trình vận hành như vậy luôn có những mặt tích cực và sẽ tiếp tục duy trì; những điểm mâu thuẫn, hạn chế, yếu kém thì phải giải quyết và khắc phục để hiệu quả hơn. Điều này không có gì bức xúc nhưng cũng không nên quá chậm trễ. Đây là chỉ đạo xuyên suốt của chúng tôi” – ông Phạm Minh Chính nói.
Nói về mô hình tinh giảm khâu trung gian theo Đề án 25 của Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính phân tích: “Hiện nay chúng ta đang thực hiện đổi mới hệ thống chính trị. Đặc biệt ở cơ sở, qua Đề án 25, chúng tôi thấy vấn đề dân chủ rất cần phải giải quyết. Vì vậy trong Đề án của mình, chúng tôi tập trung vào việc cần phải tăng cường dân chủ trực tiếp ở cơ sở, đặc biệt trong dịp bầu Trưởng khu, Trưởng thôn, cũng như Đại hội Chi bộ cấp cơ sở. Chúng tôi đang chỉ đạo theo tinh thần Chi bộ, hay cấp ủy (cấp cơ sở) giới thiệu đảng viên có số dư xuống hiệp thương với ban công tác mặt trận và nhân dân để có danh sách bầu cử trực tiếp của nhân dân. Sau đó nhân dân được bầu cử trực tiếp. Đồng chí nào trúng Trưởng thôn, Trưởng khu, thì chúng tôi trở lại đại hội Chi bộ và bầu vào chức Bí thư Chi bộ. Như vậy được 2 mục tiêu là do dân chọn, dân cử và hợp nhất được chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu, Trưởng thôn thông qua bầu dân chủ, xuất phát từ nhân dân, do dân./.