“Quy trình không có nghĩa gì nếu người đứng đầu không công minh”
VOV.VN - Quy trình được xây dựng để hướng dẫn cho một cách làm dân chủ. Vấn đề quan trọng nhất là con người thực hiện quy trình để đảm bảo dân chủ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM nhấn mạnh điều này và cho rằng, với cán bộ thì quy trình thôi chưa đủ.
Quy trình không có ý nghĩa nếu thiếu công minh
PV: Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đề cập rất rõ việc nâng cao chất lượng cán bộ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng nhấn mạnh sẽ loại bỏ cán bộ thoái hoá ra khỏi bộ máy. Bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Công tác cán bộ, tổ chức bộ máy là vấn đề rất lớn, qua từng thời kỳ có đổi mới để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, sự đổi mới đó chưa đáp ứng mong muốn của nhân dân nói chung và yêu cầu của sự phát triển nói riêng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM |
Một trong những vấn đề vừa qua được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều đó là kỷ cương phép nước, phòng chống tham nhũng, ý thức triển khai nghị quyết của Quốc hội hiệu quả chưa cao.
Tất cả vấn đề đó hạn chế ở đâu, sai sót chỗ nào thì theo tôi nghĩ đó chính là trách nhiệm của người đứng đầu, từng cấp uỷ, chính quyền. Mỗi việc xem lại thì “đúng quy trình” nhưng đúng quy trình trong cái tâm của mình nó lại khác, nên vẫn để lọt lưới cán bộ không đủ phẩm chất vào bộ máy; xử lý kỷ luật còn nương nhẹ, sợ động chạm.
Theo tôi, với cán bộ thì quy trình thôi chưa đủ. Quy trình đó được xây dựng ra để hướng dẫn, định hướng cho một cách làm dân chủ. Vấn đề quan trọng nhất là con người thực hiện quy trình để đảm bảo dân chủ thực sự.
PV: Quyết tâm chính trị rất lớn và cán bộ tốt hay xấu thì dân đều biết. Vậy, tại sao bấy lâu nay ta không xử lý tốt bộ phận cán bộ yếu kém này, thưa bà?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Trong bộ máy có rất nhiều người mẫn cán, phục vụ nhân dân, làm không kể giờ giấc. Rất nhiều cán bộ được đào tạo một cách chính quy, có kinh nghiệm thực tiễn, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt thì chúng ta mới có sự phát triển như hiện nay.
Tuy nhiên, cũng cần khẳng định, với tiềm lực, thuận lợi của đất nước mình, với lòng dân tốt như đất nước mình thì nếu đội ngũ cán bộ mẫn cán hơn thì đất nước sẽ phát triển nhiều hơn, hay không có những vụ việc như dự án không hiệu quả gây lãng phí lớn, tham nhũng, phục vụ không đến nơi đến chốn....
Rõ ràng bộ phận yếu kém đó đang tồn tại và tôi cho rằng trách nhiệm của người đứng đầu là chính và cơ chế. Để đánh giá cán bộ dưới quyền qua rất nhiều khâu, trong đó có yếu tố tập thể. Tôi cho rằng đây là hai mặt của một vấn đề. Cần cơ chế tập thể để tránh việc anh độc đoán, nhưng nếu không giao quyền, giao không gian cho người đứng đầu chịu trách nhiệm với quyết định của mình thì việc lấy tập thể để núp bóng, làm bình phong cho tiêu cực, tham nhũng trong vấn đề tổ chức bộ máy cán bộ sẽ còn.
Cần cơ chế, hành lang pháp lý cũng như nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Và cuối cùng, tôi dùng từ LỰA để bổ nhiệm những người đứng đầu có tâm và có tầm, có đạo đức. Quy trình không có nghĩa gì nếu người đứng đầu và tập thể không công minh.
“Có kênh cho người dân góp ý thì mình sẽ tốt lên”
PV: Gần đây chúng ta hay nghe đến cụm từ kiểm soát quyền lực. Bà cũng từng đặt vấn đề trên diễn đàn Quốc hội về vai trò của nhân dân trong kiểm soát. Theo đại biểu, làm thế nào để phát huy vai trò này?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nói sẽ nghiên cứu vấn đề kiểm soát. Hiến pháp thể hiện và luật cũng đề cập nhưng kiểm soát như thế nào thì phải rất cụ thể mới thực hiện được.
Theo tôi, trong toàn bộ cơ chế kiểm soát quyền lực đó phải có cơ chế để người dân tham gia. Cốt lõi để nhân dân kiểm soát, giám sát là tính minh bạch, công khai. Không phải cứ công khai ra là thôi mà thông tin đó phải đến với dân, dân hiểu và dân giám sát. Tức phải tổ chức cho nhân dân giám sát chứ không phải trao quyền cho nhân dân rồi thôi.
Do đó mà tôi mới nói trên diễn đàn Quốc hội là phát huy vai trò Mặt trận, các đoàn thể nhân dân, tổ chức hội đoàn quần chúng để người ta tổ chức cho nhân dân giám sát.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu trên nghị trường |
PV: Là Đại biểu Quốc hội từ khoá XIII và là người đứng đầu cơ quan dân cử ở địa phương lớn, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của TPHCM?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: TPHCM phát huy rất rộng để nghe được tiếng nói của người dân.
Các chủ trương lớn thì Thành uỷ đều lắng nghe tiếng nói của Mặt trận, đoàn thể và sự phản biện của các liên hiệp hội, nhà khoa học. Lãnh đạo Thành phố tổ chức tiếp dân và giải quyết được nhiều vấn đề.
HĐND - cơ quan tôi đang làm việc thì định kỳ có 2 diễn đàn để lắng nghe tiếng nói nhân dân: Trao đổi trực tiếp trên Đài tuyền hình và “đối thoại cùng chính quyền thành phố” trên VOH... Người dân nêu vấn đề trực tiếp thì người có trách nhiệm trả lời trực tiếp và HĐND là cơ quan giám sát quá trình thực hiện đó.
Trong cuộc sống có nhiều vấn đề phát sinh không thể lường hết được, nhưng mình biết lắng nghe dân, có không gian cho người dân góp ý, từ đó nắm bắt xử lý vấn đề, bảo vệ quyền lợi người dân. Phải có cơ chế để người dân góp ý thì mình sẽ tốt lên.
PV: Với những quyết tâm chính trị rất lớn cùng những thông điệp và hành động mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ thể hiện thời gian qua, bà kỳ vọng như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Sống phải có niềm tin, nhưng niềm tin phải có cơ sở. Tôi nghĩ rằng quyết tâm chính trị của Đảng, Quốc hội và Chính phủ không phải bây giờ mới có, vấn đề là chúng ta tìm thấy trong đó ý chí có muốn triển khai điều đó hay không để gửi gắm niềm tin.
Tôi thấy rằng càng ngày ý chí muốn triển khai Nghị quyết hay lời nói, thông điệp đưa ra tốt hơn và tạo cho tôi niềm tin. Bởi đôi khi cũng có vấn đề chúng ta đưa ra nhưng làm không đồng bộ, chưa đến nơi đến chốn nên khó đi vào cuộc sống, nhân dân thiếu niềm tin. Đảng ta thấy được điều đó và Nghị quyết Khoá XII nhận định rõ là phải hành động và tôi kỳ vọng quyết tâm hành động sẽ cao hơn nữa.
Tôi cũng muốn nói quyết tâm hành động không phải chỉ Trung ương Đảng, của Quốc hội hay Chính phủ mà phải của từng cán bộ. Muốn thế phải có hành lang pháp lý đủ mạnh để phân định cho được người giỏi – người dở, người làm tốt – người làm không tốt, người liêm chính – người tham nhũng... thì quyết tâm hành động mới đồng bộ./.
PV: Xin cảm ơn bà!./.
“Lãnh đạo gương mẫu, thượng tôn pháp luật thì không ai dám nhờn”