Tăng cường quan hệ Việt Nam – Liên minh châu Âu
(VOV) -Trong hơn 20 năm qua, quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng.
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Bỉ Elio Di Rupo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, ngày 17/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu. Chuyến thăm này là dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy và mở rộng hợp tác giữa Việt Nam với Bỉ và Liên minh châu Âu.
Đây là chuyến thăm các nước Tây Âu lần đầu tiên của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ta trong năm 2013.
Trong hơn 20 năm qua, quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng. Lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng và tăng cường hợp tác nhiều mặt để tương xứng với tiền năng và vị thế của hai bên. Hiện nay, EU với 27 thành viên, là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế- thương mại. Đây cũng là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam – EU.
Riêng 8 tháng đầu năm 2012, thương mại hai chiều đã đạt trên 18 tỷ USD, tăng 23,12% so với cùng kỳ năm 2011 - Ảnh minh họa |
Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng. Cụ thể năm 2010 đạt 17, 75 tỷ USD, năm 2011 đạt hơn lên 24 tỷ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2012, thương mại hai chiều đã đạt trên 18 tỷ USD, tăng 23,12% so với cùng kỳ năm 2011. EU là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng… chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu.
Đặc điểm nổi bật trong thương mại hai chiều Việt Nam - EU là tính bổ sung cao, ít cạnh tranh. Việt Nam liên tục xuất siêu sang EU, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, mức xuất siêu trung bình từ 3-5 tỷ USD, tương đương với 50% kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa chất lượng cao, thực phẩm sạch, thủ công mỹ nghệ, giảm tỷ trọng hàng chất lượng trung bình, hàng nông sản thô.
Ủy ban châu Âu (EC) và các nước thành viên EU là những nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA cho Việt Nam và là những nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với tổng số vốn ODA cam kết từ năm 1996 - 2012 là hơn 13 tỷ USD. Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU thể hiện đặc biệt rõ trong việc đạt tới Hiệp định đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) ký kết tháng 6/2012 đánh dấu một bước phát triển quan trọng, tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU phát triển mạnh mẽ và thực chất trong thời gian tới.
Tháng 10/2012, sau quá trình khởi động, Việt Nam và EU đã tiến hành đàm phán phiên đầu tiên tại Hà Nội về Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Liên minh châu Âu thường xuyên có các cuộc tiếp xúc và thăm viếng lẫn nhau. Gần đây nhất, tháng 10/2012, Ngài Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu sang thăm Việt Nam. EU đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, nhất là khi Việt Nam đang đảm nhiệm vị trí điều phối quan hệ ASEAN- EU và đại diện của Việt Nam giữ cương vị Tổng Thư ký ASEAN.
EU và các nước thành viên mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, từ đó trở thành cầu nối thúc đẩy quan hệ EU – ASEAN. Điều này phù hợp với việc chuyển dịch trọng tâm của EU sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Là một thành viên của Liên minh Châu Âu, Vương quốc Bỉ cũng có những đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ với Việt Nam. Vương quốc Bỉ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/3/1973. Từ năm 1992 đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính trị- ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển và giáo dục- đào tạo; tăng cường hợp tác giữa các vùng, địa phương của hai nước, nhất là giữa Việt Nam với 3 vùng Wallonie, Flanders và Brussels của Bỉ.
Cộng đồng doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tìm hiểu cơ hội kinh doanh đầu tư, nhất là trong những lĩnh vực ưu tiên như phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, công nghệ xanh, y tế và giáo dục- đào tạo. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt 1,6 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sau khi vào Bỉ tiếp tục được đưa sang các nước Tây Âu khác. Vì vậy, tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng lại là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU.
Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Bỉ về Hợp tác kinh tế, Ủy ban Hỗ hợp Việt Nam- Bỉ về Hợp tác phát triển là những cơ chế trao đổi giữa hai nước để tăng cường hợp tác. Việt Nam là đối tác duy nhất của Bỉ tại khu vực châu Á trong viện trợ phát triển. Trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, hiện nay, hàng năm Bỉ dành cho Việt Nam 40 suất học bổng đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo của Bỉ. Về quan hệ Đảng, hiện nay, Đảng ta có quan hệ với 2 đảng chính trị tại Bỉ là Đảng Lao động Bỉ và Đảng Xã hội.
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với EU; cam kết thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với EU, phát huy vai trò là nước điều phối để thúc đẩy quan hệ ASEAN- EU, cùng nhau thảo luận để thúc đẩy triển khai hiệu quả một số chương trình, dự án cũng như trao đổi một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Đối với vương quốc Bỉ, chuyến thăm sẽ tăng cường quan hệ chính trị làm cơ sở cho quan hệ lâu dài trên các mặt hợp tác như kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra đúng vào năm hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao nên các nhà Lãnh đạo hai nước cũng sẽ xem xét khả năng nâng cấp nội dung và khuôn khổ quan hệ song phương trên một số lĩnh vực.
Chúng ta tin tưởng và chúc chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành công tốt đẹp, mang lại những động lực mới mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị ngày càng tốt đẹp, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, vì lợi ích của Việt Nam, EU và Vương quốc Bỉ./.