Văn kiện Đại hội XIII: Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập
VOV.VN - Việt Nam mong muốn có một môi trường hòa bình, chủ động tham gia vào việc xây dựng, gìn giữ môi trường hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội 13, GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, so với nhiệm kỳ XII, chủ đề của Dự thảo Văn kiện trình Đại hội 13 giữ nguyên thành tố “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” và phát triển các thành tố còn lại của chủ đề Đại hội XII.
Gìn giữ môi trường hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế
GS.TS Phạm Quang Minh nhận định: Tính tiếp diễn của dự thảo Văn kiện Đại hội XIII cho thấy, Việt Nam mong muốn có một môi trường hòa bình, chủ động tham gia vào việc xây dựng, gìn giữ môi trường hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy Việt Nam đã chủ động, tích cực cùng các nước thành viên của Liên Hợp Quốc, giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới liên quan đến hòa bình, an ninh, phát triển và thúc đẩy quyền con người dựa vào luật pháp quốc tế.
GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). |
“Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN đã nhấn mạnh chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng.” Gắn kết ở đây không chỉ các nước gắn kết mình mà mình phải gắn kết với các nước, tìm ra những hạn chế, bất đồng để làm sao tất cả các bên hiểu biết, có lòng tin để xây dựng môi trường hòa bình. Nếu như trước đây, chúng ta là thành viên mới của ASEAN, thì hiện nay chúng ta đang ở vị trí tiên phong”- ông Phạm Quang Minh nói.
GS.TS Phạm Quang Minh phân tích: 2 trường phái chủ yếu tác động đến quan hệ quốc tế ở tất cả khu vực trên thế giới là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa hiện thực đề cao sức mạnh quân sự, các liên minh quân sự, nhấn mạnh chủ quyền, vai trò Nhà nước. Còn chủ nghĩa tự do đề cao luật pháp, các tổ chức, thể chế, cơ chế quốc tế.
Rõ ràng, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa hiện thực đóng vai trò quan trọng, bởi vì lúc đó đấu tranh trên mặt trận quân sự có tính chất quyết định. Từ năm 1989, Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt, thay vào đó là xu thế hợp tác, phát triển, phát huy sức mạnh kinh tế và không chỉ Nhà nước tham gia vào công việc quốc tế mà còn có các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn đa quốc gia, các phong trào xã hội. Giải quyết các xung đột, mâu thuẫn bằng con đường ngoại giao, hòa bình, việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng khi hoàn toàn không còn khả năng đàm phán.
“Để giữ gìn môi trường hòa bình, các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Ngày nay, tính chất pháp lý rất quan trọng, yêu cầu tất cả các quốc gia dù lớn, nhỏ phải tuân thủ. Tại sao hiện nay các nước đều tham gia vào các tổ chức quốc tế? Vì các tổ chức quốc tế đều có luật chơi, anh đã là thành viên thì phải tuân thủ luật chơi đó, anh phải điều chỉnh hành vi của mình. Anh nào không điều chỉnh hành vi là vi phạm và sẽ bị lên án” – ông Phạm Quang Minh cho biết.
Thế và lực của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế
Bình luận về kết quả công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ Đại hội 12, GS.TS Phạm Quang Minh cho rằng, chưa bao giờ thế và lực của đất nước, uy tín chính trị của Việt Nam ở một vị trí cao như hiện nay.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những biến động không ngừng cả về chính trị lẫn kinh tế, Đảng ta đã phát huy hiệu quả tinh thần của Nghị quyết Đại hội 12 về đối ngoại, giữ được môi trường hòa bình, ổn định; uy tín và vị thế của Việt Nam được nâng lên trên trường quốc tế, được bầu vào các tổ chức quốc tế, trong đó phải kể đến việc nước ta đã thể hiện vai trò quan trọng trong Cộng đồng ASEAN và lần thứ hai được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021; quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước lớn có bước tiến tốt..
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (phải, hàng thứ 2, bên trái) dẫn đầu vui mừng sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy Việt Nam được bầu chọn là Ủy viên không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục, 192/193 phiếu. (ảnh: Nhân Dân) |
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh đang là đề tài được truyền thông quốc tế đề cập và phân tích như một hình mẫu để các nước tham khảo. “Cuộc chiến chống đại dịch đã thể hiện được sức mạnh của chúng ta, với mô hình chống đại dịch bằng nguồn lực eo hẹp nhất. Chính sự đoàn kết, thống nhất từ trên xuống dưới đã giúp chúng ta thành công” – GS.TS Phạm Quang Minh cho biết.
Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho rằng, những thắng lợi trong công tác đối ngoại nhiệm kỳ Đại hội 12 tiếp tục tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Những diễn biến của thế giới, khu vực đã và đang đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại của nước ta. Theo đó, trong nhiệm kỳ Đại hội 13, cần phải triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Ngoại giao phải đẩy mạnh ở tất cả diễn đàn
Việt Nam là quốc gia đã chịu nhiều tổn thất do các cuộc xung đột, nhất là cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã cho Việt Nam thấy rằng, sự thiệt hại là vô cùng to lớn không chỉ về người và của mà còn là sự chia cắt về lòng tin của con người. Vì vậy 2 nhiệm vụ quan trọng nhất của đối ngoại là bảo vệ vững chắc Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định không chỉ là nhiệm vụ trong những năm qua mà còn là nhiệm vụ của hiện tại và những năm tiếp theo.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, tình hình thế giới và khu vực đang có những chuyển biến nhanh chóng và khó lường tạo ra các thách thức mới, yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại của nước ta. Trước hết, chúng ta cần tăng cường, củng cố vị thế của tổ chức ASEAN, làm sao để các nước lớn ủng hộ ASEAN. Đồng thời kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; tranh thủ các diễn đàn quốc tế để tăng cường lợi ích của mình.
“Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã đổi mới theo bề rộng, đến giai đoạn này chúng ta phải đổi mới theo chiều sâu, phải cân nhắc để đi vào thực chất. Trong số các đối tác chiến lược, cần phải rà soát, củng cố, lựa chọn lợi thế của các đối tác chiến lược đó, để đề xuất và thực thi những nội hàm, khía cạnh phù hợp, đảm bảo hợp tác đi vào thực chất, tránh hình thức, phô trương. Phải có lựa chọn chiến lược, lựa chọn đối tác, tranh thủ từng đối tác chứ không dàn trải. Cần phải có đối tác gắn bó cùng với những cam kết mang tính chiến lược” – ông Minh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự các hoạt động kỉ niệm ngày thành lập ASEAN. |
Về vấn đề Biển Đông, theo ông Phạm Quang Minh, nhiệm vụ quan trọng nhất sắp tới là Việt Nam phải cùng với ASEAN và Trung Quốc tiếp tục đàm phán để hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Bộ quy tắc này có tính ràng buộc và tính chất pháp lý sẽ giúp các bên xử lý bất đồng. Đồng thời Việt Nam cần đẩy mạnh công tác truyền thông đối ngoại, nâng cao tiếng nói trên trường quốc tế, từ tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao, đến tiếng nói của các học giả cả ở trong và ngoài nước, chú trọng công bố nhiều hơn nữa các nghiên cứu có tính khoa học, góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng trí tuệ và luật pháp quốc tế.
Ngoại giao phải đẩy mạnh các hoạt động của mình trên trường quốc tế, ở tất cả các diễn đàn nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế vì ngoại giao là cái chiêng, giúp thế giới hiểu đúng, đủ, nhanh về Việt Nam. Các thông tin đối ngoại cần phải đa chiều, khách quan; tranh thủ tất cả các diễn đàn quốc tế, phải chú trọng hàm lượng trí tuệ trong các thông tin đối ngoại, phải có chiến lược truyền thông đối ngoại; xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong ASEAN qua các kênh khác nhau như giáo dục, du lịch... Phải tìm mọi cách tạo sự đồng thuận trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, làm sao để ASEAN coi vấn đề Biển Đông là vấn đề chung của toàn khu vực, không phải chỉ của các nước có tranh chấp chủ quyền. Chỉ trên cơ sở đồng thuận thì ASEAN mới có tiếng nói chung, mới tạo được sức mạnh vì sức mạnh của ASEAN nằm ở chính nguyên tắc đồng thuận mà ASEAN đã tồn tại hơn 50 năm qua./.