Dành nguồn lực thích đáng ứng phó biến đổi khí hậu
VOV.VN -Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu diễn ra sáng 19/2
Sáng nay (19/2), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu chủ trì Phiên họp thứ 4 của ủy ban nhằm đánh giá tình hình hoạt động thời gian qua và bàn triển khai chương trình công tác năm 2014.
Tham dự có phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: Trên cơ sở chiến lược quy hoạch về thích ứng với biến đổi khí hậu, các Bộ, ngành và địa phương cần hoàn thiện dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào dự án cấp bách nhằm tranh thủ tối đa nguồn lực và kinh nghiệm của quốc tế.
Hiện tượng thời tiết bất thường ở Việt Nam - biểu hiện rõ nét nhất của sự thay đổi khí hậu cùng với những tác động chủ quan của con người đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách trong bài toán phát triển bền vững, cũng như đối với chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu thích hợp của các cấp, các ngành và địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu , chính sách pháp luật của Việt Nam về biến đổi khí hậu hiện đã được xây dựng và triển khai tương đối đồng bộ. Đáng chú ý là việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, như xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, triển khai chương trình khoa học công nghệ quốc gia… bước đầu tạo luận cứ, cơ sở khoa học quan trọng cho các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các Bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, năng lực cảnh báo, dự tháo thiên tai cũng được đặc biệt quan tâm đầu tư, bước đầu phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, theo đánh giá, nhận thức về biến đổi khí hậu trong xã hội còn hạn chế; việc phối hợp giữa các bộ, ngành với nhau và với các địa phương chưa thực sự hiệu quả. Hạn chế lớn nhất là thiếu cơ chế điều phối vận hành và các tiêu chí đánh giá việc lồng ghép giữa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Thảo luận tại phiên họp, đại diện các Bộ, ngành đã thẳng thắn nêu lên những vấn đề đặt ra ở các địa phương trước tác động của biến đổi khí hậu, như tình trạng sụt lún ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM, ngập úng ở đô thị, tình trạng xâm nhập mặn, hay việc kiểm soát quy trình vận hành đập và hồ chứa.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ NN-PTNT cho rằng, quy trình vận hành hồ chứa nên thực hiện linh hoạt, điều quan trọng là nâng cao được năng lực dự báo mưa, từ đó có thể tính được mực nước lũ… Để thích ứng với biến đổi khí hậu, đại diện Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung 27 văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho phù hợp, trong đó có Luật Xây dựng. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát lại quy hoạch xây dựng, quy chuẩn xây dựng trước tác động của thiên nhiên làm thay đổi thiết kế công trình.
Cũng tại phiên họp, đại diện một số Bộ, ngành kiến nghị cần nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo, tập trung triển có khai hiệu quả kế hoạch châu thổ sông Cửu Long nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nhất là tuyên truyền đối ngoại để tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng tình với 11 kiến nghị của cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, đề nghị các thành viên ủy ban, các Bộ, ngành tiếp thu và thực hiện.
Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh triển khai đồng độ nhiều giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, Việt Nam vẫn giành sự quan tâm và nguồn lực thích đáng thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu; rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế, trong đó cụ thể hóa nhiệm vụ phòng tránh thiên tai, cũng như cập nhật và hoàn thiện chiến lược quy hoạch về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác nghiên cứu khoa học và dự báo cần phải nâng cao một bước; các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng bản đồ cập nhật về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó tập trung tăng cường năng lực về quan trắc, dự báo mưa, lũ.
Đề cập một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Cần hoàn thiện thể chế, cập nhật chiến lược quy hoạch, kế hoạch cho phù hợp, trong đó có lưu ý cụ thể bản đồ về nước biển dâng, nghiên cứu về lún, trang bị quan trắc. Bây giờ ưu tiên biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai là rừng phòng hộ. Rừng phòng hộ ven biển hết sức có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Tôi đề nghị là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN-PTNT nghiên cứu cơ chế khuyến khích tối đa đề án phát triển rừng phòng hộ ven biển quyết liệt, làm cho có chuyển biến bằng các cơ chế chính sách, nguồn vốn. Bây giờ nguồn vốn bằng dự án nước ngoài tài trợ thẳng vào dự án là một loại, loại thứ 2 là dự án do Nhà nước đầu tư để trồng rừng phòng hộ và cái thứ 3 là nguồn xã hội hóa”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu triển khai giai đoạn 2 chương trình nhà ở vượt lũ ở các tỉnh, thành miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long; tập trung đẩy mạnh chương trình cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông và xử lý rác thải.
Thủ tướng nhấn mạnh: Vấn đề trước mắt và lâu dài vẫn là phải đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là trong mùa mưa lũ; phải tính toán đảm bảo hài hòa lợi ích giữa khai thác thủy lợi, sản xuất điện và phòng tránh thiên tai…
Đối với nhiệm vụ quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, Thủ tướng chỉ đạo: Dứt khoát không xuất khẩu quặng thô, tránh gây ô nhiễm môi trường; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra, rà soát lại các dự án khai thác tài nguyên.
Một nhiệm vụ ưu tiên nữa được Thủ tướng đề cập, đó là trên cơ sở chiến lược quy hoạch về thích ứng với biến đổi khí hậu, các Bộ, ngành và địa phương cần sớm hoàn thiện dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó rà soát, ưu tiên các dự án cấp bách, trên cơ sở tăng cường hợp tác đối ngoại để tranh thủ tối đa nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế./.