Dấu ấn ngoại giao Việt Nam năm 2021 ở khu vực “nóng”
VOV.VN - Năm 2021, dịch Covid-19 vẫn bùng phát tại Ai Cập và khu vực Trung Đông cũng như toàn cầu. Nhưng Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã chủ động và linh hoạt triển khai nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế, văn hóa, bảo hộ công dân hiệu quả.
Những kết quả trên đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ai Cập nói riêng và với các nước kiêm nhiệm tại Trung Đông nói chung ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. Nhân dịp năm 2022, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Trần Thành Công, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ai Cập và kiêm nhiệm Sudan, Tunisia, Libya, Nhà nước Palestine, Djibouti, Nhà nước Eritrea.
PV: Thưa Đại sứ, trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 ở Ai Cập nói riêng và các nước trong khu vực nói chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp, vậy Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã có những hoạt động như thế nào để triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa hiệu quả?
Đại sứ Trần Thành Công: Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 tại Ai Cập và một số quốc gia ở khu vực Trung Đông – châu Phi do Đại sứ quán Việt Nam kiêm nhiệm, vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của toàn bộ người dân và khiến hoạt động của cơ quan đại diện gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, trong năm qua, Đại sứ quán đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa đã được Nhà nước giao. Trong bối cảnh dịch bệnh, Đại sứ quán đã triển khai một số hình thức mới, như tập trung tuyên truyền trên một số kênh truyền thông uy tín của sở tại như Đài Phát thanh quốc gia Ai Cập, kênh Nile TV, tạp chí ngoại giao… trong đó, Đại sứ đã trực tiếp trả lời phỏng vấn để tuyên truyền, giới thiệu các thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam, cũng như việc khắc phục hậu quả của dịch bệnh. Bên cạnh đó, Đại sứ quán đã tổ chức một loạt các cuộc hội thảo xúc tiến thương mại, quảng bá văn hóa tại một số tỉnh như Port Said, Alexandria, Sharm el-Sheikh, Hughada…
Ngoài ra, trong chuyến công tác tại Lebanon, Đại sứ quán đã tổ chức một buổi hội thảo thu hút hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu của Lebanon quan tâm tham dự, trong đó đã giới thiệu về sự phát triển ở Việt Nam, kết quả thành công Đại hội 13 của Đảng. Trong chuyến công tác, Đại sứ quán cũng đã tổ chức khai mạc giải thi đấu võ thuật Việt Nam lần đầu tiên tại Lebanon, qua đó, giúp bạn bè quốc tế, khu vực hiểu rõ hơn về văn hóa của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng phối hợp với các Bộ, ban, ngành trong nước cũng như tại Ai Cập để tổ chức thành công các cuộc họp trực tuyến, như Kỳ họp lần thứ 2 Tiểu ban hợp tác về Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Ai Cập, để góp phần kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp hai nước.
PV: Trong đại dịch như thế này, việc bảo hộ công dân tại Ai Cập và các nước kiêm nhiệm được Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập thực hiện ra sao để bà con yên tâm sinh sống và làm việc cũng như có thể hồi hướng an toàn?
Đại sứ Trần Thành Công: Số lượng cộng đồng người Việt tại Ai Cập và khu vực không nhiều, nhưng sinh sống rải rác, gây khó khăn cho công tác bảo hộ công dân của cơ quan đại diện. Tuy nhiên, triển khai các chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán đã mở đường dây nóng duy trì hoạt động thường xuyên 24/7 để bà con có thể liên hệ trực tiếp khi gặp vấn đề vướng mắc.
Ngoài ra, Đại sứ quán cũng thông tin kịp thời để giúp bà con nắm được về các chuyến bay hồi hương, các quy định thủ tục trong nước về cách ly y tế phòng chống dịch. Thông qua các tổ chức hội đoàn tại Ai Cập, Đại sứ quán cũng đã nắm được tình hình cụ thể của những trường hợp người Việt bị mắc kẹt khi sang du lịch, các em sinh viên đi du học, hay số thủy thủ làm việc trên tàu bị mắc kẹt lại khi tới Ai Cập. Qua đó, Đại sứ quán đã thu xếp cho tất cả những trường hợp này hồi hương một cách thuận lợi và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Trong năm 2021, sứ quán cũng đã xây dựng một số phong trào điển hình như “Máy khâu yêu thương” để giúp đỡ, ủng hộ bà con có hoàn cảnh khó khăn, vượt qua giai đoạn dịch bệnh. Qua đó, bà con đã tin tưởng vào Cơ quan đại diện và đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước Ta đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
PV: Vâng, có thể thấy là trong năm vừa qua, mặc dù tình hình địa bàn còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng những kết quả mà chúng ta đạt được cũng rất tích cực. Trong năm tới, khi tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và khu vực dần được kiểm soát ổn định, chúng ta sẽ tập trung vào những lĩnh vực gì để thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước khu vực ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả cũng như thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngoại giao để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII?
Đại sứ Trần Thành Công: Năm 2021, tình hình dịch bệnh căng thẳng đã gây khó khăn trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Ai Cập, do hai nước không thể thực hiện được các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, cũng như triển khai kết quả các chuyến thăm cấp cao trước đây đi vào thực chất.
Trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và kết quả Hội nghị ngoại giao lần thứ 31 tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để khai thác những tiềm năng và thúc đẩy quan hệ song phương hiệu quả trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, triển khai thực chất, hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước, trong đó Đại sứ quán sẽ nỗ lực nhiều hơn để có thể đóng vai trò kết nối các bộ, ngành, địa phương hai nước.
Thứ hai, tập trung thúc đẩy cuộc họp Ủy ban liên chính phủ giữa hai nước. Đây là cơ hội để Việt Nam và Ai Cập bàn bạc, đưa ra các biện pháp tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai bên hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực.
Thứ ba là trong hợp tác kinh tế, hai bên cần tập trung vào một số lĩnh vực cùng có thế mạnh như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác dầu khí…
Thứ tư, thúc đẩy thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam – Ai Cập đi vào thực chất hiệu quả như thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Ninh Bình và Luxor, đồng thời nghiên cứu thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai thành phố thủ đô là Hà Nội và Cairo trong thời gian tới. Qua đó, mở ra thêm cơ hội thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa…
Ngoài ra, việc Ai Cập được chọn là nơi đăng cai tổ chức sự kiện Hội nghị quốc tế về chống biến đổi khí hậu (COP27) vào năm 2022 cũng là cơ hội để hai nước có thể xem xét hợp tác trong lĩnh vực công nghệ 4.0, công nghệ xanh, mà Ai Cập hiện đang rất quan tâm phát triển ở khu vực.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.